Clip: Bảo tồn, nhân giống dược liệu quý Sâm Lai Châu
Cây Sâm Lai Châu đang bị đe doạ suy kiệt về số lượng
Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi trồng cây dược liệu, tỉnh Lai Châu đang triển khai nhiều giải pháp nỗ lực mở rộng diện tích trồng các loài thuốc quý. Một trong những loại đó là Sâm Lai Châu có tên gọi khác là tam thất hoang Mường Tè, tam thất rừng hay tam thất đen.
Sâm Lai Châu có tên gọi khác là tam thất hoang Mường Tè, tam thất rừng hay tam thất đen. Năm 2013, loài cây này được công bố phát hiện tại Lai Châu, đến năm 2016, diện tích phân bố tự nhiên của giống sâm Lai Châu giảm mạnh, chỉ còn lại rất ít và phân bố rải rác trong rừng rậm nguyên sinh chưa bị tác động hoặc tác động nhẹ, thuộc vùng núi cao huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Hiện nay, do bị khai thác cạn kiệt, sâm Lai Châu đang được liệt kê ở thứ hạng bị tuyệt chủng trầm trọng theo đối chiếu với các tiêu chuẩn của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên.
Nhằm bảo tồn, nhân giống các loại dược liệu quý này, tạo sản phẩm sâm phục vụ tiêu dùng, tỉnh Lai Châu đã nghiên cứu và thực hiện các viêm ươm, phát triển Sâm Lai Châu.
Men theo con suối, vượt qua những cánh rừng già, chúng tôi đến vườn ươm cây sâm Lại Châu Ngọc tại xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Càng vào sâu, tán rừng càng dày, nhiệt độ thấp dần.
Anh Lò Văn Doãn nhân viên đã gắn bó nhiều năm nay với vườn ươm sâm Lai Châu cho biết: Xà Dề Phìn có độ cao 2.000m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, độ ẩm không khí lớn, mưa nhiều; tỷ lệ che phủ rừng tự nhiên chiếm 70% diện tích đất tự nhiên, thực vật phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều giống thuốc quý hiếm. Điều kiện tự nhiên của Xà Dề Phìn được đánh giá là khá tương đồng với những vùng trồng sâm.
Nhân giống, phát triển cây Sâm Lai Châu
Sau nhiều năm thực hiện mô hình, đến nay vườn ươm đã nhân giống và phát triển thành công loại cây quý hiếm này sâm Lai Châu. Đến thời điểm hiện tại vườn ươm đã có hơn 10 nghìn cây sâm quý, trong đó có trên 3 nghìn cây đã có tuổi đời từ 8 đến 9 năm tuổi.
"Với mong muốn giữ gìn nguồn thảo dược quý, cũng như làm thương mại và hạ giá thành những loại sâm quý, tiến tới mọi người đều có thể tiếp cận sử dụng những loại sâm tốt cho sức khỏe, mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng, hiện vườn ươm đang tiếp tục nhân rộng mô hình để phát triển rộng rãi hơn", anh Doãn nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Giàng A Tùng, phó Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết: Sâm Lai Châu là loại sâm quý, có giá trị cao trong y dược, thường sinh trưởng và phát triển tốt dưới các tán rừng nguyên sinh. Tùy thuộc vào từng năm tuổi của Sâm Lai Châu mà có giá ngoài thường giao động khác nhau. Có những cây có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Với thời tiết lạnh, độ ẩm cao Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ cũng là một trong những địa phương có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để bảo tồn và phát triển loại sâm quý này. Thời gian qua xã Sà Dề Phìn đã phát triển các mô hình nhân giống trồng cây Sâm Lai Châu; đồng thời, hỗ trợ người dân về khoa học kỹ thuật để phát triển và nhân rộng giống cây quý hiếm này ra thực tế để phát triển.
"Cây sâm Lai Châu có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên việc đầu tư phát triển cây này đòi hỏi nhiều kinh phí để đầu tư được. Trước mắt một số doanh nghiệp, một số gia đình sẽ đầu tư phát triển tước để làm điềm, sau khi thực hiện, thấy hiệu quả phù hợp với điều kiện tự nhiên, lúc đấy sẽ nhân rộng ra nhiều hộ gia đình khác" anh Tùng nói.
Với những tín hiệu vui bước đầu mà đề tài mang lại, hy vọng kết quả của việc trồng, sản xuất dược liệu không những bảo tồn được giống sâm Lai Châu F0 tại vườn ươm giống mà còn cung cấp đủ số lượng giống cây sâm 2 năm tuổi cho doanh nghiệp và nông dân trồng với giá hợp lý. Từ đó, góp phần mở rộng vùng trồng cây dược liệu và tạo thu nhập cho người dân địa phương.