dd/mm/yyyy

Bộ NNPTNT đưa vào sử dụng hệ thống quản lý vùng trồng: "Thước đo" tái cơ cấu ngành

Với phương châm hoạt động "Kết nối - Chia sẻ - Hiệu quả - Bền vững", Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia cấp, quản lý mã số vùng trồng vừa chính thức được Bộ NNPTNT đưa vào sử dụng.

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, hệ thống này là bước đột phá lớn trong lĩnh vực trồng trọt, giúp cập nhật chính xác, kịp thời thông tin chi tiết về khu vực trồng các loại cây, diện tích, sản lượng, hình thức canh tác, nhật ký canh tác... Qua đó, đưa ra những phân tích cho cơ quan quản lý để dự báo dịch bệnh, điều tiết thời vụ, định hướng phát triển cây trồng cho từng khu vực và thị trường.

Cơ sở dữ liệu quản lý vùng trồng: Đăng ký nhanh chóng, thuận tiện

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, việc hoàn thành và đưa "Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng" vào khai thác tiếp ngay sau "Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi" thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực lớn của Bộ NNPTNT trong việc cam kết đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp. 

Điều này góp phần thay đổi tư duy, cách thức quản lý mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp bền vững, hiệu quả.

Bộ NNPTNT đưa vào sử dụng hệ thống quản lý vùng trồng: Tạo niềm tin cho nông sản! - Ảnh 1.

Anh Trần Văn Tân - Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới ở Quảng Xương, Thanh Hóa đã tích cực áp dụng chuyển đổi số vào trang trại. Anh là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 lĩnh vực chuyển đổi số. Ảnh: Danviet

"Hệ thống mã số vùng trồng có ý nghĩa quan trọng trong việc "định danh nông sản Việt Nam", góp phần xây dựng lòng tin, khẳng định chất lượng của nông sản Việt trên thị trường nội địa và quốc tế . Đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bộ đẩy mạnh Chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện, tạo sự lan tỏa, truyền cảm hứng đến toàn xã hội".

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NNPTNT

Ngay tại buổi lễ triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, qua màn hình trực tuyến, ông Hà Tấn Khoa - Giám đốc Công ty CP Bang Bình (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) đã thử kết nối với Hệ thống để đăng ký các thông tin về doanh nghiệp.

Ông Khoa cho biết, Bang Bình có diện tích trồng thanh long khoảng 900 ha, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 200ha, với sản lượng dự kiến 14.000 tấn. Bước đầu đăng ký mã số, hệ thống đòi hỏi cung cấp khá nhiều thông tin nên cũng mất một khoảng thời gian. Tuy nhiên đó cũng là cơ hội do doanh nghiệp tăng doanh số.

Ngay sau đó, tại đầu cầu Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận, đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận tiến hành truy cập vào Hệ thống cơ sở dữ liệu vùng trồng và dễ dàng nhìn thấy thông tin của Công ty CP Bang Bình vừa gửi lên. Cán bộ kiểm tra hồ sơ, thấy đầy đủ giấy tờ, thông tin thì chỉ cần bấm nút phê duyệt thành công.

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận cho biết: Thao tác trên Hệ thống cơ sở dữ liệu vùng trồng rất nhanh chóng, thủ tục thuận lợi, phê duyệt hồ sơ chưa tới 1 phút. Điều này sẽ tạo cầu nối thuận lợi giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp, HTX. 

Bên cạnh đó, hệ thống sẽ giúp cơ quan quản lý theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm tại nguồn; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng dễ dàng hơn, cũng như hỗ trợ, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Theo Cục Trồng trọt, hiện cả nước có trên 4,8 triệu ha diện tích cây trồng lâu năm. Diện tích canh tác lúa là 3,9 triệu ha; thanh long là gần 64.200ha… Trong đó, có khoảng 4.000 vùng trồng và 2.000 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số định danh. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, khách quan nhìn nhận, quy mô những vùng sản xuất vẫn "manh mún, nhỏ lẻ" và chưa kết nối đầy đủ thông tin giữa sản xuất và thị trường, đặc biệt là trước nhu cầu đỏi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về truy xuất nguồn gốc, chất lượng nông sản.

Do đó, theo ông Cường, điều này đòi hỏi phải đẩy nhanh việc chuyển đổi số lĩnh vực trồng trọt. Trước mắt là tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng với cây thanh long, lúa gạo và một số cây trồng chủ lực khác để kết nối, nâng cao hiệu quả giữa sản xuất, thị trường và người tiêu dùng.

"Thước đo" tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Bộ NNPTNT đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ có 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng Big data.

Trong đó sẽ cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.

