Ông Bùi Trung Chính từng là bộ đội tham gia chiến trường Campuchia trong những năm 1982-1987. Sau khi xuất ngũ, ông về làm việc tại Công ty Cao su Phú Riềng (tỉnh Bình Phước). Năm 1992, ông chuyển đến Nông trường 712 (Quân khu 5) công tác đến năm 2016 thì nghỉ hưu.
Mặc dù tuổi cao lại bị thương tật nhưng ông Chính vẫn hăng hái tăng gia sản xuất. Trong lần tham quan mô hình nuôi vịt trời tại tỉnh Đak Lak, thấy vịt trời dễ nuôi, thịt thơm ngon, chi phí rẻ hơn so với vịt ta lại phù hợp với điều kiện gia đình nên ông để tâm tìm hiểu.
Giữa năm 2019, ông tận dụng diện tích mặt nước nuôi cá của gia đình để nuôi vịt trời. Ban đầu, ông đặt mua 100 con giống tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) về nuôi thử nghiệm. Sau hơn 3 tháng, lứa vịt đầu tiên sinh trưởng, phát triển tốt. Gần 1 năm sau, đàn vịt của gia đình ông được nhân rộng lên 1.000 con vịt thương phẩm trên diện tích 500 m2 chuồng trại kết hợp ao cá.
Ông cho biết: “Với đặc điểm thịt vịt trời thơm ngon, dai, xương mềm nên được nhiều thực khách ưa chuộng. Trung bình mỗi tháng tôi xuất bán gần 350 con vịt cho các nhà hàng ở Pleiku, huyện Đức Cơ, thị xã An Khê và bán lẻ cho người dân trong huyện. Với giá bán 120-130 ngàn đồng/con vịt thương phẩm, sau khi trừ chi phí, gia đình đạt lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/tháng”.
Theo ông Chính, nuôi vịt trời rất đơn giản, chỉ cần giăng lưới làm chuồng với tỷ lệ 50% diện tích đất trên bờ và 50% diện tích mặt nước để vịt tự do bơi lội. Dù vịt trời đã được thuần chủng nhưng với bản tính hoang dã nên loài vật này khá nhút nhát. Mỗi lứa vịt trời, gia đình ông nuôi xen lẫn một ít vịt xiêm để tăng độ “dạn” cho chúng.
Ông Chính cũng lưu ý, ngoài việc chọn giống đảm bảo chất lượng ở các cơ sở uy tín, người chăn nuôi cần đặc biệt quan tâm giữ ấm chuồng nuôi “úm” vịt con. Cùng với đó, nơi ở của vịt phải khô ráo, thoáng mát.
“Đối với mặt nền chuồng nuôi vịt, tôi không láng xi măng mà để nền đất và đổ vỏ trấu lên trên. Vỏ trấu không chỉ có tác dụng hút ẩm, khi vịt thải phân ra tôi vãi men vi sinh vào nền vỏ trấu thì phân vịt sẽ tự tiêu hủy, hạn chế được mầm bệnh”-ông Chính cho hay.
Mỗi lứa vịt ông Chính nuôi 350 con. Sau 20 ngày “úm”, vịt con được chuyển sang chuồng khác để nuôi thương phẩm; ông lại nuôi gối đầu lứa vịt con tiếp theo. Khi vịt được 90 ngày tuổi, đạt trọng lượng 1,1-1,2 kg/con thì xuất bán. Vì thế, gia đình ông Chính luôn có sẵn nguồn hàng cung cấp ra thị trường. Thức ăn của vịt chủ yếu là bắp, thân chuối, lúa ngâm thành mộng.
Không chỉ thu nhập từ bán vịt thương phẩm, gia đình ông còn tận dụng phân vịt làm thức ăn cho cá. Ngoài ra, gia đình ông còn sở hữu 1,5 ha cà phê trồng xen gần 100 cây bơ và sầu riêng, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Lăng-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Sao-nhận xét: Ông Bùi Trung Chính là người đầu tiên phát triển mô hình nuôi vịt trời trên địa bàn xã, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông còn là hội viên gương mẫu, luôn đi đầu trong mọi phong trào thi đua của Hội Cựu chiến binh xã. Đồng thời, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ hội viên và người dân phát triển sản xuất.
.