Người mà chúng tôi nhắc đến là anh Lê Tiến Dũng – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và TMDV Gia Phát, phường Chiềng Lề (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La). Để có được thành công như ngày hôm nay, anh Dũng đã phải trả cái giá khá đắt. Anh đã phải bán cả nhà, cả xe ô tô để trả cho những "thất bại thảm hại" liên tiếp xảy ra trong những tháng ngày "chập chững" bước vào nghề sản xuất ống hút tre.
Ngược dòng thời gian, anh Dũng kể lại cho chúng tôi nghe về những gian nan, vất vả mà anh gặp phải trong những ngày đầu làm ống hút tre. Anh đến với nghề sản xuất ống hút tre cũng hết sức tình cờ.
"Năm 2017, tôi cùng đồng nghiệp đi du lịch ở thành phố Hội An (Quảng Nam). Một lần đi uống nước, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy chiếc ống hút tre cắm trong quả dừa. Vừa uống nước tôi vừa liên tưởng đến những búi cây mọc tự nhiên khắp rừng núi quê mình. Đó là cây Mạy loi hay còn còn gọi là cây tre. Ý định làm ống hút tre của tôi cũng nảy sinh từ đó" – anh Dũng nhớ lại.
Sau chuyến du lịch, anh Dũng trở về nhà và bày tỏ ý định làm ống hút tre của mình với gia đình. Mặc dù không ai trong gia đình ủng hộ, song anh Dũng vẫn quyết tâm biến ý định của mình thành hiện thực. Biết anh có ý định làm ống hút từ cây Mạy loi, nhiều người bảo anh dở hơi, suy nghĩ viển vông, không thực tế. Bỏ ngoài tai những lời nói đó, anh Dũng mở xưởng, thuê nhân công làm ống hút tre. Thời gian đầu, anh tự lên rừng chặt tre về mầy mò làm thử. Máy móc sản xuất cũng do anh tự chế ra.
"Lúc đầu tôi nghĩ đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm thì lại không hề đơn giản chút nào. Tôi không phải là người đầu tiên làm ống hút tre. Trước tôi cũng đã có nhiều người ở nơi khác đã sản xuất rồi. Tuy nhiên, do mỗi nơi, mỗi khác nên tôi không học hỏi được gì, mà tự mầy mò tìm hiểu trên mạng và tự nghĩ ra. Cũng vì chưa hình dung được quy trình sản xuất nên tôi thất bại liên tục. Bao nhiêu tiền bạc tích cóp được tôi dồn cả vào ống hút tre. Thậm chí tôi phải bán cả nhà, cả xe để trả tiền nguyên liệu, nhân công và những chiếc máy tự chế không thành. Có thời điểm, tôi phơi tre kín cả sân bay Nà Sản. Mà sân bay này có nhỏ đâu, dài những 3km, rộng hơn 150m. Tất cả đều phải bỏ đi vì làm sai quy trình" – anh Dũng nhớ lại.
Nhấp ngụm chè được chế biến từ lá tre, anh Dũng kể tiếp: "Mạy loi là một loài tre và chỉ Sơn La mới có loại cây này. Trong cây có lượng đường nhất định, nếu xử lý không kĩ thì ống hút sẽ bị sâu mọt. Lúc đầu, tôi hình dung là lấy cây về cắt, rồi đem phơi, sau đó mài thành ống hút, nhưng không thực tế lại không phải vậy. Hàng nghìn, hàng vạn chiếc ống hút được làm ra, nhìn khá bắt mắt. Một thời gian sau, ống hút có hiện tượng bị nứt, đổi màu và còn bị co ngót... phải bỏ đi".
Thất bại nối tiếp thất bại, nhưng anh Dũng không nản lòng. Hỏng mẻ này anh làm mẻ khác. Cái máy này không được thì anh nghiên cứu làm cái máy khác. Sau mỗi lần thất bại, anh Dũng lại trăn trở tìm nguyên nhân và điều chỉnh cho hợp lý.
"Trải qua nhiều gian nan, vất vả, đến giữa năm 2018, tôi mới sản xuất thành công ống hút tre. Khách nước ngoài sang du lịch, đến thăm xưởng sản xuất của gia đình tôi, ai cũng thích thú khi cầm trên tay chiếc ống hút làm từ tre. Khách hàng trong nước cũng đánh giá rất cao về sản phẩm này. Sản phẩm ống hút tre do công ty sản xuất nhanh chóng tỏa đi nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Không chỉ nắm giữ hơn 60% thị phần trong nước, công ty chúng tôi còn xuất khẩu ống hút tre sang các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Nga..." – anh Dũng vui vẻ nói.
Theo anh Dũng, ống hút tre có nhiều ưu điểm. Nó có thể sử dụng được nhiều lần và đặc biệt là khả năng tự phân hủy ngoài môi trường, tạo được độ mùn cho đất. Hơn nữa, loài tre để sản xuất ra ống hút này tái sinh rất nhanh ở núi rừng Sơn La. Sản phẩm làm từ tre, nứa đã và đang được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Thay vì sử dụng ống hút nhựa như trước đây, ngày càng nhiều người lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường hơn, đó là ống hút tre.
"Quy trình sản xuất ống tre khá đơn giản. Loài tre này cây to nhất cũng chỉ bằng ngón tay cái và rỗng ruột nên rất tiện lợi cho sản xuất ống hút. Sau khi lấy cây về, tôi cho người róc lá, cắt thành từng đoạn, mỗi đoạn dài hơn 20cm, sau đó cho vào hấp. Khâu hấp này là quan trọng nhất. Sau khi hấp đủ thời gian (chừng 24 tiếng), tôi bỏ ra cho ráo nước, rồi mới đem đi sấy. Khi sấy khô thì tiến hành mài đầu, đánh bóng..." – anh Dũng chia sẻ.
Đến thời điểm này, anh Dũng có 3 cơ sở chính sản xuất ống hút tre, 2 cơ sở ở thành phố Sơn La và một cơ sở ở xã Hát Lót (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Mỗi tháng, công ty của anh Dũng sản xuất từ 3 triệu đến 4 triệu chiếc ống hút. Với lượng khách hàng ổn định khoảng 10.000 khách hàng, anh Dũng không lo về đầu ra cho ống hút tre. Sản phẩm ống hút tre của công ty anh Dũng sản xuất bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu. Anh Dũng bán ra thị trường với giá 350 đồng/chiếc ống hút.