"Nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn"
“Áp dụng Global GAP để nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại tới bàn ăn, đây là mục tiêu mà doanh nghiệp đang hướng tới” - ông Phạm Quang Huy - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và chế biến Nông lâm sản Nghĩa Phát khẳng định.
Với tổng diện tích dự kiến đầu tư trên 400ha, Công ty TNHH sản xuất và chế biến Nông lâm sản Nghĩa Phát là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh tiên phong lựa chọn đầu tư trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn Global GAP. Hiện tại 270 ha đã được trồng 80.000 gốc mít xen 20.000 gốc sầu riêng và 8.000 gốc dổi lấy hạt.
Ông Phạm Quang Huy cho biết thêm: Cứ 3 cây mít thì trồng xen 1 cây sầu riêng. Đến khi cây sầu riêng đạt đủ độ lớn (khoảng 9 năm) thì cây mít cũng đã thu được hết giá trị. Lúc đó sẽ chặt bỏ cây mít, chỉ để lại cây sầu riêng, đây cũng là nguồn thu chính sau này.
Để đạt chứng nhận tiêu chuẩn Global GAP, người sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt từ khâu làm đất của nông trại canh tác cho đến khâu thu hoạch, chế biến và tồn trữ - gồm các bước xử lý đất, nguồn nước, lựa chọn giống cây, vật tư sản xuất đảm bảo trong danh mục, chủ yếu có nguồn gốc hữu cơ, an toàn cho người sử dụng.
Theo ông Phạm Quang Huy, toàn bộ quá trình chăm sóc, bón phân, làm cỏ và thu hoạch đều phải đưa vào nhật ký. Nhật ký đó sẽ do Global GAP kiểm soát. Ở khâu chế biến, toàn bộ phải đáp ứng 100% về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để xây dựng một hệ thống sản xuất theo dây chuyền khép kín và đạt được trên 250 tiêu chí của Global GAP đòi hỏi người sản xuất phải có nguồn vốn lớn để đầu tư ban đầu và duy trì chi phí quản lý hằng năm. Từ khi bắt đầu xây dựng nông trại vào năm 2018, Công ty TNHH sản xuất và chế biến Nông lâm sản Nghĩa Phát đã đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, từ khâu cải tạo nông trại canh tác cho đến khâu đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có hợp đồng với chuyên gia của Global GAP.
“Hiện tại, cứ 1 tháng thì chuyên gia có mặt 2 lần để kiểm tra. Bên cạnh đó sẽ hướng dẫn, mở các lớp học tại chỗ cho nhân viên của công ty để nắm rõ toàn bộ quy trình của Global GAP” - Ông Phạm Quang Huy cho hay.
Đến cuối tháng 5/2020, khoảng 10.000 cây mít đã cho thu hoạch đợt đầu với năng suất khoảng 100 tấn và cho thu hoạch đại trà vào tháng 12/2020. Sau 4 năm, khi cây mít và sầu riêng cho thu hoạch ổn định sẽ cho doanh thu hằng năm khoảng hơn 2 tỷ đồng/1 ha.
Ông Đoàn Năng Rường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: “Tiêu chuẩn Global GAP yêu cầu rất nghiêm ngặt, gồm 252 tiêu chí, trong đó có 36 tiêu chí bắt buộc phải thực hiện, 127 tiêu chí phải thực hiện từ 90-95%, còn lại 89 tiêu chí khuyến cáo nên thực hiện. Tại tỉnh Kon Tum, các trang trại hoặc gia đình có điều kiện vẫn có thể tham gia trên cơ sở trong chuỗi liên kết của hộ gia đình với hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp trên tinh thần doanh nghiệp phải làm bà đỡ. Thứ nhất từ khâu chuyển giao kỹ thuật; thứ hai là vật tư đầu vào; thứ ba là tổ chức sản xuất, sau đó là thu hoạch và bảo quản, chế biến, phân phối lưu thông để sản phẩm được chứng nhận đủ tiêu chuẩn Global GAP”.
Ngoài tiếp tục phát triển thêm diện tích cây trồng theo hằng năm, để hoàn thiện các tiêu chí còn lại, Công ty TNHH sản xuất và chế biến Nông lâm sản Nghĩa Phát sẽ xây dựng nhà máy và xưởng chế biến tại chỗ đối với sản phẩm mít vào tháng 9/2020; trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư và chế biến sản phẩm sầu riêng, dự kiến được đặt tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà.
Áp dụng Global GAP là giải pháp nền tảng để nhà sản xuất nông nghiệp xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường và giá bán tốt hơn cho sản phẩm của mình. Vì thế, những nhà sản xuất có tầm nhìn sẽ coi chi phí cho hoạt động, áp dụng và chứng nhận Global GAP là đầu tư cho sự phát triển lâu dài, bền vững.