dd/mm/yyyy

"Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Khi hệ thống cảm biến dưới ao cá bị đưa... lên bờ (Bài 1)

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng với sự phát triển của công nghệ, gia tăng năng suất, chất lượng và giảm công sức lao động. Thời gian qua, lĩnh vực này đã đạt được nhiều kết quả tốt, tuy vậy trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp không ít trục trặc, đòi hỏi cần sớm có giải pháp tháo gỡ...


LTS: Theo "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Dù đã đạt được một số thành tựu nổi bật, quá trình chuyển đổi số nông nghiệp và nông thôn tại Việt Nam vẫn còn vướng mắc dễ dàng nhận thấy như mức độ cơ giới hóa thấp, ít công nghệ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, hoạt động sản xuất, canh tác chủ yếu vẫn dựa theo kinh nghiệm…

Clip: Là hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước được lắp dưới ao có phao nổi nhưng ông Nguyễn Ngọc Tuấn lại đưa thiết bị vào xô nước để trên bờ ao. Thực hiện: Trần Quang.

Sau khi lắp đặt hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt, nhiều nông dân ở Vĩnh Phúc cảm thấy chán nản vì các thiết bị hoạt động phập phù, chập chờn. Có hộ đã vớt thiết bị bỏ lên bờ và quay lại chăn nuôi cá bằng kinh nghiệm.

Cảm biến dưới nước phải mang... đặt trên bờ

Trong vai người nuôi cá, ngày đầu tháng 10, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Bí thư Chi bộ thôn Trại Trong, thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), một hộ chăn nuôi cá lâu năm để học hỏi kinh nghiệm áp dụng công nghệ mới chăn nuôi cá.

Vừa thấy chúng tôi đề cập đến hệ thông cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt, lão nông này đã lắc đầu ngao ngán: "Tôi lắp đặt vào ao dùng được một thời gian đã thấy lỗi mạng, thiết bị cảm biến hoạt động chập chờn chán lắm!".

Ông Tuấn nói tiếp: Thời gian đầu các cán bộ ở một đơn vị cùng đại diện doanh nghiệp (Công ty Tép Bạc tại TP.HCM) về mời chào gia đình lắp đặt công nghệ mới, tôi thấy không cấp thiết nên đã từ chối ngay nhưng họ bảo được hỗ trợ thêm nhiều cá giống và thức ăn chăn nuôi nên tôi mới đồng ý lắp đặt. Tuy nhiên, sau khi dùng một thời gian thấy không hiệu quả nên thôi. Ngoài ra, một số hộ nuôi cá quy mô lớn ở địa phương cũng được mời lắp đặt công nghệ mới này nhưng mọi người đều từ chối.

"Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Khi hệ thống cảm biến dưới ao cá bị đưa... lên bờ (Bài 1) - Ảnh 2.

Hiện, thiết bị cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá được ông Nguyễn Ngọc Tuấn ở thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) bỏ vào xô nước đưa lên bờ ao.

"Nếu gia đình không được hỗ trợ 50% tiền thiết bị cùng cá giống, cám chắc chúng tôi không lắp vì thấy không cần thiết. Nhiều năm nay, tôi vẫn chăm cá bằng... kinh nghiệm vẫn thấy hiệu quả", ông Tuấn khẳng định.

Theo ông Tuấn, khoảng tháng 7/2022, khi tham gia mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt thâm canh do một đơn vị trên địa bàn triển khai, gia đình ông có 2 ao khoảng hơn 2 mẫu được hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt thiết bị cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước; 1 tấn cá giống, 200 bao thức ăn chăn nuôi dành cho cá có vảy.

"Sau khi lắp đặt xong thiết bị cảm biến, gia đình thanh toán cho doanh nghiệp 30 triệu đồng. Sau đó chúng tôi nhận hỗ trợ cá trắm giống và thức ăn thủy sản của Công ty CP Sản xuất và Thương mại Thành Long (có địa chỉ ở TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) để chăm sóc cá".

Khi được chúng tôi hỏi: Khi lắp hệ thông cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá, nông dân chỉ cần dùng điện thoại smatphone để kiểm tra môi trường nước và điều khiển hệ thống tự đồng cho cá ăn, quạt nước... Vậy từ khi lắp đặt đến giờ ông điều khiển được thiết bị này qua điện thoại không?

"Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Khi hệ thống cảm biến dưới ao cá bị đưa... lên bờ (Bài 1) - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Hiệp, cháu của ông Nguyễn Ngọc Tuấn bấm nút vận hành máy cho cá ăn tại trang trại ở thôn Trại Trong.

