dd/mm/yyyy

Nuôi cá điêu hồng: Giải pháp quản lý trong giai đoạn chuyển mùa

Một số giải pháp quản lý hiệu quả nuôi cá điêu hồng trong giai đoạn chuyển mùa...

Cá rô phi đỏ (Red Talapia), hay được gọi là cá điêu hồng là đối tượng nuôi phổ biến ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên đối tượng này diễn ra hết sức phức tạp, nguyên nhân chính là do thoái hóa về chất lượng con giống; môi trường biến động và ô nhiễm; thời tiết thay đổi thất thường. Một số giải pháp quản lý hiệu quả nuôi cá điêu hồng trong giai đoạn chuyển mùa.

Nuôi cá điêu hồng: Giải pháp quản lý trong giai đoạn chuyển mùa- Ảnh 1.

Lựa chọn nguồn giống và mật độ nuôi hợp lý

Nên chọn mua con giống ở các cơ sở có uy tín để đảm bảo được chất lượng, đặc biệt là về tốc độ tăng trưởng cũng như khả năng đề kháng của giống khi dịch bệnh xảy ra, nhất là vào giai đoạn thời tiết giao mùa.

Mật độ nuôi cũng là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như năng suất của mỗi vụ nuôi. Nếu mật độ nuôi quá cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh oxy, cá dễ bị stress liên tục cũng như khả năng cá nuôi bị cảm nhiễm với tác nhân gây bệnh rất cao, làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và tỷ lệ sống của đàn cá nuôi. Mặt khác, mật độ nuôi quá thấp sẽ làm cho năng suất vụ nuôi thấp, tăng chi phí sản xuất, điều này ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Do đó, cần chủ động điều chỉnh mật độ nuôi tuỳ vào từng mùa vụ cho phù hợp.

Xử lý môi trường định kỳ

Việc chú trọng xử lý môi trường nuôi định kỳ làm giảm mật độ mầm bệnh và loại bỏ các loài ký sinh trùng (trùng mỏ neo, trùng bánh xe, trùng quả dưa…) đeo bám vào các cơ quan bên ngoài của cá, đồng thời tiêu diệt các mầm bệnh khác như virus, vi khuẩn và nấm.

Tăng cường sức đề kháng

Nhằm đảm bảo cá nuôi đủ đề kháng để chống chọi với những yếu tố bất lợi từ thời tiết, môi trường và mầm bệnh. Trong giai đoạn này nên tăng cường bổ sung: vitamin C, men tiêu hóa và các sản phẩm hỗ trợ tăng chức năng cho gan cá. Chu kỳ bổ sung dinh dưỡng trong giai đoạn này là định kỳ 2-3 ngày/tuần.

Điều trị xử lý khi cá bị bệnh

Giảm lượng thức ăn hoặc cắt cữ không cho cá ăn hoàn toàn.

Xử lý ký sinh trùng (nếu có), ổn định môi trường nuôi.

Lựa chọn và sử dụng thuốc điều trị phải đảm bảo nguyên tắc: đúng loại, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng thời gian.

Theo sát tiến triển về môi trường, tình trạng cá sau khi dùng thuốc điều trị.

P.V (t/h)