dd/mm/yyyy

Vì sao giá đường thô toàn cầu được dự kiến tăng 20% trong năm 2024?

Giá đường thô SBc1 được dự kiến sẽ tăng gần 20% vào năm 2024, khi thị trường đường toàn cầu chuyển sang trạng thái thâm hụt trong niên vụ tới.

Theo dự báo, kết thúc năm 2024, giá đường thô chốt ở 24,5 US cent/lb, tăng 19% so với cùng thời điểm năm 2023; giá đường trắng ở mức 700 USD/tấn, tăng 17% so với cùng thời điểm năm 2023.

Sản lượng đường tại khu vực sản xuất hàng đầu Trung Nam Brazil được dự kiến vẫn tăng, mặc dù sản lượng mía giảm nhẹ do các nhà máy ưu tiên sản xuất chất làm ngọt hơn nhiên liệu sinh học ethanol.

Tuy vậy, sản lượng đường tại Ấn Độ - nhà sản xuất lớn thứ hai - lại được dự kiến sẽ sụt giảm. Theo dự báo, Ấn Độ sẽ sản xuất được 31,6 triệu tấn đường trong niên vụ 2023/24 (tháng 10 – tháng 9), giảm xuống còn 29 triệu tấn đường trong niên vụ 2024/25 sắp tới. Nếu không có tăng trưởng ở Ấn Độ sẽ dẫn đến sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2024/25 có thể sụt giảm.

Theo ước tính trung bình, dư thừa đường toàn cầu 500.000 tấn trong niên vụ 2023/24 hiện tại (tháng 10 – tháng 9) sẽ chuyển sang thâm hụt 700.000 tấn khi sang niên vụ 2024/25.

Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) cho biết, sản lượng đường tại khu vực Trung Nam của nhà sản xuất hàng đầu Brazil ước đạt 42,1 triệu tấn trong niên vụ 2024/25 (tháng 4 – tháng 3) sắp tới.

Theo ISO, sản lượng mía của Brazil có thể tăng nhẹ trong mùa tới, bất chấp vụ mía ở Trung Nam được dự báo chỉ ở mức 620 triệu tấn trong niên vụ 2024/25 tới, giảm so với ước tính 645 triệu tấn trong niên vụ này.

Với cơ cấu sản xuất 51,5% trong vụ tới để sản xuất chất tạo ngọt, các nhà máy Brazil đã sử dụng nhiều mía hơn để sản xuất đường thay vì nhiên liệu ethanol sinh học.

Nhà phân tích Green Pool cho rằng, vụ mùa 2024/25 của Brazil dường như khó có thể đạt được sản lượng tốt vào khoảng cuối tháng 12, đầu tháng 1. Dự trữ toàn cầu vẫn khan hiếm trong khi cần có nguồn thặng dư đáng kể để lấp chỗ trống.

Giá đường thế giới đã bật tăng 16% trong tháng 1/2024, đạt 23,91 US cents/pound.

Tại thị trường trong nước, giá đường đã điều chỉnh giảm sau một thời gian tăng theo giá đường thế giới. Tuy nhiên, mức độ sụt giảm được ghi nhận thấp hơn so với giá đường thế giới và vẫn giữ ở mức 21.200 - 21.800 đồng/kg trong giai đoạn từ tháng 12/2023 - tháng 1/2024.

Sản lượng mía đưa vào chế biến đường trong niên vụ 2023/2024 của Việt Nam dự kiến sẽ ở mức tích cực, ước tăng 9% so với niên vụ trước, đạt 10,6 triệu tấn. Qua đó, giúp sản lượng đường thành phẩm dự kiến tăng 10%, đạt hơn 1 triệu tấn - mức cao nhất từ niên vụ 2019/2020 đến nay.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) mức sản lượng trên vẫn chỉ đủ đáp ứng 1/3 nhu cầu tiêu thụ trong nước. Do đó, việc giá đường thế giới biến động sẽ không tác động ngay đến giá đường trong nước trong ngắn hạn do đường nhập khẩu đang được giám sát chặt chẽ và tuân thủ chính sách chống bán phá giá, chống trợ cấp của Việt Nam. Vì vậy, giá đường trong nước sẽ phần nhiều phụ thuộc vào diễn biến cung - cầu trên thị trường nội địa.

Dù giá đường biến động khó lường song các dự báo vẫn cho rằng, giá đường trong nước niên vụ 2023/2024 sẽ vẫn cao hơn so với giai đoạn 2018 - 2020. Đồng thời, việc giá đường tăng cao trở lại trong thời gian vừa qua đã thu hút nông dân quay trở lại trồng mía, nhiều doanh nghiệp cũng đẩy mạnh mở rộng vùng nguyên liệu. Qua đó, giúp gia tăng sản lượng mía đường. Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường.

P.V