Ông Tuấn vẫn lắc đầu: "Phía đại diện Công ty Tép Bạc cài đặt và hướng dẫn tôi sử dụng thiệt bị rất cẩn thận, tận tình nhưng khi vào thực tế chúng tôi chỉ dùng được một thời gian là máy bị lỗi mạng, thiết bị đo môi trường nước cũng không chuẩn nên lâu nay tôi không vào phần mềm này trên điện thoại nữa".

Do các con đã lập gia đình, vợ ông Tuấn phải lên thành phố để hỗ trợ trông cháu nhỏ, mấy năm nay ông Tuấn thuê thêm người cháu ruột là Nguyễn Hiệp (SN 1993) đến hỗ trợ công việc chăn nuôi tại trại. Trò chuyện với chúng tôi, Hiệp cho biết, bác (tức ông Tuấn) tuổi đã cao nên việc sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) hạn chế nhưng tôi vẫn sử dụng tốt. Tuy nhiên, do hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá của trại liên tục bị lỗi mạng nên việc sử dụng khá khó khăn.

Vừa nói, Hiệp vừa rút smartphone ra và truy cập vào hệ thống "quản lý trại anh Tuấn" nhưng khi vào phần "Máy đo" nhiệt độ nước, PH, oxy hòa tan... lại thấy thiết bị đo không hoạt động. "Chắc máy bị lỗi mạng hay bị ai rút (rút phích cắm điện)", Hiệp phân trần thêm.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan trang trại, Hiệp mới thật thà kể: Do đầu năm vừa qua, trong quá trình hút ao thu cá, các công nhân sơ ý làm cháy dây nguồn của hệ thống cảm biến nên chúng tôi đưa thiết bị lên bờ một thời gian. Cách đây khoảng 2 tháng, đại diện phía Công ty Tép Bạc về kiểm trả thực tế và đưa thiết bị đặt vào xô nước dưới chân cột điện ở trên bờ ao. Còn phao thiết bị bằng ống nhựa hình vuông vớt bỏ lên bờ giờ cũng mất không tìm được.

Bên cạnh đó, do bộ hẹn giờ cảm biến tự đồng chạy quạt oxy cho ao và chuồng nuôi gà trong hệ thống hoạt động chập chờn, có thời điểm không hoạt động được do lỗi mạng nên ông Tuấn đã chủ động thiết bị giá rẻ bên ngoài để thay thế mới sử dụng được hệ thống cảm biến.

"Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Khi hệ thống cảm biến dưới ao cá bị đưa... lên bờ (Bài 1) - Ảnh 4.

Đường vào khu trại cá của ông Trần Ngọc Thanh ở xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) tràn ngập rác thải, mùi xú uế hôi thối nồng nặc.

Cảm biến tự động nhưng phải bật bằng... tay

Cũng là hộ tiên phong tham gia "Mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt thâm canh", nhưng đến nay ông Trần Ngọc Thanh ở xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đang dùng công nghệ này bằng...tay.

Ngày nắng nóng đầu tháng 10, rẽ vào con đường dẫn đến trại nuôi cá của ông Thanh chúng tôi thấy tràn ngập rác thải. Mùi xú uế hôi thối nồng nặc, khói đốt rác đen kịt như muốn đầu độc những người qua đường.

"Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Khi hệ thống cảm biến dưới ao cá bị đưa... lên bờ (Bài 1) - Ảnh 5.

Dù đã được hướng dẫn sử dụng máy tính bảng để điều khiển chăm sóc cá từ xa và kiểm soát môi trường nước ao nhưng nhiều tháng nay ông Trần Ngọc Thanh ở xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên Vĩnh Phúc vẫn chỉ quen dùng điện thoại cục gạch để liên lạc và vận hành thiết bị cảm biến bằng tay.

Hôm chúng tôi đến bắt gặp ông Thanh vừa đi cắt cỏ cá về. Thấy có người đến hỏi về hệ thống cảm biến ở ao nhà, lão nông hơn 60 tuổi rất nhiệt tình dẫn khách ra ao kiểm tra công nghệ mới. Vừa đến gần tủ thiết bị điện gắn ở cột điện sát ao cá, ông Thanh nhanh tay dùng tay vặn công tắc để các quạt nước oxy dưới ao cá giống quay tít, bọt nước tung bay trắng xóa khắp ao.

"Vì sao hệ thống cảm biến, tự động điều khiển qua điện thoại lại phải dùng tay bật công tắc?" chúng tôi tò mò hỏi. Ông Thanh nhoẻn miệng cười rồi rút con điện thoại cục gạch từ trong túi áo ra, ông bảo: "Trước bên cán bộ mô hình cài đặt và hướng dẫn tôi sử dụng phần mềm trên Ipad (máy tính bảng) nhưng máy to quá lại không tiện mang đi làm nên để ở nhà. Lâu nay tôi vẫn quen dùng cục gạch cho tiện liên lạc, muốn thiết bị cảm biến chỉ cần dùng tay bật cho nhanh".

"Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Khi hệ thống cảm biến dưới ao cá bị đưa... lên bờ (Bài 1) - Ảnh 6.

Do máy cho cá ăn bị chuột cắn dây nguồn hư hỏng nên ông Thanh phải dùng tay hất cám cho cá ăn.

Trại của ông Thanh hiện có 2 ao chính rộng khoảng 5ha, trong đó có 1 ao cá giống trăm, chép khoảng 7 sào. Hàng năm vào cuối vụ lúa mùa (cuối năm), khi người dân trong xã thu hoạch lúa xong, ông Thanh lại nhận đấu thầu thêm khoảng 30ha để thả cá và nuôi vịt thương phẩm.

Trước đây còn khỏe, ông còn thả nuôi hàng nghìn vịt thương phẩm nhưng sau khi mổ thoát vị xương sống, mấy năm nay sức khỏe đi xuống nên ông Thanh chỉ nhận thầu lại ruộng để thả cá. Khoảng tháng 7/2022, đoàn cá bộ khuyến nông về vận động gia đình tham gia "Mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt thâm canh" và thấy được hỗ trợ cá giống, cám và 50% chi phí lắp đặt thiết bị công nghệ cao nên ông rất mừng.

"Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Khi hệ thống cảm biến dưới ao cá bị đưa... lên bờ (Bài 1) - Ảnh 7.

Dù hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá vẫn dưới ao nhưng ông Thanh không sử dụng.

"Ban đầu nghe phía doanh nghiệp giới thiệu khi lắp thiết bị cảm biến thì nông dân chỉ cần ngồi nhà hoặc đi xa nhiều ngày dùng điện thoại có thể chăm sóc được cá nên tôi rất vui vì thấy sức khỏe mình đi xuống, ao lại nhiều, rộng nên rất hào hứng và đồng ý lắp đạt ngay để sử dụng", ông Thanh nhớ lại và cho biết, tuy vậy sau một thời gian lắp đặt do tuổi cao nên không khó sử dụng máy, điện thoại thông minh. Có lúc tôi phải nhờ con hỗ trợ nhưng nó cũng bận làm ở gara ô tô cũng không có thời gian làm ao với mình nên tôi đành bỏ máy ở nhà.

"Lắp hệ thống cảm biến cũng giúp kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá rất tốt nhưng mình không hay đi xa nên cũng không cần thiết. Hơn nữa, hàng chục năm nay, tôi vẫn nuôi cá bằng kinh nghiệm, sợ nhất là kiểm soát nước ao vào mùa hè. Trong thời điểm mùa hè, nhất là lúc trời có mưa tôi chỉ cần bật quạt oxy 24/24 và giảm thức ăn tại các ao sẽ vẫn giúp môi trường nước trong ao sạch và cá nuôi phát triển bình thường", ông Thanh tiết lộ.

"Góc khuất" chuyển đổi số nông nghiệp: Khi hệ thống cảm biến dưới ao cá bị đưa... lên bờ (Bài 1) - Ảnh 8.

Ông Thanh dùng tay bật công tắc vận hành thiết bị kiểm soát môi trường nước ao và quạt oxy tại trang trại của gia đình ở xã Tân Phong.

Dẫn chúng tôi đến thăm máy cho cá ăn tự động, ông Thanh đổ hai bao cám vào máy nhưng khi bật công tắc mới phát hiện máy không chạy, sau khi kiểm tra mới phát hiện dây điện bị chuột cắn đứt nên ông Thanh đành phải xúc cám ra rồi dùng gáo nhựa hất cho cá ăn.

"Nhà có cả đàn mèo mà mấy năm nay chuột vẫn cắn dây điện máy móc liên tục, chán lắm", ông Thanh ngậm ngùi.

