dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Trường học bán trú - điểm tựa học sinh vùng cao

Mô hình trường Phổ thông dân tộc bán trú nhiều năm qua ở vùng cao đã giúp các em học sinh dân tộc yên tâm tu dưỡng, học tập...

Từ nhiều năm nay, mô hình trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS được triển khai tại huyện Sông Mã (Sơn La) đã giúp các em học sinh dân tộc vùng cao yên tâm học tập. Tỷ lệ học sinh đến trường và chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, trở thành điểm tựa vững chắc cho học sinh vùng biên giới nơi đây.

Trong chuyên tác nghiệp đến trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Huổi Một, xã Huổi Một (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) những ngày giáp Tết âm lịch 2022 vào 1 buổi giá lạnh nơi rẻo cao, chúng tôi nhìn thấy hơn 400 em học sinh bán trú nơi đây, xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt để lấy các khẩu phần ăn. Lúc đó khoảng 6h chiều, tại khu vực nhà ăn, các em học sinh xếp hàng theo thứ tự nhận những phần cơm nóng hổi sau buổi học tại lớp.

Đang cắm cúi gắp những miếng thịt ngon lên miệng, em Dạ Công Chính, học sinh lớp 9A, trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Huổi Một (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) nói: "Nhà em ở cách xa trường khoảng 12km, khi đến trường được các thầy cô giáo cho ăn ở bán trú em thấy rất vui mừng. Các bữa cơm e được ăn rất ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng đảm bảo cho chúng em học tập".

Trường học bán trú điểm tựa cho học sinh vùng cao yên tâm học tập - Ảnh 1.

Các em học sinh Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Huổi Một, huyện Sông Mã xếp hàng ngay ngắn để lấy khẩu phần ăn. Ảnh: Hà Hoàng.

Còn tại Trường THCS Nà Nghịu (xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã) có 853 học sinh chủ yếu là dân tộc Thái và Mông đang theo học. Hiện, trường có 110 em đang được ăn ở bán trú tại trường. Hàng ngày các thầy cô giáo nhà trường chia ca trực, hướng dẫn các em ở bán trú ôn bài vào buổi tối, dạy các em kỹ năng sống, tạo cho học sinh sự hứng thú trong học tập.

Trường học bán trú điểm tựa cho học sinh vùng cao yên tâm học tập - Ảnh 2.

Trong thời gian học tập và ăn ở tại trường, các em học sinh được thầy cô giáo chăm sóc và bổ trợ kiến thức sau các tiết dạy học. Ảnh: Hà Hoàng.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh, Trường THCS Nà Nghịu (huyện Sông Mã, Sơn La) cho biết: Trường triển khai bán trú được 3 năm nay, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, nhà trường đã đảm bảo cho các em ăn, ở tại trường với hơn 100 học sinh. Tại trường, điều kiện nấu ăn và sinh hoạt của các em tương đối đầy đủ. Các em được chăm sóc về sức khoẻ, hàng ngày cán bộ, giáo viên thay phiên nhau đến từng phòng để kiểm tra, hướng dẫn các em học tập, dọn dẹp vệ sinh đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra trong quá trình ăn, ở tại trường, các em được rèn rũa đạo đức, tác phong, lối sống trở thành công dân tốt cho xã hội.

Trường học bán trú điểm tựa cho học sinh vùng cao yên tâm học tập - Ảnh 3.

Các em học sinh đang cắm vui ăn những khẩu phần ăn nóng hổi và đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Ảnh: Hà Hoàng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm học 2021 – 2022 huyện Sông Mã có 59 đơn vị trường học, 1.564 nhóm lớp với gần 49.000 học sinh, tăng 32 nhóm lớp và 1.376 học sinh so với năm học trước. Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng các chương trình hỗ trợ học sinh, trường ở vùng khó khăn. Ngành cũng tăng cường công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và quan tâm đến các hoạt động ngoài giờ lên lớp ở các trường bán trú.


Trường học bán trú điểm tựa cho học sinh vùng cao yên tâm học tập - Ảnh 5.

Nhờ có mô hình bán trú, tỷ lệ học sinh đến trường và chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Sông Mã được nâng lên rõ rệt, trở thành điểm tựa vững chắc cho học sinh vùng biên giới nơi đây. Ảnh Hà Hoàng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho hay: Qua triển khai mô hình bán trú trên địa bàn huyện, chúng tôi thấy đây là chủ trương rất đúng đắn của các cấp, có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng học sinh, huy động học sinh đến lớp đến trường. Từ đó, góp phần tích cực giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trường học bán trú điểm tựa cho học sinh vùng cao yên tâm học tập - Ảnh 6.

Sau buổi học trên lớp, các thầy cô giáo lại đến từng phòng ngủ của các em học sinh hướng dẫn và bổ trợ thêm kiến thức cho các em. Ảnh: Hà Hoàng.

Đằng sau những bữa cơm ấm áp tình thầy trò vùng cao, là sự nỗ lực, cố gắng của các thầy cô giáo, nhân viên nhà trường, với mục tiêu "tất cả vì học sinh thân yêu" đã giúp các em có điều kiện học tập tốt nhất. Dù còn nhiều gian khó trong hành trình reo chữ vùng biên viễn nhưng bằng tâm huyết và lòng yêu nghề của thầy giáo, cô giáo ở vùng cao sẽ giúp các em học sinh đến được những bến bờ của tri thức, trở thành 1 công dân tốt và có ích cho xã hội.

Hà Hoàng