dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Có 1 Làng “nguyên thủy” giữa đại ngàn

Hang Táu (Sơn La) với khung cảnh tuyệt đẹp, hoang sơ mà đầy yên bình. Không đường, không điện, không sóng điện thoại, không khói bụi, ồn ào của thành phố; chỉ có cuộc sống yên ả... Tất cả tạo nên một vẻ đẹp hiếm có !

Clip: Làng “nguyên thủy” giữa núi rừng Tây Bắc

Làng "nguyên thủy" giữa đại ngàn

Hang Táu (Sơn La) với khung cảnh tuyệt đẹp, hoang sơ mà đầy yên bình. Không đường, không điện, không sóng điện thoại, không khói bụi, ồn ào của thành phố; chỉ có cuộc sống yên ả... Tất cả tạo nên một vẻ đẹp hiếm có !

Nằm khuất sau những dãy núi cao của cao nguyên Mộc Châu, nép mình bên những con đường mòn khúc khuỷu, quanh co, Hang Táu nằm trong thung lũng với khung cảnh tuyệt đẹp, hoang sơ mà đầy yên bình.

Không đường, không điện, không sóng điện thoại chỉ có cuộc sống yên ả trôi qua không nhiễm khói bụi, ồn ào của thành phố. Tất cả tạo nên cho nơi đây một vẻ đẹp tự nhiên, hiếm có.

Làng “nguyên thủy” giữa núi rừng Tây Bắc - Ảnh 2.

Đường vào Hang Táu vượt qua nhiều đoạn dốc thẳng đứng, hẹp, đất đá lởm chởm: Ảnh: Lê Đức

Theo chân các cán bộ xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, chúng tôi được mục sở thị tìm đến ngôi làng "nguyên thủy" mà thời gian gần đây mọi người đang bàn tán râm ran Hang Táu.

Cách trung tâm xã Chiềng Hắc khoảng 10km, đường vào Hang Táu không mấy dễ dàng; vượt qua nhiều đoạn dốc thẳng đứng, hẹp, đất đá lởm chởm, ngôi làng của gần hai chục hộ dân người Mông hiện ra nằm sâu trong thung lũng rộng lớn, xanh ngắt.

Gọi là làng nhưng thực tế, Hang Táu chỉ là một khu vực nằm trong bản Tà Số cũ, hiện nay đã tách thành bản Tà Số 1 và bản Tà Số 2.

Từ khoảng năm mươi năm trước, hơn chục hộ dân trong bản trong quá trình khai hoang, mở rộng sản xuất đã tiến vào trong đây, biến nơi đây thành nơi chăn thả gia súc tập trung của các hộ.

Làng “nguyên thủy” giữa núi rừng Tây Bắc - Ảnh 3.

Trước đây, người dân thấy Hang Táu rộng, đẹp nên một số hộ dân quyết định vào đây phát nương, trồng ngô, nuôi lợn, nuôi trâu bò: Ảnh: Lê Đức

Anh Mùa A Lu, Trưởng bản Tà Số 2, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Thực ra ở trong này người ta còn giữ được nếp nhà cổ. Thông tin liên lạc gần như hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài, không có sóng điện thoại di động. Cuộc sống của bà con ở đây thì so với bản cũng không khác là bao nhưng mà vẫn giữ được nếp nhà, có sự yên bình hơn so với ở bản.

Hang Táu nằm trong thung lung, xung quanh là núi đá, ở giữa là đồng cỏ xanh, những chú lợn con nhẩn nha kiếm ăn, những chú trâu thong dong gặm cỏ. Thấp thoáng bên những nếp nhà cổ, thỉnh thoảng lại bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Mông lặng lẽ ngồi thêu những tấm khăn hay chiếc váy sặc sỡ, đủ màu sắc. Dưới ánh nắng chiều, tất cả nằm gọn trong những khung hình đẹp nhất.

Làng “nguyên thủy” giữa núi rừng Tây Bắc - Ảnh 4.

Hang Táu giờ đây được biết đến như một ngôi làng "nguyên thủy" giữa đại ngàn. Vẻ đẹp nguyên sở và bình dị giống như cô gái Mông khiến cho nơi đây có một sức hút lạ kỳ. Ảnh: Lê Đức

Tiềm năng lớn để phát triển du lịch

Với một vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên và rất đỗi nên thơ, làng Hang Táu thuộc bản Tà Số đang có rất nhiều những lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Du lịch phát triển, kéo theo kinh tế phát triển và đời sống của đồng bào nơi đây cũng trở nên ấm no và sung túc hơn.

Tuy nhiên làm du lịch và làm kinh tế như thế nào để vẫn giữ được những nét đẹp tự nhiên vốn có lại là một vấn đề còn nhiều trăn trở.