Hỗ trợ thức ăn bằng loại cám có thương hiệu "lạ", chất lượng cá có vấn đề

Chia sẻ thêm với PV Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, chủ trại cá ở thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, khi thamg gia mô hình "Mô hình ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá nước ngọt thâm canh", gia đình ông được hỗ trợ 1 tấn cá giống và 200 bao cám thức ăn thủy sản có tên Aquatech của Công ty CP Sản xuất và Thương mại Thành Long (có địa chỉ ở TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam).

Tuy nhiên trong quá trình cung ứng cám cho trại, đơn vị này có cách vận chuyển khá lạ, mỗi tháng chỉ cấp 50 bao và gợi ý khách hàng cần mua thêm 50 bao cho đủ chuyến mới đưa về ngay, còn nếu chỉ có 50 bao thì phải chờ ghép đủ xe mới chở.

"Ban đầu thấy mô hình hỗ trợ loại cám mới, chúng tôi cũng muốn đổi loại thức ăn thủy sản của hãng khác nhưng không được. Trong quá trình chăm sóc cá giống được hỗ trợ và cá của gia đình bằng loại cám mới này thấy có vấn đề. Dù cá ăn cám này vẫn lớn bình thường nhưng đến khi thu hoạch con nào cũng béo bụng rất khó bán, có hôm còn ế mang cá thả lại nhiều lần nên bị thiệt hại hơn 1 tấn khoảng 50 triệu đồng", ông Tuấn nhớ lại.

Ông Tuấn cho biết, sau khi hết đợt cám hỗ trợ, gia đình ông lại quay về sử dụng loại cám cũ (thức ăn thủy sản của một doanh nghiệp nước ngoài).

Cùng nuôi cá bằng loại cám hỗ trợ có tên Aquatech của Công ty CP Sản xuất và Thương mại Thành Long (có địa chỉ ở TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), ông Trần Ngọc Thanh phải chủ động cho cá ăn ghép với cám của thương hiệu khác đắt tiền hơn để đảm bảo chất lượng cá khi thu hoạch.

Sẽ cho kiểm tra vụ việc

Chiều 10/10 trao đổi với PV Dân Việt, đại diện đơn vị triển khai dự án có ứng dụng chuyển đổi số trong chăn nuôi cá được xây dựng và triển khai từ đầu năm 2021. Trong quá trình triển khai mô hình, đơn vị có phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng giống, thiết bị, thức ăn thủy sản cùng các đơn vị huyện, xã để triển khai, lựa chọn các hộ nuôi cá đủ điều kiện để tham gia mô hình.

Trung bình mỗi năm, tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng 6 mô hình, đến nay, toàn tỉnh sẽ có khoảng 18 mô hình. Theo đó, đơn vị đang hỗ trợ người dân 50% chi phí máy móc, thiết bị cảm biến, giống và thức ăn chăn nuôi thủy sản.

"Khi lắp đặt hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi sẽ giúp kiểm soát hiệu quả môi trường nước nuôi cá. Nếu trong điều kiện thời tiết bất lợi, nhiệt độ, chất lượng nước thay đổi đột ngột thì hệ thống cảm biến sẽ phát hiện sớm và tự động chạy quạt cung cấp oxy cho nước và người nuôi chủ động thay nước mới vào giúp đảm bảo môi trường nước trong ao và giúp cá sinh trưởng, phát triển tốt", đại diện đơn vị triển khai mô hình thông tin.

Khi được chúng tôi thông tin về tình trạng các hộ dân ở tỉnh tham gia mô hình gặp khó khăn, hạn chế trong vận hành thiết bị cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong nuôi cá, đơn vị đại diện cho rằng, trong quá trình triển khai mô hình cũng có một, hai hộ gặp vấn đề nhưng trung tâm đều đã cử cán bộ xử lý hết.

Theo tìm hiểu, trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2025, mỗi năm, mô hình sẽ hỗ trợ 6 hộ dân áp dụng công nghệ mới vào chăn nuôi cá. "Trong đó, các đối tác là các doanh nghiệp cung cấp con giống, thức ăn thủy sản, thiết bị cảm biến đều phải qua đấu thầu công khai trên mạng internet và trung tâm cũng sẽ lựa chọn nhà thầu đủ điều kiện mới cho tham gia mô hình. Còn vấn đề như nhà báo phản ánh các hộ dân nuôi cá tham gia mô hình không sử dụng được thiết bị cảm biến và gặp vấn đề về thức ăn chăn nuôi thủy sản... chúng tôi sẽ kiểm tra và trả lời lại sau", đại diện đơn vị này nói.


Trần Quang