Loại cua lột này được nuôi phổ biến ở Myanmar, Malaysia, Indonesia, nhất là Thái Lan. Tại Việt Nam, mô hình nuôi cua lột này mới xuất hiện hơn 1 năm nay. Một số hộ dân đã nuôi thử nghiệm và thành công không ngờ.
Thu tiền tỷ mỗi năm
Trang trại nuôi cua lột ở thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Tp.Hà Nội của anh Nguyên Vũ với diện tích nhà nuôi chỉ hơn 400m2 nhưng đem lại lợi nhuận 150 triệu đồng/tháng.
Vũ cho biết toàn bộ nước sử dụng nuôi cua tại đây là nước biển từ Hạ Long, được anh mua về với giá 500.000 đồng/m3. Hiện tại, trang trại sử dụng khoảng 50m3 nước biển, lượng hao hụt khoảng 10% mỗi tháng, có thể bổ sung bằng nước ngọt. Thức ăn cho cua là vẹm xanh, dắt biển, hàu…; chi phí trung bình khoảng 1.000 đồng/con/ngày. Cua nuôi khoảng 10-15 ngày là có thể thu hoạch, bán cho thương lái với giá 800.000-1 triệu đồng/kg.
"Tỉ lệ cua chết trong quá trình nuôi vẫn còn cao, khoảng 15%. Do mô hình này còn mới mẻ nên tôi vừa mày mò nuôi vừa đúc kết kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật. Dù vậy, bình quân mỗi ký cua xuất bán mang về lợi nhuận 150.000-180.000 đồng, mỗi lứa tôi thu được khoảng 120 triệu đồng" - Vũ phấn khởi.
Trong khi đó, nhận thấy nhu cầu của thị trường cũng như lợi thế từ vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ ở xã Hoằng Phong và các xã lân cận thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Giám đốc Công ty TNHH SH79 Lê Văn Châu đã đầu tư mô hình nuôi cua lột trong hộp nhựa. Diện tích nuôi cua của công ty gần 1 ha, nằm tại vùng nuôi trồng thủy sản ngoại đê ở xã Hoằng Phong. Cua lột SH79 cũng đã được công nhận đạt chuẩn OCOP (chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm") 3 sao của huyện Hoằng Hóa năm 2023.
Theo ông Châu, cua được chọn lựa kỹ trước khi đưa vào nuôi, phải là loại có trọng lượng 150-250g, bảo đảm khỏe mạnh, chắc thịt, đạt chất lượng. Loại cua này được chọn mua từ các đầm nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Sau khi tuyển chọn, cua được khử khuẩn và cho vào lồng nhựa để chăm sóc, theo dõi hằng ngày, bảo đảm các điều kiện môi trường để chúng có thể lột vỏ. Khi cua đạt trọng lượng trung bình 250g sẽ được bán với giá 1 triệu đồng/kg (không dây cột).
Công ty của ông Châu đã xây dựng rất nhiều hệ thống, mỗi hệ thống nuôi được 1.080 con. Trừ chi phí, mỗi hệ thống cho thu nhập 80-100 triệu đồng/ tháng.
Một người khác cũng nuôi cua biển trong nhà là anh Nguyễn Bá Cảnh ở phường Bắc Cường, Tp.Lào Cai. Cảnh cho biết khác với mô hình nuôi cua biển trong nhà đã được giới thiệu tại một số tỉnh, thành - thường nuôi mỗi con trong một hộp nhỏ, mô hình của anh sử dụng khay nhựa kích thước lớn, có thể nuôi 8-9 con. Khay nhựa được xếp thành nhiều hàng và nhiều tầng.
Theo anh Cảnh, cách làm này tiết kiệm chi phí đầu tư, tạo không gian thoáng, đồng thời cũng thuận lợi hơn cho người nuôi chăm sóc, cho cua ăn. Hệ thống nước chảy từ khay trên xuống khay dưới cũng góp phần tạo thêm ôxy. Vì nuôi chung trong một khay nên những đôi càng to khỏe của cua phải được buộc kín để chúng không va chạm, ăn thịt nhau.
Sau khoảng 25-30 ngày nuôi, cua lột bắt đầu được thu hoạch, trọng lượng trung bình 250-350g/con, có con gần 500g. Anh Cảnh đang duy trì 48 khay nuôi. Thời điểm thu hoạch, mỗi ngày anh có thể xuất bán 3-4kg cua cốm lột.
"Từ khi có mô hình nuôi này, người dân tại Tp.Lào Cai và các địa phương lân cận được thưởng thức cua cốm tươi sống, thay vì sử dụng sản phẩm cấp đông nhập từ các tỉnh, thành ven biển" - anh Cảnh tự tin.
Đem con dưới biển nuôi trong hộp
Việc nuôi cua lột trong hộp bằng hệ thống tuần hoàn nước có thể phù hợp với cả điều kiện đô thị như Tp.HCM.
Ưu điểm nổi bật của hệ thống này là không cần nhiều lượng nước đầu vào nhờ nguyên lý tuần hoàn, sục khí tạo ôxy. Khi đưa nước vào hộp nuôi cua, thức ăn thừa và chất cặn bẩn thải ra sẽ đi qua hệ thống lọc thô, sau đó ra bể vi sinh và hệ thống khử khuẩn bằng tia UV. Những vi sinh sống trong hệ thống lọc sinh học có vai trò lọc thức ăn thừa và chất thải, giúp môi trường sống của cua sạch hơn. Nhờ vậy, nguồn nước được tái sử dụng hoàn toàn.
Cua được nuôi và thu hoạch liên tục, chất lượng sản phẩm có thể kiểm soát dễ dàng trước khi đưa ra thị trường. Mô hình này tốn ít diện tích nhưng cho năng suất cao, sản phẩm bảo đảm an toàn.
Bằng cách tận dụng lại các hộp nhựa và xếp chồng lên nhau, hệ thống nuôi cua biển này tiết kiệm diện tích tối đa, tăng cường năng suất và mật độ nuôi, giúp người nuôi nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Ưu điểm khác của hệ thống nuôi cua biển trong nhà là có khả năng thực hiện ở bất kỳ khu vực nào, không phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Điều này rất hữu ích cho việc nuôi tại các vùng không có diện tích mặt nước thủy sản hoặc đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay. Việc áp dụng công nghệ này sẽ giúp tận dụng không gian tối đa, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thủy sản trong các khu đô thị.
Quy trình sản xuất của mô hình nuôi cua biển trong nhà mang tính kỹ thuật cao, ổn định, đáp ứng điều kiện nuôi trong đô thị và vùng ven, phù hợp với chương trình phát triển thủy sản tại Tp.HCM. Mô hình này có thể nhân rộng với quy mô sản xuất lớn, cung cấp sản phẩm cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Trong các sản phẩm của cua biển, cua lột có giá trị kinh tế cao, hiện có giá bán cao hơn cua thường từ 4 đến 5 lần.
Cua lột có giá trị kinh tế vì là sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường do thành phần dinh dưỡng cao, đặc biệt là hàm lượng can-xi, phốt-pho nhiều và dễ hấp thụ. Thịt cua lột có hàm lượng đạm 57,02%-65,95%, khoáng 10,41%-16,71%, lipid 3,52%-9,45%...
Mô hình này đang được nhân rộng ra cả nước, trang trại ST Crab Farm, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đang sở hữu khoảng 10.000 hộp nhựa, phát triển mô hình nuôi cua gạch, cua cốm, cua lột.
Phương pháp nuôi cua trong hộp nhựa, góp phần nâng cao tỉ lệ sống, chất lượng và giá trị cua biển thương phẩm một cách rõ rệt.
Trang trại ST Crab Farm ở xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu đã đầu tư 10.000 hộp nhựa để phát triển mô hình nuôi cua gạch, cua cốm, nhất là cua lột. Anh Phan Thái Pháp, cán bộ kỹ thuật của trang trại cho biết, thịt cua lột có giá trị dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong khi đó, nguồn cung sản phẩm chưa dồi dào, do đó, tiềm năng phát triển mô hình nuôi cua lột trong hộp nhựa còn rất lớn.
Trung bình mỗi tháng, trang trại xuất bán khoảng 1 tấn cua lột, với giá bán dao động khoảng 600.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mô hình cho lợi nhuận khá cao và ổn định từ 40-50%.
Hình thức nuôi cua lột trong hộp nhựa không tốn nhiều công chăm sóc, nguồn thức ăn đa dạng, chủ yếu là các loại cá tạp ngoài tự nhiên.
Thông thường cách 20 ngày, cua sẽ lột một lần. Do đó, muốn thu được sản phẩm và bảo quản kịp thời để giữ chất lượng, người nuôi cần kiểm tra, theo dõi, phân loại kịp thời khi cua có dấu hiệu lột. Hiện nay, để thu được cua lột, trang trại ST Crab Farm đang áp dụng 2 phương pháp. Một là để cua lột tự nhiên vào thời điểm thích hợp; hai là kích thích cua lột bằng cách cắt càng và chân bơi.
Bà Lâm Ánh Tiên, Phó trưởng phòng Kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng) đánh giá, mô hình nuôi cua lột trong hộp nhựa có thể ứng dụng ở quy mô nông hộ và trang trại công nghệ cao. Trong đó, bà con cần trang bị và nắm vững kỹ thuật nuôi để mô hình đạt hiệu quả như mong đợi.
Anh Phan Thái Pháp – phụ trách kỹ thuật Trang trại ST Crab Farm, cho biết: "Cua lột thịt rất ngon, giống như có sữa. Theo tôi nghĩ, độ đạm cũng sẽ cao hơn những loại cua thịt khác. Do lớp vỏ mềm nên có thể ăn toàn bộ và chế biến được rất nhiều món. Khi kiểm tra có dấu hiệu cua lột thì phải canh thời điểm lột, không để con cua lột quá lâu, lột quá lâu thì hàm lượng thịt không còn ngon như lúc đầu. Khi cua lột xong thì cho vô hộp, đóng gói lúc cua còn đang sống, đang khỏe mạnh để giữ hàm lượng thịt đạt mức độ tối đa".
Cua lột có giá trị dinh dưỡng rất cao và đặc biệt rất ngon trong chế biến các món ăn; cùng với đó, nguồn cung hiện chưa dồi dào để đáp ứng nhu cầu thị rường nên nghề nuôi có tiềm năng phát triển rất lớn. Về giá trị, cua lột hiện cao gấp 2,3 lần so với giá cua thịt nên chỉ cần áp dụng thành công việc kích thích và thu hoạch kịp thời là có thể thu được lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên, cũng như nhiều đối tượng thủy sản khác, để mô hình phát triển bền vững, ngoài việc am hiểu các vấn đề kỹ thuật, cần lưu ý để làm chủ quy trình nuôi; cần có sự liên kết giữa các hộ nuôi nhằm đảm bảo nguồn cua hậu bị phục vụ nhu cầu sản xuất cũng như ổn định nguồn hàng cung ứng cho các cơ sở, đơn vị liên kết tiêu thụ.