Đây là quy trình nuôi mới, lần đầu tiên triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, song mô hình đã mang lại kết quả khả quan trong việc giảm thiểu rủi ro, giảm chi phí thức ăn, ít phải sử dụng thuốc kháng sinh hay hóa chất trong ao nuôi.
Giám sát thực hiện mô hình hiệu quả
Quảng Trị có tổng diện tích nuôi tôm hơn 1.000ha. Khi nông dân thực hiện theo quy trình nuôi tôm 3 giai đoạn, kết hợp xử lý môi trường ao nuôi bằng Biofloc sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro, an toàn vệ sinh môi trường, giảm nguy cơ dịch bệnh.
Vừa qua, tại xã Hải An, huyện Hải Lăng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị phối hợp chính quyền địa phương tổ chức hội nghị tổng kết mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn theo công nghệ Biofloc.
Tham gia thực hiện mô hình, các hộ dân được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị hỗ trợ ban đầu 50% chi phí tôm giống và 40% chi phí thức ăn công nghiệp cho tôm nuôi, phần còn lại hộ dân tham gia mô hình đóng góp để thực hiện theo yêu cầu của chương trình.
Bên cạnh hỗ trợ một nửa chi phí đầu vào (tôm giống, thức ăn cho tôm), Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị còn chuyển giao quy trình khoa học kỹ thuật để hộ dân thả nuôi theo đúng quy trình, đạt hiệu quả.
Trước đó, vào tháng 6, đơn vị đã chuyển giao mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn theo công nghệ Biofloc cho hộ gia đình ông Phan Thanh Tôn ở thôn Tây Tân An, xã Hải An, huyện Hải Lăng thực hiện, với quy mô 400.000 con tôm giống.
Hệ thống ao nuôi mô hình tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn theo công nghệ Biofloc được thiết kế gồm 3 ao: 1 ao ương giai đoạn 1 với diện tích 200m2 được lót bạt hoàn toàn, bố trí hệ thống oxy, mái che bằng lưới lan; 1 ao nuôi giai đoạn 2 diện tích 1.000m2 và 1 ao nuôi giai đoạn 3 diện tích 2.000m2. Ngoài ra, còn có hệ thống ao lắng và ao xử lý nước.
Theo đó, chủ mô hình tiến hành thả 400.000 con giống tôm thẻ post 12 vào ao ương và nuôi trong vòng 1 tháng. Khi tôm đạt kích cỡ 900 con/kg sẽ chuyển sang ao nuôi thứ 2. Trong giai đoạn 2 nuôi tôm nuôi 1,5 tháng khi đạt kích cỡ 145 con/kg thì chuyển sang ao nuôi thứ 3.
Việc áp dụng quy trình tạo Biofloc cũng như quy trình nuôi tôm 3 giai đoạn đã giúp cho môi trường ao nuôi sạch hơn và thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý. Do vậy tôm sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh.
Sau 4 tháng nuôi, kết quả cho thấy tỷ lệ tôm sống ước đạt 75%, khối lượng bình quân 55 con/kg, sản lượng gần 5,5 tấn tôm thương phẩm. Với giá bán tôm thẻ 150.000 đồng/kg, ước tính mang về cho hộ dân lợi nhuận gần 300 triệu đồng.
Thúc đẩy nghề nuôi tôm phát triển bền vững
Một hộ nuôi tôm khác ở thôn Thuận Đầu, xã Hải An là anh Đặng Minh Đức cho biết: "Được Nhà nước hỗ trợ nuôi tôm theo giai đoạn nên năng suất đạt cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống. Nuôi ương 1 tháng, cộng với đưa ra đây gần 2 tháng thì trọng lượng theo đầu con đạt khoảng 60 con/kg, tính ra lợi nhuận cao hơn so với các vụ trước bởi thời gian nuôi ngắn hơn, dịch bệnh cũng được kiểm soát chặt nên chi phí thức ăn, tiền điện và các chi phí khác giảm xuống".
Lãnh đạo Phòng NNPTNT huyện Hải Lăng cho biết, nhằm hạn chế rủi ro đối với người nuôi tôm, Phòng NNPTNT thường xuyên kết hợp cán bộ khuyến nông tuyên truyền, khuyến cáo người dân vệ sinh ao nuôi và chọn con giống đảm bảo, đặc biệt là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm hạn chế dịch bệnh, bảo đảm năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Trung Hậu - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết, việc triển khai xây dựng mô hình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn phù hợp với chủ trương chính sách của tỉnh về phát triển con tôm.
Với tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn hơn 1.000ha, khi nông dân thực hiện theo quy trình nuôi tôm 3 giai đoạn, kết hợp xử lý môi trường ao nuôi bằng Biofloc sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro, an toàn vệ sinh môi trường, giảm nguy cơ dịch bệnh. Cũng nhờ tôm trong mô hình ít bị dịch bệnh, nên người nuôi cũng không tốn nhiều chi phí thuốc kháng sinh, hóa chất so với cách nuôi thông thường.
Việc triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn theo công nghệ Biofloc sẽ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi tôm mới cho bà con nông dân, rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân.