dd/mm/yyyy

Sản lượng đường toàn cầu tăng mạnh, sao giá đường trong nước vẫn khó giảm?

Thị trường đường thế giới tháng 5/2024 tính đến ngày 24/5/2024 đồng loạt sụt giảm, với giá đường trắng giảm 4,59% còn giá đường thô giảm 6,13% so với tháng 4/2024. Giá đường trong nước tháng 5 dao động quanh mức 21.000 đồng/kg, tương đương mức giá hồi tháng 2/2024 và tăng 18% so với cùng thời điểm năm 2023.
Sản lượng đường toàn cầu tăng mạnh, sao giá đường trong nước vẫn khó giảm?- Ảnh 1.

Ngân hàng thế giới dự báo, giá đường thế giới năm 2024 có thể giảm 6%, bởi sản xuất đường toàn cầu sẽ cải thiện khi triển vọng thời tiết tích cực hơn, nhất là trong nửa sau niên vụ 2023/24.

Ngân hàng thế giới dự báo, giá đường thế giới năm 2024 có thể giảm 6%, bởi sản xuất đường toàn cầu sẽ cải thiện khi triển vọng thời tiết tích cực hơn, nhất là trong nửa sau niên vụ 2023/24.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/5/2024, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2024 trên sàn London chốt ở 537,8 USD/tấn. Trong tháng, mức giá cao nhất chốt ở 572 USD/tấn phiên 03/5/2024, thấp nhất ở 534,7 USD/tấn phiên 17/5/2024.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2024 trên sàn New York tính đến ngày 24/5/2024 chốt ở 18,21 Us cent/lb. Trong tháng, mức giá cao nhất chốt ở 19,4 Us cent/lb phiên 26/4/2024 và thấp nhất ở 18,13 Us cent/lb phiên 17/5/2024.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), ngành mía đường Việt Nam đã kết thúc giai đoạn trồng mới cho vụ đông xuân và vào vụ ép mía 2023/24. Theo báo cáo của các nhà máy đường còn hoạt động, dự kiến sản lượng đường niên vụ 2023/24 sẽ gia tăng đáng kể so với niên vụ trước đó.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam ước tính, sản lượng mía được đưa vào chế biến trong niên vụ 2023/24 có thể đạt 10,6 triệu tấn, tăng 9% và sản xuất được hơn 1 triệu tấn đường thành phẩm, tăng 10% so với niên vụ trước.

Hiệp hội mía đường UNICA báo cáo, sản lượng đường ở khu vực Trung Nam Brazil trong nửa cuối tháng 4/2024 đạt 1,84 triệu tấn, tăng mạnh 84,25% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi tổng sản lượng ethanol tăng 51,86% đạt 1,51 tỷ lít.

StoneX dự báo sản lượng đường ở khu vực Trung Nam Brazil đạt 42,3 triệu tấn vào năm 2024/25. Trong khi đó, UNICA ước tính con số này là 42,4 triệu tấn trong năm 2023/24.

Chính phủ Ấn Độ chưa sẵn sàng đưa ra quyết định việc có cho phép xuất khẩu đường trong năm nay hay không và cần thêm vài tháng để đánh giá lại tình hình.

Cơ quan FAS của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, sản lượng đường của Thái Lan trong niên vụ mới 2024/25 sẽ đạt 10,2 triệu tấn, tăng 16% so với niên vụ 2023/24, sau khi sản lượng mía phục hồi và tỷ trọng mía sử dụng sản xuất đường tăng. Còn Datagro dự báo con số này là 10,5 triệu tấn.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc dự báo, sản lượng đường của nước này trong niên vụ 2024/25 (tháng 10 – tháng 9) đạt 11 triệu tấn, do diện tích trồng tăng lên.

Trong niên vụ 2023/24, Uỷ ban châu Âu ước tính sản lượng đường của EU đạt 15,6 triệu tấn, tăng 7% sau khi giảm mạnh trong niên vụ trước đó, chủ yếu do diện tích trồng củ cải đường ở Ba Lan, Hungary và Romania tăng, cùng sản lượng phục hồi ở Ý, Đức và Pháp.

Xuất khẩu đường của EU được dự kiến đạt 1,1 triệu tấn trong niên vụ 2023/24, tăng 77% lên mức cao nhất 5 năm, do nguồn cung dồi dào (gồm cả lượng tồn kho lớn từ mùa vụ trước). Trong khi đó, tổng lượng nhập khẩu của EU niên vụ này lại được dự báo sẽ giảm 26% chỉ đạt 1,9 triệu tấn, bất chấp lượng nhập khẩu tăng lên từ Ukraine.

ISO cũng nâng ước tính sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2023/24 lên gần 180 triệu tấn, tăng mạnh so với mức 174,8 triệu tấn được dự báo trước đó. Do vậy, mức thâm hụt nguồn cung đường toàn cầu niên vụ 2023/24 dự kiến sẽ chỉ ở mức 0,3 triệu tấn, so với mức 2,1 triệu tấn được dự báo trước đó.

Trong nước, mới đây ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS) dự báo giá đường trong nước sẽ còn tiếp tục neo cao cho đến cuối năm nay, bất chấp việc giá đường thế giới đang bước vào chu kỳ giảm giá.

Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung đường trong nước vẫn đang thấp hơn so với nhu cầu tiêu thụ nội địa. Đồng thời, giá đường Việt Nam vẫn đang thấp hơn so với giá đường của các nước trong khu vực.

Theo số liệu ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam rơi vào mức 2.389 triệu tấn đường.

Mặc dù nhu cầu nhiều nhưng sản lượng đường sản xuất trong nước cho đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 43% so với thực tế. Chính vì vậy, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn nhằm đáp ứng được nhu cầu trong nước.


P.V