dd/mm/yyyy

Sơn La: Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Sơn La triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Clip: Sơn La phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao thu nhập cho nông dân

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu nhằm tạo ra những đột phá mới, bảo đảm nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao. Những năm qua, tỉnh Sơn La ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp như: ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, tưới nhỏ giọt, các phương pháp trồng, chăm sóc cây trồng vật nuôi, từng bước gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác cho các sản phẩm nông sản đã được đẩy mạnh. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, tư duy của nhân dân về đổi mới tổ chức sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch theo hướng hàng hóa được nâng cao.

Sơn La: Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 2.

Những năm gần đây Sơn La đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Văn Ngọc

Gia đình ông Nguyễn Thanh Hải, thôn Hoàng Văn Thụ, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La có thu nhập 500 triệu đồng/năm chỉ với 3.000m2 đất trồng nho. Giống nho ông Hải trồng là nho Hạ Đen. Ông Hải chia sẻ: Toàn bộ diện tích vườn nho của gia đình được trồng trong nhà kính, tạo thành từng luống để thuận tiện cho việc chăm sóc.

Cũng theo ông Hải, đặc thù của cây nho Hạ Đen yêu cầu rất là khắt khe đối với khâu chăm sóc, từ giai đoạn ra hoa đến giai đoạn cho thu quả. Trước giai đoạn chuẩn bị cho ra hoa, giai đoạn cây nho ngủ, giai đoạn vào mùa đông, lúc đó tiến hành bón phân lót và cắt cành, tưới nước để cây nho bật lộc, chuẩn bị ra hoa. Gia đình ông Hải lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, với phương pháp đó theo ông lý giải sẽ tiết kiệm nước, chống đất bị xói mòn và đặc biệt là tiết kiệm được thời gian để thực hiện các công việc khác.

"Việc lắp đặt hệ thống tưới tự động giúp người nông dân không mất thời gian kéo đường ống tưới, bây giờ chỉ cần cái điều khiển cầm trên tay thôi là có thể tưới được cả vườn. Trong thời gian tưới mình vẫn làm được việc khác. Trước kia áp dụng theo phổ thông cứ tưới kéo dây, mình lúc nào cũng cầm vòi tưới thì không làm được việc khác", ông Hải nói.

Sơn La: Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 3.

Gia đình ông Nguyễn Thanh Hải, thôn Hoàng Văn Thụ, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La có thu nhập cao từ mô hình trồng nho hạ đen. Ảnh: Văn Ngọc

Huyện Mộc Châu của Sơn La hiện là khu vực trồng mận hậu lớn nhất cả nước với tổng diện tích hơn 3.200 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 2.400 ha, sản lượng năm 2022 ước đạt 28.000 tấn. Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Chuyển đổi phương pháp trồng, chăm sóc mận từ truyền thống sang hướng hữu cơ, người nông dân sẽ chú trọng hơn đến việc sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ.

Sơn La: Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 4.

Huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Văn Ngọc

Việc làm này tuy chi phí trong những năm đầu cao hơn so với bón phân vô cơ, nhưng sau đó sẽ giảm dần theo hàng năm, bởi đất đai được bổ sung dinh dưỡng, các loại vi sinh vật có ích phát triển nhiều hơn. Quan trọng nhất là năng suất và chất lượng sản phẩm tăng cao hơn so với trước đây. Dùng phân bón hữu cơ, sản phẩm sản xuất ra thị trường được ưa chuộng, giá thành cũng cao hơn.

Để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm ổn định, một mặt huyện Mộc Châu đẩy mạnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, mặt khác tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích nông dân thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ, qua đó từng bước khẳng định và nâng cao chất lượng thương hiệu sản phẩm.

Sơn La: Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 5.

Chất lượng, sản lượng mận Mộc Châu ngày càng được nâng cao. Ảnh: Văn Ngọc

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thông tin: Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Tỉnh ủy Sơn La ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về phát triển công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Sơn La: Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 6.

Sơn La đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án chế biến nông sản. Ảnh: Văn Ngọc

Thực hiện Nghị quyết về phát triển công nghiệp chế biến nông sản, trong 2 năm 2021 và 2022, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản của Sơn La đã tăng trung bình 11,6%/năm; Giá trị hàng hóa nông sản chế biến tham gia xuất khẩu tăng bình quân trên 8%/năm. Riêng năm 2022, giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu đạt 149,63 triệu USD, chiếm gần 92% giá trị nông sản thực phẩm của tỉnh tham gia xuất khẩu trong năm.

Đối với việc thu hút đầu tư các dự án chế biến nông sản, giai đoạn 2021 – 2023, Sơn La đã cấp chủ trương đầu tư mới cho 5 dự án, gồm: Dự án đầu tư Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu của Dự án Trung tâm chế biến rau, quả thực phẩm Doveco Mai Sơn; dự án Nhà máy chế biến đường lỏng Glucose BHL Sơn La; Nhà máy chế biến nông sản của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc huyện Mộc Châu và dự án Tổ hợp Trang trại sinh thái và trang trại bò sữa Công nghệ cao Mộc Châu.

Sơn La: Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 7.

Sơn La: Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 8.

Đến nay tỉnh Sơn La đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Văn Ngọc

Về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết số 08 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, năm 2022, tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của Sơn La đã đạt hơn 8.300 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt tăng khoảng 5 – 10%/ năm; tiếp tục giảm diện tích cây trồng như ngô, lúa nương; tăng diện tích cây ăn quả, chè, mía, sắn...

Đến nay, Sơn La đã công nhận được 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và tiêu chuẩn tương đương tăng 17,4% so với năm 2021; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 47,3%.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh