dd/mm/yyyy

Nông dân Lai Châu có thu nhập khá từ nghề nuôi ong lấy mật

Từ nghề nuôi ong lấy mật, không ít hộ dân ở Lai Châu thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm...

Phát triển nghề nuôi ong lấy mật ở Lai Châu

Đầu năm 2022, Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Mít (bản Khoang, xã Mường Mít, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) được thành lập, với 9 thành viên. Nghề nuôi ong lấy mật là một trong những hướng đi chủ đạo của hợp tác xã. Sau khi thành lập, hợp tác xã đã đầu tư xây dựng nhà xưởng kiên cố và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để sản xuất mật ong. Hợp tác xã sử dụng máy hạ thủy phần nhằm lọc sạch cặn bẩn, nhộng, sáp ong và tách nước, đảm bảo thu được sản phẩm mật ong nguyên chất.

Hợp tác xã hiện có 200 thùng ong, với 100% giống ong rừng đưa về thuần hóa. Năm 2022, hợp tác xã đã đưa ra thị trường hơn 2.000 lít mật, bán với giá 150.000 đồng/chai 350ml, tạo thu nhập ổn định cho mỗi hộ gia đình liên kết từ 50 - 60 triệu đồng/năm.

Phát triển nghề nuôi ong lấy mật, nông dân Lai Châu có thu nhập khá - Ảnh 1.

Nghề nuôi ong lấy mật phát triển mạnh ở Lai Châu trong vài năm trở lại đây. (Ảnh: Đinh Thùy)

Chị Lò Thanh Xuân - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Mít cho biết: Tuy mới thành lập, Hợp tác xã Nông nghiệp Mường Mít đã tạo dựng được thương hiệu, uy tín trên thị trường, với sản phẩm mật ong Thanh Xuân. Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ vào khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản, Hợp tác xã còn chú trọng xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm và tận dụng các nền tảng công nghệ số quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu đến người tiêu dùng.

Cuối năm 2022, sản phẩm mật ong Thanh Xuân đã được UBND tỉnh Lai Châu công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là động lực để hợp tác xã và người dân Mường Mít tiếp tục liên kết xây dựng, phát triển mật ong Thanh Xuân nhằm vươn ra thị trường.

Anh Giàng A Phình, ở bản Suối Lĩnh (xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) đến với nghề nuôi ong lấy mật từ nhiều năm nay. Anh Phình nuôi ong dưới tán rừng để lấy mật từ năm 2006. Nhận thấy nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, vài năm trở lại đây, anh Phình đã nhân đàn và duy trì trên 100 thùng ong. Mỗi năm, gia đình anh Phình thu trên dưới 100 triệu đồng từ bán mật ong ra thị trường.

Phát triển nghề nuôi ong lấy mật, nông dân Lai Châu có thu nhập khá - Ảnh 2.

Nhiều hộ dân ở Lai Châu có thu nhập khá từ nghề nuôi ong lấy mật. (Ảnh: Thanh Ngân)

Anh Phình cho hay: Vài năm trở lại đây, phong trào nuôi ong lấy mật phát triển mạnh ở xã Hố Mít. Toàn xã Hố Mít có hơn nghìn thùng ong, mỗi năm cung cung cấp ra thị trường cả nghìn lít mật. Trên địa bàn xã cũng đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Hoàng Liên, với sự tham gia của nhiều hộ nuôi ong lấy mật.

Đến nay, sản phẩm mật ong Hố Mít của Hợp tác xã đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là động lực để anh Phình và các hộ dân ở xã Hố Mít tiếp tục tận dụng lợi thế từ rừng, phát triển đàn ong theo hướng bền vững.

Lai Châu khuyến khích nuôi ong lấy mật theo hướng liên kết

Là tỉnh miền núi, nằm ở địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Lai Châu có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển nông – lâm nghiệp. Tỉnh Lai Châu hiện có hơn 487000 ha rừng, với tỷ lệ độ che phủ đạt hơn 51,5%. Những năm qua, tận dụng lợi thế với những cánh rừng xanh tốt, nhiều hộ dân ở các địa phương của tỉnh Lai Châu đã mạnh dạn phát triển nghề nuôi ong lấy mật dưới tán rừng.

Phát triển nghề nuôi ong lấy mật, nông dân Lai Châu có thu nhập khá - Ảnh 3.

Nuôi ong lấy mật là hướng phát triển kinh tế mới ở tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Đinh Thùy)

Trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh Lai Châu xác định, nuôi ong lấy mật là hướng phát triển kinh tế mới trên địa bàn. Trong Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND, ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh Lai Châu quy định chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, giai đoạn 2021-2025 cũng đề cập đến nội dung hỗ trợ nuôi ong lấy mật.

Chính sách hỗ trợ này đã tạo bước ngoặt, thúc đẩy nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn Lai Châu phát triển. Các huyện, thành phố trong tỉnh khuyến khích thành lập, thu hút hợp tác xã tham gia đầu tư, liên kết nuôi, thu mua sản phẩm mật ong.

Ông Lò Văn Hương - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Toàn huyện Than Uyên hiện có hơn 1.800 thùng ong, trong đó, có gần 800 thùng được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh. Các hợp tác xã nuôi ong trên địa bàn huyện liên kết với người dân rất tốt. Thời gian tới, huyện Than Uyên sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia liên kết nuôi ong với hợp tác xã. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị nuôi ong lấy mật dưới tán rừng cũng như có đầu ra ổn định.

Trên địa bàn huyện Tam Đường (Lai Châu) hiện nay có 2.246 đàn ong. Trong số đó, Hợp tác xã Ong Vàng, ở xã Bản Hon (Tam Đường) liên kết với người dân thực hiện 738 đàn ong tại các xã: Thèn Sin, Giang Ma, Bản Hon. Hiện, đơn vị phát triển lên 846 đàn. Ngoài ra, người dân tự nuôi khoảng 1.400 đàn.

Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Hợp tác xã Ong Vàng, ở xã Bản Hon, cho hay: Để mô hình liên kết thành công, hợp tác xã đã chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật nuôi dưỡng, tách đàn cho các thành viên và hộ dân. Với trên 840 đàn ong, mỗi năm, hợp tác xã thu hơn 1.200 lít mật, mang lại nguồn thu hơn 500 triệu đồng từ bán mật ong ra thị trường. Năm 2021, sản phẩm mật ong của hợp tác xã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Lai Châu.

 Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, giá trị kinh tế cao cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, nghề nuôi ong lấy mật ở Lai Châu đã và đang phát triển vượt bậc. Nhờ nuôi ong lấy mật bán ra thị trường, mà không ít hộ dân ở Lai Châu đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Thanh Ngân