dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Phòng chống dịch bệnh gia súc ở Mường Chà

Gần đây, dịch bệnh trên gia súc diễn biến phức tạp ở vùng Nông thôn Tây Bắc. Huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) đã có nhiều biện pháp phòng chống hiệu quả...

Chủ động phòng dịch cho gia súc ở vùng Nông thôn Tây Bắc

Thời điểm gần cuối năm, nhu cầu sử dụng thực phẩm từ gia súc của người dân ngày càng nhiều, lưu lượng vận chuyển, giết mổ tăng dẫn đến nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh tăng cao. Để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, vùng Nông thôn Tây Bắc - huyện Mường Chà đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, không để dịch bùng phát, lây lan trên diện rộng.

Mường Chà: Chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho gia súc, góp phần thúc đẩy chăn nuôi ở vùng Nông thôn Tây Bắc. Ảnh: Vinh Duy

Với phương châm “phòng bệnh là chính”, ngay từ đầu năm 2021, UBND huyện Mường Chà đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2021. Huyện Mường Chà chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý; giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến các thôn bản, tổ dân phố, hộ chăn nuôi.

 Mục tiêu là phát hiện sớm, bao vây khống chế, xử lý kịp thời, triệt để các bệnh nguy hiểm phát sinh ở động vật. Tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu gom và kinh doanh động vật thực hiện cam kết: Không giấu, không vứt xác động vật mắc bệnh ra môi trường; không xả thải từ khu vực chăn nuôi chưa qua xử lý ra ngoài môi trường.

 Củng cố hệ thống giám sát, khai báo dịch bệnh và thông tin báo cáo dịch bệnh định kì, đột xuất, báo cáo ổ dịch ở các cấp, đảm bảo giám sát dịch bệnh tới thôn, bản, hộ chăn nuôi. Thực hiện tiêm vắc xin phòng một số bệnh truyền nhiễm cho gia súc, gia cầm, 2 đợt trong năm (đợt 1 vụ xuân - hè; đợt 2 vụ thu - đông).

Trên địa bàn huyện Mường Chà hiện đã triển khai xong việc tiêm vắc xin đợt 1 cho đàn gia súc; tiêm phòng bệnh nhiệt thán trâu, bò 4.400 liều; tụ huyết trùng trâu, bò 14.000 liều; dịch tả lợn cổ điển 14.800 liều; lở mồm long móng trâu, bò 14.000 liều. Thực hiện tổng vệ sinh phun tiêu độc khử trùng trên địa bàn huyện với 1.435 lít hóa chất. Hiện đang triển khai tiêm vắc xin đợt 2 (vụ thu - đông) trên đàn trâu, bò. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc như: Lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi không xảy ra trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, tại huyện Mường Chà có bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò. Dịch bệnh xuất hiện lần đầu tại bản Trung Dình, xã Huổi Lèng từ ngày 28/7/2021, đã lan ra 60 hộ tại 24 thôn, khu thuộc 7 xã, thị trấn. Tổng số gia súc mắc bệnh là 130 con bò; số chết, tiêu hủy là 8 con. Nhờ quyết liệt triển khai chống dịch, đến thời điểm hiện tại bệnh viêm da nổi cục đã cơ bản được kiểm soát. Số gia súc khỏi triệu chứng lâm sàng 68 con; 100% đàn bò tại các xã, thị trấn được tiêm vắc xin phòng bệnh.

Để đạt được kết quả trên, ngay sau khi có thông tin dịch bệnh, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã trực tiếp xuống kiểm tra ổ dịch, hướng dẫn các địa phương chỉ đạo phòng chống dịch theo quy định; cử cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, hỗ trợ địa phương. Các địa phương phát sinh dịch bệnh khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống theo quy định, như: Tổ chức tiêu hủy gia súc mắc bệnh; thực hiện các biện pháp cách ly, khoanh vùng ổ dịch; khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi; thường xuyên kiểm tra, giám sát đàn vật nuôi để có biện pháp xử lý khống chế kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Mường Chà: Chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc - Ảnh 3.

Mặc dù dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở vùng Nông thôn Tây Bắc - huyện Mường Chà đã được kiểm soát, nhưng công tác phòng chống dịch bệnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Vinh Duy

Phòng chống dịch bệnh, kích cầu chăn nuôi ở vùng Nông thôn Tây Bắc

Bà Lâm Thị Thương Huyền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Chà cho biết: Mặc dù dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã được kiểm soát, nhưng công tác phòng chống dịch bệnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. 

Đối với chăn nuôi trâu, bò vẫn còn tình trạng thả rông trên rừng. Điều kiện vệ sinh chuồng trại ở các hộ chăn nuôi còn hạn chế, nhất là xử lý chất thải, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật tăng mạnh trong dịp cuối năm, tình hình thời tiết bất ổn định đã làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi... Do đó, nguy cơ tái phát và xảy ra dịch bệnh là rất cao. 

Thời gian tới, để kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm, tránh lan ra diện rộng; đơn vị tiếp tục tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện việc phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi và thực hiện chăn nuôi an toàn, hiệu quả; nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, đàn vật nuôi luôn có nguy cơ tái mắc các loại bệnh cũng như bị xâm nhiễm bởi các loại dịch bệnh mới.

Vinh Duy