Trao đổi với Phóng viên, bà Hà Thị Phước, bí thư Đảng ủy xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Bản Tà Số về tiềm năng du lịch cộng đồng, thứ nhất là khí hậu, khí hậu rất mát mẻ và thiên nhiên thì ưu đãi. Thứ hai là những nét đẹp, nét cổ xưa của người đồng bào dân tộc Mông thì vẫn còn nguyên vẹn của những ngôi nhà cổ, cũng như là tập quán, tập tục sinh hoạt của đồng bào Mông ở trên đó là vẫn còn giữ nguyên vẹn được như vậy. Trong năm 2021, sau Đại hội Đảng bộ huyện, chúng tôi cũng đang tập trung cho việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và tập trung cho việc xây dựng du lịch cộng đồng ở trên Tà Số, cũng như là khu vực trên Hang Táu.

Thế nhưng tiềm năng, lợi thế bao giờ cũng đi kèm với những mối lo nhất định. Với một bản làng còn nguyên sơ như Tà Số, cái mà người dân lo lắng nhất chính là việc giữ cho được cuộc bình yên.

Hiểu được vấn đề trên, nên ngay từ khi xác định chủ trương làm du lịch phát triển kinh tế, chính quyền địa phương đã chọn phương án chậm mà chắc. Chậm ở đây là không làm quảng cáo, kêu gọi du lịch một cách rầm rộ, quy mô, đồng thời siết quản lý đối với du khách đến với Hang Táu nói riêng và Tà Số nói chung.

Làng “nguyên thủy” giữa núi rừng Tây Bắc - Ảnh 5.

Theo chủ trương phát triển du lịch của huyện, của xã thì bà con ở Hang Táu cần giữ nếp nhà truyền thống của bản, tức là không làm thay đổi cảnh quan và nếp nhà của người Mông. Ảnh: Lê Đức

Điểm thu hút khách du lịch đến với Tà Số chính là vẻ đẹp tự nhiên, nét truyền thống vốn có của đồng bào Mông nhưng cũng chính điều này sẽ tiềm ẩn nhiều cơ về việc đánh mất những nét đẹp, giá trị truyền thống nếu phát triển một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch.

17 nếp nhà được xây dựng tại đây theo đúng truyền thống của đồng bào Mông. Hiện nay không có người ở, nhưng nhiều năm nay, nó vẫn được người dân trong bản giữ lại, dù đôi khi chỉ để làm nơi nghỉ tạm những buổi lên nương, vào rẫy, chăn thả gia súc.

Đó là kết quả của quá trình tuyên truyền, vận động người dân của chính quyền địa phương. Đây không chỉ là để gìn giữ những nét văn hóa cổ truyền, mà còn là "vốn quý" để làm du lịch được bền vững.

Ông Vì Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Xã với huyện cũng chưa có ý định cho các nhà đầu tư vào để đầu tư vào khu vực này. Mình sẽ giữ được vẻ đẹp hoang sơ. Với những nếp nhà của người Mông, chúng tôi cũng chỉ đạo cho chi bộ chính quyền và nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông thì họ luôn giữ được nếp nhà cổ của người Mông. Riêng về đất đai thì chúng tôi cũng đã chỉ đạo chính quyền và nhân dân là không được phép chuyển đổi cho các đơn vị và cá nhân ở nơi khác đến để đầu tư vào khu vực này, nó sẽ phá vỡ cảnh quan, vẻ đẹp vốn có của khu vực Hang Táu.

Làng “nguyên thủy” giữa núi rừng Tây Bắc - Ảnh 6.

Với vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng và cuộc sống yên bình của người dân nơi đây, Hang Táu đang trở thành điểm đến lý tưởng. Ảnh: Lê Đức

Trao đổi với Phóng viên, bà Nguyễn Thị Hoa, phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Một khi du lịch đã phát triển được một cách bền vững, thì chính những giá trị truyền thống ngoài là điểm hút du khách cũng sẽ có điều kiện để mang lại giá trị làm kinh tế tốt hơn.

Trước hết là phải nâng cao nhận thức cho người dân trong bản, họ phải cảm thấy tự hào về nét văn hóa của họ. họ phải cảm thấy tự hào về truyền thống của họ, kiến trúc nhà ở và trang phục thì họ cố gắng gìn giữ.

Anh Mùa A Lu, Trưởng bản Tà Số 2, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Nếu chủ trương du lịch đến với bản Tà Số thì chắc chắn sẽ cải thiện được du lịch phát triển kinh tế cho bà con. Lợi thế phát triển của bản là về cây ăn quả, trồng trọt và chăn nuôi, ví dụ như có lợn của người Mông và gà của người Mông. Hoặc là những nét bản sắc văn hóa của người Mông như là thêu thùa sẽ bán được.

Làng “nguyên thủy” giữa núi rừng Tây Bắc - Ảnh 7.

