dd/mm/yyyy

Nông dân Sơn La đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác cà phê

Trước mỗi vụ cà phê, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật để giúp vườn cà phê phát triển tốt, chuẩn bị cho một vụ quả mới bội thu.

Clip: Nông dân Sơn La đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác cà phê

Triển khai các mô hình canh tác cà phê thông minh

Sơn La là địa phương có diện tích cà phê Arabica lớn nhất cả nước. Để tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, các địa phương đẩy mạnh tập huấn, tư vấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại, giúp cây cà phê phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hội Nông dân tỉnh Sơn La phối hợp với Công ty cổ phần Bình Điền – Ninh Bình triển khai thực hiện "mô hình canh tác cà phê thông minh" tại xã Hua La, thành phố Sơn La. Mô hình được triển khai tại vườn cà phê, chè 7-10 năm tuổi (sau đốn trẻ hóa) của 3 hộ gia đình với tổng diện tích gần 2ha, được thực hiện trong niên vụ 2024-2025. Mô hình được thử nghiệm theo hình thức đối chứng vườn cà phê bón phân theo tập quán nông dân và vườn cà phê sử dụng phân bón của Công ty cổ phần Bình Điền – Ninh Bình.

Nông dân Sơn La đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác cà phê - Ảnh 1.

Hội Nông dân tỉnh Sơn La phối hợp với Công ty cổ phần Bình Điền – Ninh Bình triển khai thực hiện "mô hình canh tác cà phê thông minh" tại xã Hua La, thành phố Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, bà Hờ Thị Thanh Hoa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: Khi tham gia mô hình, các hộ nông dân sẽ được hướng dẫn các kỹ thuật về canh tác cây cà phê ứng phó với biến đổi khí hậu như: Cách trồng, cắt tỉa, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây. Đặc biệt, các hộ dân sẽ được hướng dẫn sử dụng phân bón, bón cho cây cà phê theo từng giai đoạn sinh trưởng, giúp cho cây phát triển tốt.

Là một trong những địa phương có diện tích trồng cà phê lớn trên địa bàn tỉnh, thành phố Sơn La hiện có gần 5.000 ha cà phê, tập trung tại các xã Hua La, Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Ngần, phường Chiềng An và phường Chiềng Sinh. Căn cứ nhu cầu của nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố cử cán bộ trực tiếp đến các bản, hộ gia đình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ việc.

Nông dân Sơn La đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác cà phê - Ảnh 2.

Hướng dẫn hội viên nông dân canh tác cà phê ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Nguyễn Xuân Ước, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố Sơn La thông tin: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm phối hợp với các cơ quan chuyên môn; tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, cắt tỉa và phòng trừ sâu bệnh hại cho cà phê sau thu hoạch nông dân.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, chuyển giao kỹ thuật sản xuất... đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của bà con nông dân trong canh tác cà phê. Bà con đã chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng quy trình canh tác an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, UTZ; sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón hữu cơ, đưa các giống cà phê mới vào sản xuất, canh tác nhằm cải thiện năng suất, chất lượng cà phê trên địa bàn.

Bên cạnh đó, hàng năm, cán bộ khuyến nông tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật miễn phí theo từng giai đoạn phát triển của vườn cây cà phê cho 5-8 hộ để xây dựng những mô hình điểm; cán bộ khuyến nông đồng hành 2-3 năm đến khi các hộ thuần thục, nắm chắc kỹ thuật chăm sóc cà phê. Sau đó, các hộ tham gia sẽ là hạt nhân nòng cốt trong việc tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến các hộ nông dân khác.

Nông dân Sơn La đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác cà phê - Ảnh 3.

Nông dân xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La chăm sóc cà phê. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Lò Văn Liêm, bản Lụa, xã Hua La, thành phố Sơn La chia sẻ: Năm nay, là năm thứ 3 gia đình áp dụng kỹ thuật cắt tỉa cành, tạo tán cho cây cà phê, với sự đồng hành của cán bộ khuyến nông, gia đình tôi áp dụng đúng, đủ kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê hiệu quả. Từ ngày được chăm sóc đúng cách, hơn 2ha cà phê phát triển khỏe, ít sâu bệnh hại, quả to đều, chín đồng thời, giúp việc thu hoạch dễ dàng, năng suất cao gấp đôi so với những năm trước.

Đến nay, Thành phố thực hiện tái canh 210 ha cà phê bằng giống mới, nhiều diện tích cà phê già cỗi được tập trung cải tạo. Trong đó, khoảng 18 ha cà phê giống THA1 đã cho thu hoạch quả, năng suất ước đạt 28 tấn quả tươi/ha, tăng 20-25% so với giống cú, quả to đều, chất lượng tốt.

Nông dân Sơn La đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác cà phê - Ảnh 5.

Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, chất lượng cà phê ngày càng được nâng cao. Ảnh: Văn Ngọc

Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác cà phê

Ông Vương Văn Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Sơn La thông tin: Sơn La không chỉ biết đến là thủ phủ của cây ăn quả, sơn là còn được biết đến là mảnh đất có diện tích cà phê chè lợn của cả nước. Có mặt tại mảnh đất từ những năm 1945, cây cà phê Arabica đã trở thành cây trồng chủ lực ở Sơn La. Với diện tích trồng lớn khoảng trên 17.000 ha.

Nông dân Sơn La đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác cà phê - Ảnh 6.

Hội Nông dân tỉnh Sơn La mở lớp tập huấn hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác cà phê. Ảnh: Văn Ngọc

Cà phê được trồng tập trung tại các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu và Thành phố Sơn La (Sơn La) với sản lượng hàng năm ước đạt 35.000 - 40.000 tấn, đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Nhờ cây cà phê mà cuộc sống của người dân vùng cao ấm no, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Trong niên vụ tới, để cà phê đạt năng suất cao nhất, Hiệp hội Cà phê Sơn La đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn, tập chung hướng dẫn bà con nông dân cách chăm sóc cà phê sau thu hái như, cắt tỉa, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại.

Nông dân Sơn La đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác cà phê - Ảnh 7.

Sơn La một trong những tỉnh có diện tích cà phê lớn. Ảnh: Văn Ngọc

Với đặc điểm của cây cà phê, sau mỗi vụ thu hoạch phải cắt tỉa cành, tưới nước và bón phân đúng thời điểm để cây đạt năng suất cao. Do đó, người dân cần tăng lượng phân bón giúp cây đủ sức nuôi cành và quả. Để đảm bảo nguồn nước tưới trong điều kiện biến đổi khí hậu, người dân cần áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, tưới nước hợp lý nhằm tránh thiếu nước cuối vụ.

Văn Ngọc