Nông thôn Tây Bắc: Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số
19/07/2025 09:06 GMT +7
Công tác giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La được quan tâm đầu tư, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
- Công đoàn giáo dục Sơn La: Hoạt động “tháng công nhân” năm 2022
- Ngành giáo dục Sơn La sẵn sàng cho tình huống học online
- Nông thôn Tây Bắc: Nâng cao nghiệp vụ quản lý giáo dục cho cán bộ xã, phường ở Sơn La
Đầu tư phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống trường lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, kiên cố, đảm bảo đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.
Tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La, mạng lưới trường lớp ở vùng đồng bào DTTS, miền núi đã được củng cố và phát triển rộng khắp cả bậc học mầm non và phổ thông. Hiện tại, 100% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đều có trường mầm non và trường phổ thông đủ các cấp tiểu học, trung học cơ sở. Tại các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi chưa thể đưa trẻ về học tập trung, đều có các điểm trường, lớp cắm bản. Tỷ lệ phòng học/lớp và giáo viên/lớp cơ bản đảm bảo.

Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La thông tin: Nhờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh, sự nỗ lực của ngành giáo dục, các thầy cô giáo cùng sự chung tay của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và nhân dân, tỷ lệ huy động học sinh vùng đồng bào DTTS và miền núi đến trường đã ngày một nâng lên, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm rõ rệt. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 98,5%, trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,62%.
Tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 93,8%. Trẻ đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 97,5%. Huy động 100% học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học vào học lớp 6. Tổng số đối tượng trong độ tuổi 15-18 có bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở đạt 90,3%; tỷ lệ học sinh hoàn thành Trung học cơ sở tham gia học Trung học phổ thông, Giáo dục thường xuyên và Giáo dục nghề nghiệp đạt 68%.

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục chuyên biệt gồm trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) và Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) ngày càng phát triển. Đến cuối năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 12 trường PTDTNT với 5.935 học sinh và 50 trường PTDTBT với 820 lớp và 27.690 học sinh. Hệ thống trường PTDTBT đã giúp tăng tỷ lệ huy động học sinh DTTS trong độ tuổi ra lớp, giảm số học sinh bỏ học, giúp các em tiếp cận nhanh hơn với tiếng Việt và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng khang trang, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, hầu hết giáo viên công tác ở vùng DTTS đều biết sử dụng tiếng DTTS, am hiểu phong tục tập quán, giúp vận động, thuyết phục đồng bào thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Chất lượng giáo dục các cấp học từng
bước được cải thiện và phát triển theo hướng ổn định và bền vững, với tỷ lệ tốt
nghiệp THPT hằng năm đạt trên 99%. Nhờ các chế độ ưu tiên, số lượng học sinh
sau khi tốt nghiệp THPT tiếp tục học lên đại học, cao đẳng tăng đáng kể (trên
30% hàng năm), góp phần phát triển đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng
cao cho vùng đồng bào DTTS.

Đồng bộ các giải pháp phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La: Để thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La, địa phương này sẽ tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng, cha mẹ học sinh về quyền học tập và ý nghĩa của giáo dục trong xóa đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống, và công bằng giáo dục.
Thu hút sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp chăm lo của các tổ chức đoàn thể, xã hội và doanh nghiệp. Điều chỉnh mạng lưới phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ em DTTS được học tập. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình trường PTDTNT và PTDTBT; đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp, đặc biệt chú trọng chuẩn bị tốt tiếng Việt cho trẻ DTTS trước khi vào lớp 1.

Đổi mới cơ chế quản lý, hoàn thiện hệ thống quản lý, chỉ đạo giáo dục dân tộc, đảm bảo mỗi đơn vị đều có bộ phận đầu mối chuyên trách. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vùng đồng bào DTTS đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên và học sinh, đồng thời rà soát, tham mưu điều chỉnh chính sách phù hợp.