dd/mm/yyyy

Sa Pa: Triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho cá nước lạnh

Thời gian qua, do thời tiết nắng nóng kéo dài đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc nuôi cá nước lạnh của nhiều hộ dân trên địa bàn thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai...


Clip: Cá nước lạnh bị chết do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài.

Nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến người dân nuôi cá nước lạnh

Anh Sùng A Lử, thôn Suối Thầu 1, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa chia sẻ: Tính đến nay, gia đình tôi đã có hơn 3.500 cá hồi bị chết, ước tính thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết mấy ngày qua nắng nóng kéo dài, thiếu nước cung cấp cho ao nuôi cá và thiếu oxy nên khiến đàn có hồi 6 tháng tuổi của gia đình tôi bị chết.

Sa Pa: Triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho cá nước lạnh - Ảnh 2.

Do ảnh hưởng của thời tiết cá nước lạnh của người dân xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa bị chết. Ảnh: A Lử.

Không chỉ hộ anh Lử mà một số hộ khác như ông Sùng A Sính, thôn Suối Thầu 1; ông Phàn Láo Lở, thôn Can Hồ B cũng bị chết do nắng nóng.

Sa Pa: Triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho cá nước lạnh - Ảnh 3.

Người dân thôn Suối Thầu 1, xã Ngũ Chỉ Sơn xót xa khi nhìn đàn cá hồi bị chết do nắng nóng kéo dài. A Lử.

Theo số liệu thống kê do Phòng kinh tế thị xã Sa Pa cung cấp do ảnh hưởng của các đợt nắng nóng cục bộ từ ngày 15/4 đến nay, trên địa bàn xã Ngũ Chỉ Sơn có hiện tượng cá chết rải rác, với số lượng khoảng 1,5 tấn cá hồi, cá tầm/ 15 hộ dân nuôi cá. nguyên nhân chủ yếu là do nắng nóng cục bộ dân đến nguồn nước ít, nhiệt độ nước tăng cao, cá thiếu ôxi, giảm sức đề kháng của cá...

Cũng theo người dân ở Sa Pa, năm nay thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao hơn so với mọi năm. Do vậy, dẫn đến khô hạn, nước ít nên cá hồi mới bị chết.

Người dân cần chủ động phòng, tránh cho cá nước lạnh khi nắng nóng

Trước tình hình thời tiết nắng nóng cục bộ xảy ra tại một số địa phương, nhiệt độ cao hoặc dao động lớn sẽ gây sốc, giảm sức đề kháng của động vật thủy sản, tăng mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh, ảnh hưởng tỷ lệ sống và là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn và virus gây bệnh phát triển làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của người dân.

 Thị xã Sa Pa đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn đến các hộ dân nuôi trồng thủy sản chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho động vật thủy sản đặc biệt là thủy sản nước lạnh.

Sa Pa: Triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho cá nước lạnh - Ảnh 4.

Cá nước lạnh sẽ bị chết nếu thiếu nước và oxy. Ảnh: A Lử.

Người dân nuôi cá nước lạnh cần thường xuyên theo dõi kiểm tra sức khỏe của cá, tính toán mật độ nuôi phù hợp với điều kiện thực tế, khuyến kích dùng các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi. Định kỳ 10 - 15 ngày bón vôi bột, liều lượng 1 - 1,5 kg/100m3 , tăng cường sử dụng máy sục khí vào 5 giờ, 23 giờ, mỗi lần chạy máy từ 1 - 3 giờ tùy thuộc vào sức khỏe của động vật thủy sản.

Sử dụng các loại thức ăn đảm bảo chất lượng, không bị nấm mốc, ôi, thiu; điều chỉnh lượng thức ăn theo diễn biến thời tiết, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường; giảm khẩu phần cho ăn xuống từ 40 - 50 % hoặc ngừng hẳn vào những ngày nắng nóng có nhiệt độ nước trên 35 độ C; không nên đánh bắt, vận chuyển vào thời điểm nắng nóng.

Tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa, tinh dầu tỏi vào thức ăn cho cá với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất...

Sa Pa: Triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho cá nước lạnh - Ảnh 5.

Để hạn chế thiệt hại thấp nhất đối với đàn cá nước lạnh, người dân trên địa bàn thị xã Sa Pa (Lào Cai) cần triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống khi gặp thời tiết bất lợi. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, cho biết: Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài vừa qua, phòng đã chủ động tham mưu cho UBND thị xã văn bản triển khai các biện pháp phòng chống nắng nóng cho động vật thủy sản. Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền cho người dân triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho động vật thủy sản.

Đồng thời, thực hiện rà soát, tổng hợp báo cáo kết quả thiệt hại để có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại do thời tiết gây ra.

Thời gian tới, thời tiết còn nhiều diễn biến phức tạp, do vậy, người dân nuôi cá nước lạnh tại các xã, phường của thị xã Sa Pa cần triển khai hiệu quả các giải pháp để bảo vệ đàn cá, góp phần giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho người nuôi.

Mùa Xuân