Clip: Nông dân vùng cao sản xuất nông nghiệp thuận theo tự nhiên
Nông nghiệp Sơn La ngày càng đa dạng
Chúng tôi có dịp ghé thăm vườn mít Thái quả nào quả nấy đều căng mọng của gia đình chị Hoàng Thị Hình, bản Tà Làng Thấp, xã Tú Nang, huyện Yên Châu (Sơn La) đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Mô hình sản xuất của gia đình chị khiến nhiều người ngạc nhiên bởi toàn bộ 2 ha vườn cây ăn quả của gia đình chị đều để cỏ mọc dày đặc chen lối đi, phía trên là những tán cây ăn quả.
"Giữ thảm thực vật trong vườn là cách làm nông nghiệp thuận theo tự nhiên đem lại hiệu quả bất ngờ mà ít ai nghĩ đến. Lớp cỏ dại này sẽ giúp giữ độ ẩm cho đất trong mùa hè, chống rửa trôi dinh dưỡng, xói mòn vào mùa mưa; làm cho đất tơi xốp hơn, thoáng khí để rễ cây trồng hô hấp và hút dinh dưỡng dễ dàng hơn. Cỏ còn tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật, côn trùng có ích sinh sống, giúp giải độc cho đất", chị Hình nói
Cũng theo chị Hình, muốn canh tác nông nghiệp theo hướng thuần tự nhiên, phải biết quản lý cỏ mọc đúng cách như: nhổ bỏ những loại cỏ không cần thiết; cắt tỉa khi chúng mọc quá cao. Cỏ dại không những không tranh mất phần dinh dưỡng mà còn giúp cây trồng sinh trưởng tốt hơn. Người dân đỡ tốn chi phí, công sức diệt cỏ, mà vào mùa khô lại không lo tình trạng cây trồng khô hạn do thiếu nước tưới. Năng suất bình quân hằng năm của các loại cây trồng chính đều tăng từ 5- 10% so với cách làm truyền thống trước đây.
Còn đối với gia bà Lò Thị Đao, bản Tủm, xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, với diện tích vườn cây ăn với các loại nhãn, bưởi, xoài… cũng đang áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ thuận theo tự nhiên. Ngoài việc giữ thảm thực vật trong vườn, bà Đao còn tận dụng chất thải chăn nuôi từ đàn bò của gia đình cùng với mua thêm của các hộ dân trong vùng về trộn với vỏ cà phê ủ men làm phân vi sinh bón cho cây trồng thay vì sử dụng phân bón hóa học.
Nông sản Sơn La ngày càng sạch và phong phú
"Để phòng ngừa sâu bệnh cho cây trồng, gia đình tôi đã sử dụng các loại thuốc trừ sâu hữu cơ, chế phẩm sinh học. Năm 2021, tổng thu nhập của gia đình từ vườn cây trồng đạt hơn 200 triệu đồng, trong khi chi phí sản xuất ít hơn khoảng 30% so với sản xuất truyền thống". bà Đao nói.
Cũng theo bà Đào, khó khăn hiện nay là mặc dù khu vực này là vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, nhưng việc vận động nhiều hộ cùng sản xuất cây ăn quả theo hướng an toàn, VietGAP vẫn chưa nhận được sự đồng thuận. Chính vì vậy việc canh tác còn gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu (Sơn La), cho biết: Những năm gần đây, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là các mô hình kinh tế thuận theo tự nhiên, hướng an toàn, VietGAP.
"Trong canh tác thuận tự nhiên người nông dân không phải mất các chi phí đầu tư như nhà kính, nhà lưới hay phân, thuốc và các nghiên cứu chuyển giao công nghệ, mà chúng chỉ lưu truyền giống bản địa, sử dụng phân chuồng ủ hoai mục, cho cỏ mọc giữ độ ẩm và hệ vi sinh cho đất, từ đó đất làm nhiệm vụ nuôi dưỡng cây. Vì chi phí không nhiều nên giá sản xuất của chúng tôi luôn rẻ", ông Điện nói
Để giúp các hội viên phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định từ các mô hình kinh tế, hàng năm Hội Nông dân huyện Yên Châu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên học tập nâng cao kiến thức trong sản xuất. Trọng tâm là tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hướng an toàn, VietGAP…