dd/mm/yyyy

Nông dân Yên Châu thu nhập cao từ trồng cây nhãn trên đất dốc

Từ việc đẩy mạnh phát triển cây ăn quả trên đất dốc, áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác, nhiều hộ nông dân tại xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) đã có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.

Cây nhãn trên đất dốc, nông dân có thu nhập cao

Về với xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) khắp các sườn đồi, thung lũng đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những vườn cây ăn quả xanh tốt. Mùa nào quả đấy, những vườn cây ăn quả như nhãn, xoài, bưởi, mận…. đã làm cuộc sống của đồng bào nơi đây thay đổi từng ngày, vươn lên làm giàu. Có được những thành quả như ngày hôm nay, đó là nhờ những chủ chương của tỉnh, của huyện về đẩy mạnh cây ăn quả trên đất dốc, cùng với những thay đổi tư duy phát triển kinh tế của người dân nơi đây.

Được cán bộ phòng nông nghiệp huyện Yên Châu giới thiệu, chúng tôi tìm đến vườn cây ăn quả của gia đình bà Nguyễn Thị Duyên, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La). Vườn nhãn của gia đình bà Duyên là một trong những vườn nhãn có diện tích lớn nhất vùng này, cho thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi khi đến vườn nhãn của gia đình chị Duyên, mặc dù được trồng trên những sườn dốc, thế nhưng những cây nhãn được trồng bài bản, dưới gốc cây là hệ thống tưới nước tự động, cây nào cây đấy đều xanh tốt, những chùm nhãn sai trĩu quả.

Nông dân Yên Châu thu nhập cao từ trồng cây nhãn trên đất dốc - Ảnh 1.

Huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đẩy mạnh trồng cây ăn quả trên đất dốc. Ảnh: Văn Ngọc

Ngồi dưới tán cây nhãn, bà Duyên chia sẻ: Năm 1993, sau khi lập gia đình, tôi và chồng con từ quê nhà Khoái Châu (Hưng Yên) lên vùng đất Lóng Phiêng khai hoang lập nghiệp. Thời điểm đó vùng đồi Pha Cúng này chỉ toàn những cây dại và cỏ lau. Gia đình tôi quyết định khai hoang vùng đất cằn cỗi này để phát triển kinh tế. Những ngày đầu gia đình cũng đã bắt đầu trồng nhãn, tuy nhiên chỉ là những giống nhãn địa phương nên hiệu quả kinh tế không cao, thời điểm đó gia đình tôi rất khó khăn

Năm 2003, hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, bà Duyên đã mạnh dạn đưa giống nhãn nhãn Miền Thiết thay thế giống nhãn địa phương. Đây là giống nhãn cho quả ngọt, trái sai, vỏ mỏng, cùi dày, chỉ sau 3 năm, gia đình bà đã có thể thu hoạch và thu lời liên tiếp trong nhiều năm tiếp theo.

Để đảm bảo năng suất cũng như chất lượng sản phẩm, gia đình bà Duyên tiến hành thâm canh, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong ghép mắt, cải tạo giống, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, dùng các loại phân hữu cơ, phân chuồng, NPK, bón cho cây trồng. Nhờ vậy, mà vườn nhãn của gia đình bà từ khi ghép mắt đến hiện tại đều xanh mơn mởn và cho qua đầy cành.

"Hiện tại, gia đình tôi trồng được trên 10ha cây nhãn. Thực hiện chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn nhãn gia đinh cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, được thương lái thu mua tận vườn và xuất bán vào các siêu thị, của hàng nông sản sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trung bình gia đình tôi thu từ 100 - 120 tấn nhãn/vụ. Trừ tất cả chi phí, gia đình tôi đã có lợi nhuận 1,6 tỷ đồng/năm", bà Duyên nói.

Nông dân Yên Châu thu nhập cao từ trồng cây nhãn trên đất dốc - Ảnh 2.

Gia đình bà Nguyễn Thị Duyên, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) thu nhập cao từ trồng nhãn. Ảnh: Văn Ngọc

Phát triển cây nhãn trên đất dốc bền vững

Ông Vì Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La thông tin: Hiện nay, xã Lóng Phiêng có 676ha nhãn, trong đó, 600ha cho thu hoạch, tập trung tại các bản Pha Cúng, Yên Thi, Nong Đúc và Mỏ Than.

Những diện tích nhãn đậu quả, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn bà con đầu tư, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Đồng thời, tăng cường kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Năm nay, sản lượng đạt khoảng 3.000 tấn quả.

Nông dân Yên Châu thu nhập cao từ trồng cây nhãn trên đất dốc - Ảnh 3.

Huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học vào phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Ảnh: Văn Ngọc

Vào vụ thu hoạch, mỗi ngày có 10-12 điểm thu mua nhãn tại các bản Pha Cúng, Nong Đúc, Yên Thi, Mỏ Than, trung bình mỗi điểm thu 1-2 tấn quả tươi, sản phẩm tiêu thụ tại các chợ đầu mối của tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Nội; đến nay đã tiêu thụ khoảng 650 tấn quả, dự kiến đến hết tháng 9, sẽ hoàn thành thu hoạch vụ nhãn chín muộn. 

Nâng cao hiệu quả kinh tế từ nhãn chín muộn, xã Lóng Phiêng tiếp tục khuyến khích HTX và các hộ trồng nhãn đẩy mạnh ghép cải tạo giống nhãn chín muộn trên giống nhãn cũ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc. Tăng cường quản lý dịch hại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, chủ động tuyên truyền, quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ, xuất khẩu và nghiên cứu các biện pháp bảo quản quả nhãn chín muộn, đáp ứng yêu cầu rải vụ nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Nông dân Yên Châu thu nhập cao từ trồng cây nhãn trên đất dốc - Ảnh 4.

Từ việc trồng cây ăn quả trên đất dốc giúp nông dân Yên Châu có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Có thể thấy, từ việc phát triển cây ăn quả trên đất dốc, đã giúp đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu. Trong thời gian tới, huyện Yên Châu (Sơn La) tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP; duy trì nhãn hiệu, thương hiệu cho các loại sản phẩm đã được chứng nhận và tuyên truyền người dân mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp chất lượng cao đối với một số cây trồng chủ lực.

Văn Ngọc