Chia sẻ về cách làm của địa phương xung quanh "cuộc cách mạng" chuyển đổi số nông nghiệp, ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ bưởi Phúc Trạch - loại quả đặc sản của Hà Tĩnh gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, tỉnh đã giao Trung tâm Khuyến nông đưa vào thử nghiệm Hệ thống chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất bưởi Phúc Trạch.

Sau khi xây dựng cổng thông tin buoiphuctrach.gov.vn, tạo app "Bưởi Phúc Trạch", đã tiến hành số hóa thông tin 899ha của 2.609 hộ sản xuất thuộc 2 doanh nghiệp, 6 HTX, 128 tổ hợp tác và 13 vùng hộ sản xuất.

Qua thời gian ngắn vừa thông tin, tuyên truyền vừa triển khai thực hiện, kết quả đã có hàng trăm tấn bưởi Phúc Trạch được tiêu thụ và đặt hàng qua các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn, Voso.vn, Hatiplaza.vn, Shopee.vn, Lazada.vn, Sendo.vn… Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị Vinmart tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng cũng ký hợp đồng tiêu thụ bưởi Phúc Trạch với số lượng hơn 240 tấn/tháng. 

Về lâu dài, để thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, giai đoạn 2022 - 2025, Hà Tĩnh sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến các cấp, các ngành, xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để thực hiện thành công cơ cấu cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng tỉnh nông thôn mới.

Còn tại Lâm Đồng, mặc dù là địa phương có hơn 25,7% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong tổng dân số hơn 1,3 triệu người, song Lâm Đồng đang được xếp trong nhóm đầu cả nước về nông nghiệp thông minh 4.0.

Bộ NNPTNT đưa vào sử dụng hệ thống quản lý vùng trồng: Tạo niềm tin cho nông sản! - Ảnh 4.

Hiện, Lâm Đồng đã có nhiều doanh nghiệp, hộ dân áp dụng công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Văn Long

Bộ NNPTNT đưa vào sử dụng hệ thống quản lý vùng trồng: Tạo niềm tin cho nông sản! - Ảnh 5.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp, nông dân Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT, Big data, Blockchain, camera theo dõi sự sinh trưởng của cây trồng; ứng dụng các loại thiết bị cảm biến môi trường, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh quản lý đồng bộ, điều khiển tự động về độ ẩm, nhiệt độ, nước tưới, dinh dưỡng; công nghệ đèn LED, công nghệ GIS thông minh quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử… 

Nhờ công nghệ mà nhiều trang trại đã tạo ra số lượng nông sản lớn, doanh thu từ 5 - 8 tỷ đồng/ha/năm; hay trồng hoa cao cấp cho doanh thu 24 tỷ đồng/ha/năm.

Được biết, trong 34 nền tảng số quốc gia vừa được Chính phủ giao phát triển trong năm 2022 để hoàn thiện hạ tầng xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, có tới 9 nền tảng phục vụ cho ngành nông nghiệp như: nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc nông sản, sàn thương mại điện tử nông nghiệp, nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng… Điều này cho thấy quyết tâm lớn từ Chính phủ, cũng như các bộ ngành và địa phương trong việc thúc đẩy chuyển đổi số.

Đây được xem là thời điểm "vàng" cho việc tái cấu trúc, chuyển đổi số trong nông nghiệp, khi nhiều địa phương đang vào cuộc quyết liệt; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà nông đã có những tiếp cận phù hợp với khoa học-công nghệ, nông nghiệp 4.0, tạo sự đột phá để đưa nền nông nghiệp phát triển nhanh, hiện đại và bền vững.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến - Phó Trưởng ban chỉ đạo chương trình chuyển đổi số nông nghiệp cho biết, thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian Bộ NNPTNT đã quyết liệt chỉ đạo triển khai xây dựng hệ thống nền tảng số của ngành.

"Bước đầu Bộ đã xây dựng được nền tảng cho chuyển đổi số nông nghiệp và nông thôn, đưa vào vận hành, bắt kịp những thay đổi của cách mạng 4.0. Nếu chuyển đổi số thành công, chắc chắn khối lượng, giá trị nông sản Việt Nam sẽ được nâng cao rất nhiều. Lợi thế và lợi ích kinh tế mang lại cho nông dân, doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn" - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh thêm.

Cũng theo đánh giá của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu vùng trồng là bước tiến mới trong nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. "Ngoài quản lý sản xuất, chất lượng thì nguồn gốc xuất xứ là một yêu cầu quan trọng của tất cả các thị trường. Làm được điều này, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ đi vào thực chất, chất lượng hơn" - Thứ trưởng Tiến nói. 


Minh Huệ