Sau gần 6 tháng xuất hiện ở Việt Nam, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã lây lan ra 62 tỉnh thành phố, tổng số lợn buộc phải tiêu hủy lên tới khoảng 4 triệu con. Bão DTLCP càn quét, tại một số địa phương 40-50% đàn lợn bị tiêu hủy.
Khi chưa có vắc xin phòng bệnh dịch này, nhiều trang trại đã phải tự tìm cách bảo vệ đàn lợn của gia đình mình. Ví như, các doanh nghiệp chăn nuôi có hệ thống chuồng trại khép kín đang áp dụng biện pháp an toàn sinh học, nhiều trang trại nhỏ và vừa quyết định “nội bất xuất ngoại bất nhập”, hay cho lợn ăn thêm trứng để tăng sức đề kháng,..
Sau khi giúp nửa đàn lợn thoát khỏi dịch tả lợn châu Phi, anh Lê Văn Công - mộtchủ trang trại lợn ở Thanh Oai (Hà Nội) tiết lộ, tất cả là nhờ chiêu “mắc màn cho lợn” của anh.
Anh Công tâm sự, anh đã có kinh nghiệm chăn nuôi lợn gần chục năm nay. Thế nhưng dịp này, khi dịch tả lợn châu Phi ập tới, anh cũng giống như những chủ trang trại nuôi lợn khác, ngoài mất mát về kinh tế còn để lại những lo lắng về tương lai.
Toàn trang trại có 220 con lợn các loại, được chăn nuôi theo mô hình chuồng hở gồm 3 dãy chuồng (lợn thịt, lợn choai, lợn nái). Đặc điểm trước giờ ở trang trại của anh là có rất nhiều ruồi do nguồn cá rô phi nhập về để chế biến thức ăn cho gà, lợn.
Dịch tả lợn châu Phi xảy ra với dãy lợn thịt trước, anh đã báo cơ quan thú y xã tiêu hủy toàn bộ (khoảng 100 con lợn) và xin khoanh lại các dãy chuồng chưa bị dịch để cách ly bằng lưới cước, trước tiên để cứu lợn (gọi đơn giản là mắc màn cho lợn). Sau đó, anh chuyển dần sang dùng lưới chắn muỗi inox và cải tạo lại toàn bộ chuồng theo hướng an toàn sinh học. Bởi, trước đó anh đã tìm hiểu khá kỹ về bệnh này và cách phòng tránh bệnh.
Khoảng 2 tháng kể từ ngày dịch bùng phát, trang trại của anh không có lợn bị mắc và chết nữa. “Tôi cũng đã gửi mẫu kiểm tra tại Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương 2 lần, tổng cộng 25 mẫu. Kết quả là toàn bộ các mẫu gửi đi kiểm tra đều âm tính với virus DTLCP”, anh khoe.
Theo anh Công, cách làm này tương đối đơn giản, không quá tốn kèm và có thể áp dụng rộng rãi tại các mô hình chăn nuôi hộ nhỏ lẻ (chuồng hở), hoặc trang trại có quy mô vừa và nhỏ không được bảo vệ khỏi côn trùng ruồi, muỗi, chuột... Bởi, khi môi trường xung quanh có nguồn bệnh thì ruồi muỗi sẽ mang mầm bệnh đến và gây bệnh.
Theo đó, có thể “mắc màn cho lợn” bằng loại lưới cước, lưới inox (lưới inox chống muỗi, loại SUS 304, giá thị trường 45.000 đồng/m2) tùy theo điều kiện của mình, tránh để ruồi, muỗi, chuột... xâm nhập.
Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi, thực hiện nấu chín thức ăn cho lợn nếu nông hộ tự cung cấp thức ăn. Không sử dụng nước mặt cho ăn uống, tắm rửa chuồng trại; nếu buộc phải dùng thì cần dùng hóa chất khử trùng để diệt mầm bệnh. Đồng thời, tiến hành chia nhỏ quy mô chuồng để khi chẳng may xảy ra dịch sẽ hạn chế thiệt hại. Thực hiện tốt công tác an toàn sinh học.
“Mỗi người có cách riêng để phòng chống dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn của gia đình mình. Với trang trại của tôi, việc áp dụng mắc màn cho lợn tôi thấy khá hiểu quả. Bằng chứng là dù lợn trong trang trại đã mắc dịch bệnh và phải tiêu hủy mất 100 con, song số lợn còn lại vẫn an toàn cho đến thời điểm này nhờ được cách ly và mắc màn tránh côn trùng ruồi muỗi”, anh Lê Văn Công cho hay.