Những tấm khăn hay bộ váy truyền thống của phụ nữ Mông được tạo nên hoàn toàn thủ công, qua bàn tay khéo léo. Ảnh: Lê Đức

Từ bản đặc biệt khó khăn đến đời sống ấm no

Bên cạnh vẻ đẹp nguyên sơ, yên bình, ít ai biết, 2 bản Tà Số là 2 trong số 4 bản đặc biệt khó khăn của xã Chiềng Hắc. Với 100% người dân là đồng bào Mông, canh tác sản xuất nhiều năm theo lối truyền thống cùng lắm chỉ giúp người dân đỡ được bữa no, bữa đói. Trước thời điểm về đích Nông thôn mới năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của 2 bản luôn duy trì từ 30-40%. Nhưng 5 năm trở lại đây, bằng những đường hướng hết sức cụ thể và hiệu quả, tư duy sản xuất cho đến điều kiện kinh tế đã tiến bộ rất nhiều.

Làng “nguyên thủy” giữa núi rừng Tây Bắc - Ảnh 8.

Trước đây, những người phụ nữ ở Tà Số chủ yếu thêu thùa để phục vụ nhu cầu trong gia đình, nhưng hiện nay, khi du lịch đến với nơi đây, những sản phẩm độc đáo này cũng đã mang đến thu nhập không nhỏ. Ảnh: Lê Đức

Trao đổi với Phóng viên, bà Hà Thị Phước, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Sau khi Đại hội Đảng xong là chúng tôi phân công đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã phụ trách bản Tà Số 1 và đồng chí Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn thanh niên phụ trách bản Tà Số 2. Đồng thời cũng sinh hoạt luôn ở trên đó để nắm được tâm tư, nguyện vọng của bà con trên đấy, nắm được những khó khăn, vướng mắc để kịp thời báo cáo với Thường vụ Đảng ủy cũng như là Ban chấp hành Đảng bộ xã hàng tháng. Để chúng tôi tìm ra những giải pháp để chúng tôi tháo gỡ những khó khăn đó.

Với phương châm cầm tay chỉ việc, mỗi một hộ nghèo trong bản nói riêng và trong xã nói chung đều được ít nhất một cán bộ xã quan tâm, giúp đỡ. Cán bộ xuống với dân để nắm tâm tư, nguyện vọng, rồi cùng dân nghĩ cách vượt khó, làm giàu.

Làng “nguyên thủy” giữa núi rừng Tây Bắc - Ảnh 9.

Chỉ trong vòng 5 năm, nếu như không có đường lối đúng đắn và quyết tâm cao như thời gian qua của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với trách nhiệm của từng cán bộ đảng viên, tất cả có lẽ vẫn sẽ mãi chỉ dừng lại ở tiềm năng. Ảnh: Lê Đức

Năm 2015, cả tỉnh Sơn La có chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc. Đây đã thực sự trở thành một phong trào phát triển kinh tế mạnh mẽ trên mọi mảnh đất ở Sơn La, trong đó có xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu. Chính quyền địa phương cũng xác định, đây là cơ hội cho người nghèo vươn lên. Vì vậy, ngoài cung cấp cây giống cho các hộ dân, chính quyền địa phương còn tuyên truyền, vận động cho nhiều hộ nghèo tiếp cận với các nguồn vốn vay, hỗ trợ sản xuất. Tất cả cán bộ xã đều được trang bị đầy đủ kiến thức về trồng trọt, nhiệm vụ hàng ngày chính là cùng lên nương, vào ruộng sản xuất với bà con.

Anh Mùa A Tủa, bản Tà Sổ 2, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Trước nương chỉ để trồng ngô, chi phí cao lắm. Một nương ngô là 3 tấn phân. Mà nhà vẫn nghèo. Cán bộ xã cũng về vận động mình trồng cây thay thế. Hàng ngày đều đến hướng dẫn kỹ thuật. GIa đình bây giờ đã có 300 gốc mận, hơn 100 gốc đào, ngoài ra là trồng sa nhân đan xen nữa. Mỗi năm thu nhập cũng được hơn 100 triệu đồng.

Làng “nguyên thủy” giữa núi rừng Tây Bắc - Ảnh 10.

Từ năm 2018, bản Tà Số 2 là có 35 hộ nghèo, cho đến hiện tại bản Tà Số 2 còn 4 hộ nghèo. Hiện tại thu nhập trung bình của mỗi người là 28 – 32 triệu/người/năm. Ảnh: Lê Đức

Riêng bản Tà Số 2 giờ đã có khoảng 100ha trồng cây ăn quả thay thế những nương ngô, nương sắn bạc màu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.

Từ năm 2018, bản Tà Số 2 là có 35 hộ nghèo, cho đến hiện tại bản Tà Số 2 còn 4 hộ nghèo. Hiện tại thu nhập trung bình của mỗi người là 28 – 32 triệu/người/năm.

Còn toàn xã Chiềng Hắc, giờ đây hộ nghèo chỉ chiếm tỷ lệ 3,7%. Sản xuất nông nghiệp cùng phát triển du lịch đang trở thành 2 ngành mũi nhọn mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương.

Khi cái đói, cái nghèo đã dần xa, những bản làng nơi cao nguyên Mộc Châu như được khoác lên mình một sức sống mới với  màu xanh của cây trái, tô điểm những sắc màu rực rỡ từ những bộ trang phục truyền thống của đồng bào nơi đây.  

Văn Ngọc