Bứt phá đưa cây mía vào vùng Nông thôn Tây Bắc Hoang Thèn
Đó là chuyện của người dân xã Hoang Thèn (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Cũng như nhiều địa phương khác ở vùng Nông thôn Tây Bắc, Hoang Thèn là một xã thuần nông. Đời sống của người dân trong xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, với những cây trồng chính như: Lúa, ngô, sắn... Với người dân xã Hoang Thèn, cây mía là cây trồng hoàn toàn mới mẻ. Nó mới được đưa vào trồng trên đồng đất Hoang Thèn từ năm 2020.
Ông Hoàng Kiều Ánh – Bí thư xã Hoang Thèn, phấn khởi cho biết: Cây mía được đưa vào trồng trên đồng đất của vùng Nông thôn Tây Bắc này theo hình thức liên kết giữa hợp tác xã và người dân. Hợp tác xã nông sản Lai Châu, ở thôn Tây Sơn (xã Mường So, huyện Phong Thổ) đầu tư toàn bộ chi phí ban đầu và bao tiêu sản phẩm cho người trồng mía trên địa bàn xã. Do không phải lo lắng về đầu ra nên người dân trong xã tỏ ra khá hào hứng với cây mía. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn đăng ký trồng mía với Hợp tác xã nông sản Lai Châu. Hiện trên địa bàn xã có hơn 60ha mía. Trồng mía cho thu nhập cao gấp 2 lần so với trồng ngô, sắn. Không ít hộ dân trong xã thu cả trăm triệu đồng/năm từ trồng mía.
Gia đình anh Lý Vần Pao, ở bản Lèng Xuôi Chin là một trong những hộ tiên phong trồng mía ở xã Hoang Thèn. Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, anh Pao vui vẻ nói: "Đầu năm 2020, sau khi nghe cán bộ xã và cán bộ Hợp tác xã nông sản Lai Châu nói về mô hình liên kết trồng mía, thấy hay nên tôi đã đăng ký tham gia. Gia đình tôi trồng hơn 1ha. Tham gia trồng mía, gia đình tôi không phải đầu tư chi phí ban đầu, mà chỉ bỏ công ra trồng và chăm bón. Toàn bộ cây giống, phân bón đều do hợp tác xã cung ứng.
Trồng mía vất vả nhất là khâu làm cỏ và thu hoạch. Năm 2020, gia đình tôi thu hơn 100 triệu đồng từ trồng mía bán cho hợp tác xã đấy. Nếu trồng sắn thì khó có được khoản tiền lớn như vậy".
Vị ngọt mới trên đồng đất Nông thôn Tây Bắc
Nhận thấy trồng mía cho giá trị kinh tế cao hơn trồng ngô, sắn, năm 2021, gia đình anh Pao đã mở rộng diện tích trồng mía lên gần 2ha. Đến thời điểm này, nương mía của gia đình anh Pao, đang sinh trưởng, phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch.
Không chỉ có gia đình anh Pao mà nhiều hộ dân khác ở bản Lèng Xuôi Chin nói riêng, xã Hoang Thèn nói chung cũng có thu nhập khá từ khi bỏ ngô, sắn để trồng mía.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Trung Dũng – Phó Giám đốc Hợp tác xã nông sản Lai Châu, cho hay: Năm 2019, Hợp tác xã nông sản Lai Châu đã tiến hành trồng thử nghiệm cây mía ở một số địa phương của tỉnh Lai Châu. Sau một năm trồng thử nghiệm, nhận thấy cây mía cho năng suất cao hơn so với dự kiến, hợp tác xã đã quyết định mở rộng diện tích bằng hình thức liên kết với người dân. Hợp tác xã ký kết hợp đồng trồng, bao tiêu sản phẩm mía với từng hộ dân.
Theo đó, hợp tác xã chịu trách nhiệm cung cấp cây giống, vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho người dân. Sau khi thu hoạch vụ mía đầu tiên, người dân chỉ phải trả một nửa chi phí đầu tư ban đầu cho hợp tác xã, nửa còn lại sẽ trả vào vụ thu hoạch sau.
Theo anh Dũng, cây mía trồng ở Lai Châu cho năng suất khá cao. 1ha mía trồng năm đầu tiên có thể đạt khoảng 100 tấn mía tươi/vụ. Hợp tác xã nông sản Lai Châu ký kết bao tiêu sản phẩm mía tươi với giá 1000 đồng/kg. Như vậy, trồng 1ha mía, người dân sẽ có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Với hơn 60ha mía, Hoang Thèn là xã đứng đầu về diện tích trồng mía liên kết với Hợp tác xã nông sản Lai Châu. Hiện nay, Hợp tác xã nông sản Lai Châu vẫn đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng mía ra các xã khác của huyện Phong Thổ và một số huyện, thành phố khác của tỉnh Lai Châu.