dd/mm/yyyy

Lai Châu: Hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng nông thôn mới

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, hội viên, nông dân tỉnh Lai Châu đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Về các xã, bản của tỉnh Lai Châu, không khó để nhận ra sự thay đổi rõ rệt cả về diện mạo và đời sống của bà con nông dân trên địa bàn. Nói như ông Dương Đình Đức – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, thì có được sự thay đổi đó là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, trong đó có sự nỗ lực rất lớn của các cấp hội và hội viên, nông dân trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, các Nghị quyết, chương trình, đề án chính sách của Trung ương, của tỉnh Lai Châu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành đồng bộ, đã tạo động lực thúc đẩy tam nông trên địa bàn tỉnh phát triển vượt bậc. Diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên của tỉnh có nhiều đổi thay rõ nét. Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Lai Châu trong những năm gần đây, đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Lai Châu: Hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Nhiều hộ dân ở Lai Châu có thu nhập khá nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố trong tỉnh đã phối hợp chẽ với các cấp Hội Nông dân trên địa bàn hỗ trợ nông dân về giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn từ 2018-2023, toàn tỉnh Lai Châu đã thực hiện hỗ trợ hơn 1.200 tấn giống lúa, ngô các loại; hơn 51,4 triệu bầu chè và hơn 700 nghìn cây ăn quả các loại cho nông dân các xã, bản trên địa bàn. Toàn tỉnh triển khai thực hiện 111 mô hình, trong đó: 91 mô hình trồng trọt, với tổng diện tích 1.708ha; 3 mô hình chăn nuôi, với tổng 11.785 đầu con; 4 mô hình thủy sản, với 605 hộ tham gia, 13 mô hình lâm nghiệp với tổng diện tích 37 ha.

Lai Châu: Hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Nhiều địa phương ở Lai Châu quan tâm phát triển cây dược liệu. (Ảnh: Thanh Ngân)

Các huyện, thành phố trong tỉnh cũng đã triển khai mô hình trồng thử nghiệm khoảng 30 giống lúa mới, với quy mô 37,2 ha và 11 giống ngô mới, với quy mô 6,6 ha... Thông qua việc triển khai các mô hình đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân trong tỉnh. Nhiều hộ mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân của tỉnh Lai Châu cũng chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Theo đó, nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi hơn 2.000ha đất canh tác kém hiệu quả, sang trồng các loại cây trồng có giá trị cao hơn như: Chè, chanh  leo, xoài, nuôi trồng thủy sản.

Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung

Lai Châu: Hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nhiều hộ dân ở Lai Châu có thu nhập ổn định. (Ảnh: Thanh Ngân)

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của người dân trong tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung. Nhiều hộ dân mạnh dạn tham gia các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 đến 4 lần so với trồng lúa, ngô. Qua đó góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp bền vững.

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh còn vận động nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh đóng góp gần 997.000 ngày công, hiến trên 200 ha đất để xây dựng, sửa chữa trường học, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, chỉnh trang đô thị, lát vỉa hè, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố…

Lai Châu: Hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Nhiều hộ dân ở Lai Châu mạnh dạn đầu tư chuồng trại chăn nuôi trâu, bò quy mô lớn. (Ảnh: Thanh Ngân)

Tỉnh Lai Châu đã tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn: Vùng chè hơn 9.400ha, gần 13.000ha cao su, trên 5.000ha mắc ca, gần 4.000ha chuối...

Người dân các xã, bản trong tỉnh mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng sản xuất và đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần đảm bảo an ninh lương thực… Lĩnh vực Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng có sự chuyển đổi tích cực. Nhiều hộ dân mạnh dan chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung, theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Toàn tỉnh hiện có 206 trang trại chăn nuôi, 23 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào hoạt động thủy sản. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Lai Châu có 39/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 12.5 tiêu chí/xã.

Lai Châu: Hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh Lai Châu có nhiều đổi thay. (Ảnh: Thanh Ngân)

Nhằm tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, tỉnh Lai Châu đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như: Tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt trên 5%/năm; Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 230.000 tấn; Ổn định 3.500 ha lúa hàng hóa, trong đó có khoảng 2.000 ha lúa đặc sản; Giữ ổn định và đầu tư thâm canh diện tích chè trên 10.000 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 90.000 tấn/năm; Phát triển trên 9.800 ha cây ăn quả tập trung…

Để thực hiện đạt các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2030, Hội Nông dân Lai Châu tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích và nhân rộng cho các hộ xung quanh làm theo; Đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và công tác vận động nông dân, để nông dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới bằng các hành động cụ thể, thiết thực; Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của Trung ương, của Tỉnh; Hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tập trung nguồn lực đầu tư để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất với quy mô tập trung, hàng hóa.


Thanh Ngân