dd/mm/yyyy

Phân bón Cà Mau đồng hành, chia sẻ cùng nông dân trồng thanh long

Phân bón Cà Mau tiếp tục chương trình "Hỗ trợ nhà nông - Đồng lòng vượt khó" trong đại dịch Covid-19. Sau một số địa phương tại Tây Nguyên, công ty đã mang những phần quà ý nghĩa về với nông dân miền Tây Nam bộ.

Nước mắt người trồng thanh long

Trái thanh long không xuất khẩu được, phải cắt bỏ hoặc bán với giá rất rẻ. Đó là tình cảnh chung của nhà vườn trồng thanh long miền Tây những tháng gần đây.

Phân bón Cà Mau đồng hành cùng nông dân trồng thanh long - Ảnh 1.

Đại diện Phân Bón Cà Mau trao tặng phân bón cho ông Đỗ Tân Yên (Châu Thành - Long An)

Ông Nguyễn Văn Hoàng, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, chia sẻ: "Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên người trồng thanh long gặp nhiều khó khăn. Thời gian thực hiện Chỉ thị 16, phải giãn cách xã hội, việc vận chuyển gặp khó. Thanh long thu hoạch xong không xuất khẩu được, kể cả bán trong nội địa cũng khó. Giá rớt thê thảm. Nhà tôi có 1,5 ha trồng thanh long, thu hoạch tháng 7.2021, ngay thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Giá thanh long ruột trắng có lúc 1.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 3.000 đồng/kg. Với giá này, người nông dân chắc chắn lỗ".

Bình thường, thanh long mang lại giá trị kinh tế khá cao, có năm lợi nhuận 200 đến 300 triệu đồng/ha. Năm nay do dịch bệnh nên nông dân không có lãi, thậm chí thua lỗ vì giá quá thấp, tiêu thụ rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hoan, cùng xã, than thở: "Tháng 7 – 8, thanh long thu hoạch rộ nhưng nhiều nông dân trắng tay do giá quá thấp. Hơn nữa, nhân công cũng khan hiếm và phải thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch. Người đến thu mua, hoặc nhân công đều phải test kiểm tra Covid-19, mất thời gian và tốn kém chi phí".

Ông Nguyễn Văn Khải - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Long An, cho biết: "Huyện có hơn 9.000 ha thanh long, mỗi năm cho 294.000 tấn trái. Do ảnh hưởng của dịch nên sức tiêu thụ giảm, rất khó tìm được đơn vị thu mua số lượng lớn".

Đồng hành cùng nông dân

Theo ông Khải, dù giá cả tùy từng năm nhưng nhìn chung những năm qua thanh long mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều hộ nông dân trở nên giàu có, tạo việc làm cho nhiều lao động. Thanh long trở thành cây trồng chủ lực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Phân bón Cà Mau đồng hành cùng nông dân trồng thanh long - Ảnh 2.

Tổ chức trao tặng phân bón cho nông dân tại Châu Thành - Long An

Trong quá trình trồng và phát triển thương hiệu quả thanh long Châu Thành – Long An còn có sự đồng hành của sản phẩm phân bón của Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau. Nhà vườn ở địa phương vẫn quen gọi là "đạm Cà Mau". Anh Lê Quốc Tuấn, chủ đại lý vật tư nông nghiệp Sáu Tuấn, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành cho biết nông dân trồng thanh long ở đây đánh giá rất cao chất lượng phân bón của Công ty CP phân bón Dầu Khí Cà Mau. Theo đó, lượng tiêu thụ tăng lên hàng năm. Mỗi năm, đại lý của anh bán ra khoảng 150 tấn phân bón của Công ty CP phân bón Dầu khí Cà Mau.

Ông Đỗ Tấn Yên, nông dân xã Dương Xuân Hội cho biết nhà ông có 2 ha thanh long. Ông đã sử dụng nhiều loại phân bón khác nhau, nhưng khoảng 4 năm nay chuyển sang phân bón của Công ty CP phân bón dầu khí Cà Mau vì chất lượng cao, phù hợp với thanh long, khi bón cho cây nhanh hòa tan, cây xanh lâu. Là khách hàng thân thiết nên năm ngoái vào đợt hạn mặn, ông được công ty tặng một bồn chứa nước 500 lít.

Tiếp tục đồng hành và chia sẻ khó khăn trong mùa dịch với nông dân, Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau cũng đã đưa chương trình "Hỗ trợ nhà nông – Đồng lòng vượt khó" đến với nông dân tại Long An. Theo đó, công ty trao tặng 1.400 bao phân NPK cho 700 khách hàng.

"Hỗ trợ nhà nông – Đồng lòng vượt khó" nhằm mục đích đồng hành cùng bà con vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, sớm ổn định để tái đầu tư sản xuất. Chương trình có quy mô toàn quốc với tổng giá trị hỗ trợ lên tới 14 tỷ đồng.

Phân bón Cà Mau đang nỗ lực hết mình trong việc cung ứng đủ nguồn cung phân bón cho bà con canh tác, phối hợp cùng hệ thống đại lý để kiểm soát giá bán, đồng thời liên tục tổ chức các chương trình tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp trên các kênh truyền thông số để giúp bà con tiếp cận kiến thức canh tác mới trong điều kiện dịch bệnh phức tạp.

Trong thời điểm khó khăn chung, Phân bón Cà Mau vẫn không ngừng nghiên cứu, cải tiến chất lượng sản phẩm, kịp thời cho ra mắt các dòng sản phẩm chất lượng cao với giá thành tốt cho bà con nông dân, góp phần ổn định và phát triển nền nông nghiệp nước nhà.


PV