dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Mường Lèo vượt khó xây dựng Nông thôn mới

Mường Lèo là xã đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La nhưng chương trình xây dựng Nông thôn mới ở vùng Nông thôn Tây Bắc này đang có nhiều khởi sắc.

Khởi sắc ở vùng Nông thôn Tây Bắc - Mường Lèo

Là xã vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn của vùng Nông thôn Tây Bắc nhưng những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Mường Lèo (Sốp Cộp, Sơn La) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tối đa các nguồn lực, các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trở lại xã Mường Lèo lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay ở vùng đất nơi đây. Cách đây một vài năm trở về trước, con đường vào xã Mường Lèo chỉ là đường đất, phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ vượt gần 60 km mới đến được trung tâm UBND xã.

Nay khác rồi, con đường từ trung tâm huyện Sốp Cộp vào xã đã được trải nhựa khang trang, hệ thống điện, Trạm Y tế, trường học, nước sinh hoạt… được Nhà nước đầu tư xây dựng; nhiều mô hình kinh tế đã và đang được bà con nhân rộng, mang lại hiệu quả thiết thực.

Nông thôn Tây Bắc: Mường Lèo vượt quá xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đường giao thông đi nhiều bản vùng cao của xã Mường Lèo đã được bê tông hoá. Ảnh: Tuệ Linh.

Lên công tác 7 năm ở xã vùng cao biên giới Mường Lèo, ông Sồng Bả Sáu, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lèo, tâm sự: Lần đầu tiên tôi đặt chân đến xã Mường Lèo, đường giao thông chưa được nhựa hóa, nhà lớp học tạm bợ, Trạm Y tế chưa được nâng cấp, nhà văn hóa các bản chưa có, điện mới đến được khu vực trung tâm xã. Khó khăn lắm nhà báo ơi.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, Đảng  ủy, UBND xã đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, đảm bảo thực hiện đúng các nội dung hướng dẫn của chương trình. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện các chương trình này.

Theo đó, xã Mường Lèo đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để triển khai thực hiện từng chỉ  tiêu, tiêu chí, xây dựng nông thôn mới theo giai đoạn, năm trên địa bàn xã. Cử cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, bản tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về chương trình xây dựng nông thôn mới do huyện, tỉnh, Trung ương tổ chức.

Tổ chức họp Ban chỉ đạo mỗi quý 1 lần để đánh giá tiến độ triển khai thực hiện, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp nhằm triển khai chương trình hiệu quả.

Nông thôn Tây Bắc: Mường Lèo vượt quá xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Tận dụng bãi thả rộng lớn, người dân bản Huổi Luông phát triển chăn nuôi đại gia súc để nâng cao thu nhập. Ảnh: Tuệ Linh.

Tuyên truyền, vận động người dân góp tiền, hiến đất, giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 40, 63 và 115, 77 của HĐND tỉnh Sơn La. Đặc biệt là thực hiện tốt phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới"; rà soát, đăng ký thực hiện các tuyến đường giao thông nông thôn.

Hơn 10 năm qua, xã đã huy động các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn liên bản, nội bản, với chiều dài gần 15 km. Ngoài ra, các công trình thủy lợi, điện, nhà lớp học, nhà văn hóa, Trạm Y tế xã, công trình nước sinh hoạt, công trình Trụ sở UBND xã và các công trình phụ trợ khác cũng đã và đang được đầu tư xây dựng.

Nhiều mô hình kinh tế được triển khai có hiệu quả như, mô  hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, chăn nuôi đại gia súc... Hiện xã có hơn 580 lúa; 75 ha ngô; gần 100 ha cây ăn quả các loại, sản lượng đạt hơn 120 tấn/năm.

Nâng cao thu nhập là cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới

Ông Lò Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lèo, cho biết: Cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập cho người dân. Chỉ có như vậy, mới huy động được sức dân thực hiện các tiêu chí khác. Vì vậy, với lợi thế có bãi chăn thả rộng mênh mông, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Hiện toàn xã có hơn 7.500 con gia súc và gần 21.000 con gia cầm các loại.

Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã Mường Lèo đạt 10,5 triệu đồng/người/năm tăng 5,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 33,28%.

Nông thôn Tây Bắc: Mường Lèo vượt quá xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Hệ thống điện lưới quốc gia mang theo ánh sáng văn minh cho đồng bào Mông ở các bản vùng cao của Mường Lèo. Ảnh: Tuệ Linh.

Ngoài ra, thực hiện việc liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển nông thôn trên địa bàn, thành lập được 1 HTX nông nghiệp.

Đến nay, toàn xã có 95% dân số khu vực nông thôn được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm này, xã Mường Lèo đã đạt 8/19 tiêu chí, gồm: quy hoạch; thủy lợi; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; thông tin và truyền thông; lao động có việc làm; giáo dục và đào tạo; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; quốc phòng và an ninh.

"Tuy là một trong những bản xa nhất của xã Mường Lèo, nhưng Huổi Luông đã được Đảng, Nhà nước đầu tư làm đường giao thông nông thôn, công trình nước sinh hoạt. Nhờ đó, đời sống vật chất – tinh thần của đồng bào Mông nơi đây đang từng bước được nâng lên. Bà con không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu mà luôn tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ; tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng vùng quê biên giới ngày một ấm no", anh Thào A Dơ, dân bản Huổi Luông bảo vậy.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, song những kết quả bước đầu đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần từng bước thay đổi diện mạo mới cho xã vùng biên Mường Lèo; tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đã giúp người dân càng yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Tuệ Linh - Mùa Xuân