Cuối năm 2021, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3, Công ty cổ phần Hải sâm Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa cùng các hộ dân ở huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa liên kết để sản xuất hải sâm cát. Doanh nghiệp cung cấp giống, hướng dẫn người dân nuôi, sau đó, số hải sâm này được doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu. Hải sâm được xuất khẩu sang các nước như Singapore, Trung Quốc…
Ông Lê Thanh Nhàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Hải sâm Việt Nam cho biết, hiện trên thế giới có 1.400 loài hải sâm nhưng có 40 loài ăn được. Trong đó, hải sâm cát là mặt hàng có giá trị dinh dưỡng cao nhất trong các loại hải sâm. Qua khảo nghiệm, vùng biển Nam Trung bộ có nhiệt độ ổn định, nhiều đầm, vịnh nên hải sâm nuôi nhanh lớn hơn những khu vực khác.
Ông Lê Thanh Nhàn cho biết, doanh nghiệp đang liên kết sản xuất với người dân thả nuôi gần 50 ha, đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến hải sâm với số vốn 5 triệu USD, công suất 900 tấn sản phẩm/năm.
"Con hải sâm này phù hợp nuôi ở vùng miền Trung, độ mặn ổn định, nhiệt độ ổn định và kín gió. Nông dân ở vùng này có kinh nghiệm nuôi cá thể ở biển, nuôi cũng rất đơn giản. Bà con hợp tác chuỗi giá trị thu nhập ổn định. Hải sâm này rủi ro dịch bệnh rất thấp, nhu cầu trên thị trường thế giới rất lớn, đầu ra luôn luôn thiếu" - ông Nhàn chia sẻ.
Trước đây, hải sâm cát trong tự nhiên ở các vùng ven biển Việt Nam rất nhiều, nhưng do khai thác quá mức dẫn tới cạn kiệt. Năm 2008, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 đã hoàn thành đề tài về nghiên cứu sản xuất giống, hoàn thành quy trình nuôi thương phẩm hải sâm cát.
Sau đó, do giá bán thấp vì đầu ra bấp bênh, chất lượng con giống không đáp nhu cầu nuôi nên nhiều người nuôi không mặn mà. Đến nay, các nhà khoa học Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ về sản xuất giống hải sâm cát, đồng thời, đã hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất con giống đến thu mua, chế biến, xuất khẩu. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện thành công các mô hình liên kết nuôi hải sâm.
Ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa cho biết, hải sâm được nuôi tại những vùng nuôi tôm không hiệu quả, chi phí nuôi thấp vì giá con giống rẻ, không tốn chi phí thức ăn. Hải sâm còn có thể nuôi ghép với các loài cá, ốc khác để làm sạch môi trường, hạn chế dịch bệnh.
Theo ông Khánh: “Con hải sâm này nó ăn mùn, bã hữu cơ, làm sạch cho môi trường nuôi. Nuôi ghép với những đối tượng thủy sản khác rất hiệu quả. Loài này rất phù hợp với bà con nông dân vì đầu tư, chi phí nuôi hải sâm rất ít tiền, không cần bổ sung thức ăn nhiều. Người dân nghèo ven biển, trước đây không thành công khi nuôi tôm, không có khả năng đầu tư cho nuôi biển tiếp cận thì rất ủng hộ".
Hải sâm được tiêu thụ nhiều ở các nước châu Á, chỉ riêng Trung Quốc, nhu cầu mỗi năm lên hơn 200.000 tấn, giá trị gần 14 tỷ USD.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Việt Nam là quốc gia làm chủ công nghệ về hải sâm cát. Hải sâm cát có cơ hội trở thành ngành hàng thủy sản mới, có giá trị cao nếu như xây dựng được chuỗi liên kết bền vững. Đây cũng là giải pháp để ngư dân đánh bắt ven bờ chuyển sang nuôi trồng hải sâm. Sắp tới, Tổng cục Thủy sản sẽ có ý kiến với cơ quan chức năng để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xuất khẩu hải sâm.
Theo ông Trần Đình Luân, các địa phương cần phải xác định cho bà con vùng nuôi đối tượng nào cho phù hợp để tránh rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững.
“Để phát triển sản phẩm mới hải sâm trên cát của Việt Nam thì trong thời gian tới rất mong các tỉnh ven biển nên gắn kết vào định hướng quy hoạch chung đặc biệt là lĩnh vực thủy sản. Gắn kết chuỗi kinh tế tuần trong lĩnh vực thủy sản để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế. Đặc biệt ở đây đó là giải quyết vấn đề môi trường rất là tốt. Có nhiều sản phẩm, đa dạng và sản phẩm giá trị cao, hiệu quả kinh tế của người dân được tăng lên. Chuyển đổi khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản, đa dạng hóa đối tượng sản phẩm" - ông Trần Đình Luân nói./.