dd/mm/yyyy

Quảng bá vẻ đẹp văn hóa Điện Biên đến mọi miền Tổ quốc

Lễ hội Hoa Ban và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ VII, có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc và các hoạt động biểu diễn và trải nghiệm không gian văn hóa vùng cao...

Điện Biên - không gian văn hoá sôi động

Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Ban và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ VII, Ban tổ chức Lễ hội và Ngày hội đã tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc các dân tộc, cùng với các hoạt động biểu diễn và trải nghiệm không gian văn hóa vùng cao của các địa phương

Tại không gian văn hóa vùng cao, các địa phương trong tỉnh Điện Biên đã mang đến những nét văn hóa dân tộc đặc trưng từ với những tiếng khèn, tiếng sáo Mông, điệu múa của người Hà Nhì hay điệu nhảy sạp của người Khơ Mú. Tất cả tạo nên một không gian văn hóa đa dạng bản sắc của cộng đồng 19 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Mỗi dân tộc một nét văn hóa, tín ngưỡng khác nhau tạo nên sự độc đáo riêng biệt của mảnh đất Điện Biên.

Đặc biệt, hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch tại Lễ hội có sự phối hợp tham gia của 13 tỉnh, thành phố trong cả nước như: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Sóc Trăng... Qua đó góp phần tăng cường liên kết, hợp tác trong xây dựng, phát triển cũng như xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch phục vụ du khách và nhân dân.

Quảng bá vẻ đẹp văn hóa Điện Biên đến mọi miền Tổ quốc - Ảnh 1.

Du khách thăm quan không gian văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Nhiều nét văn hoá đặc trưng của Điện Biên trong dịp lễ hội

Chị Lý Thị Xui, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chia sẻ: "Có mặt tại Lễ hội Hoa Ban, chúng em có trình diễn nhảy sạp. Đây là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái, nhảy sạp thường biểu diễn trong các lễ hội như đầu mùa, cầu mưa và cho mưa thuận gió hóa, cho mùa tốt tươi cho dân bản. Qua không gian này, chúng em muốn đưa bản sắc văn hóa dân tộc để du khách biết nhiều hơn về Điện Biên"

Đến với không gian văn hóa vùng cao, ngoài các phần trình diễn của các nghệ nhân, diễn viên, du khách còn được hòa mình trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống của các dân tộc như: tó má lẹ, ném còn, ném pa pao, giã bánh dày, bịt mắt đập niêu,…tạo nên không khí ngày hội thực sự sôi nổi, cuốn hút, để lại những ấn tượng sâu đậm đối với du khách lần đầu đến với Điện Biên.

Quảng bá vẻ đẹp văn hóa Điện Biên đến mọi miền Tổ quốc - Ảnh 2.

Không gian văn hóa dân tộc Thái thu hút được nhiều du khách với nét văn hóa đặc trưng.

Chị Nguyễn Bích Ngọc, du khách tỉnh Lào Cai tâm sự: "Đây là lần đầu tiên em đến với Điện Biên cũng là lần đầu tiên em đến với Lễ hội Hoa Ban. Đến với Lễ hội này em thấy có rất nhiều hoạt động văn hóa kết nối tình đoàn kết các dân tộc lại với nhau. Ngoài ra đến đây em cũng được tìm hiểu thêm kiến thức về lịch sử cũng là khơi gợi lòng tự hào dân tộc trong mỗi con người Việt Nam chúng ta.

Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Điện Biên cho biết: “Sau 3 năm không tổ chức quy và tổ chức hạn chế, Lễ hội Hoa Ban năm 2023 tổ chức gắn với Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ VII được tổ chức mô cấp tỉnh có sự tham gia của trên 14 tỉnh, thành trong cả nước. Cùng với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn sôi nổi như: Lễ khai mạc với chương trình nghệ thuật đặc sắc và màn pháo hóa nghệ thuật, Diễu hành Văn hóa đường phố; Cuộc thi Người đẹp Hoa Ban; Cuộc thi ẩm thực; Không gian văn hóa vùng cao; Liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc, hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao; Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch, các sản phẩm… Có thể nói chưa năm nào Lễ hội Hoa Ban được tổ chức nhiều hoạt động với quy mô rộng như vậy.”

Quảng bá vẻ đẹp văn hóa Điện Biên đến mọi miền Tổ quốc - Ảnh 3.

Du khách được trải nghiệm các trò chơi dân gian.

Một điểm mới trong Lễ hội Hoa Ban năm 2023 là sẽ có chương trình Diễu hành Văn hóa đường phố trên các tuyến đường của TP. Điện Biên Phủ. Chương trình này do UBND TP. Điện Biên Phủ chủ trì, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Điện Biên và các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan thực hiện với lực lượng tham gia diễu hành là các diễn viên quần chúng đến từ các bản văn hóa, các trường học, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp... trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Đến thời điểm này, 10 chiếc xe diễu hành đã được hoàn thành, tái hiện hình ảnh của Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, chiếc khèn Mông, cọn nước, máy bay… hứa hẹn sẽ là một đêm diễu hành với nhiều sắc màu rực rỡ. Hòa chung không khí hướng về những tháng năm lịch sử, Lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động gợi lại những năm tháng không thể quên, tiêu biểu như thi đẩy xe đạp thồ, thi tải đạn. Tham dự môn thi không chỉ là các vận động viên mà còn dành không gian cho người dân và du khách cùng tham gia trải nghiệm. Đây sẽ là một góc trải nghiệm thú vị, ấn tượng của Lễ hội với ý nghĩa gắn kết lịch sử và hiện tại…

Các hoạt động trong không gian văn hóa vùng cao sẽ được diễn ra từ ngày 10- 13/3, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm phong phú, hấp dẫn, mang vẻ đẹp đặc trưng của văn hóa, lịch sử vùng Tây Bắc Tổ quốc. Qua đó nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của mảnh đất và con người Điện Biên.

Vinh Duy