Năm 2019, gia đình anh Vàng A Chua, bản Tìa Mùng, xã Noong U (huyện Ðiện Biên Ðông) được hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng từ Quỹ Hội Nông dân huyện để phát triển nuôi bò sinh sản. Anh Chua mua 5 con bò giống để thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản theo hướng gia trại. Hàng năm số tiền tiết kệm được anh Chua lại mua thêm bò sinh sản để tăng đàn. Ðến nay, sau 4 năm tổng đàn bò của gia đình anh đã có 15 con. Từ năm 2022, anh Chua bắt đầu xuất bán bò ra thị trường với số lượng 3 - 4 con/năm; thu nhập từ nuôi bò khoảng 45 - 50 triệu đồng/năm.
Anh Vàng A Chua cho biết: Hội Nông dân tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn và luôn đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn tôi trong quá trình nuôi bò sinh sản. Tôi nuôi tập trung, có chuồng trại; thực hiện đầy đủ các biện pháp tiêm phòng bệnh, phòng chống đói rét cho đàn gia súc. Ðể đủ lượng thức ăn cho gia súc, ngoài việc tích trữ rơm rạ, cỏ khô, tôi đã trồng thêm 1.000m2 cỏ voi trên nương. Nhờ đó, đàn bò ít bị bệnh, sinh trưởng phát triển tốt. Ðến nay, tôi duy trì ổn định 10 con bò sinh sản, số còn lại xuất bán ra thị trường tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Tương tự, ông Sùng Sái Gia, bản Phì Nhừ A, xã Phì Nhừ (huyện Ðiện Biên Ðông) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi trâu bò vỗ béo theo hướng gia trại. Ông Gia thuê 2ha nương để trồng ngô và cỏ, đồng thời chủ động tích trữ rơm sau mỗi vụ thu hoạch lúa làm thức ăn cho gia súc. Nhờ mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, bình quân mỗi năm gia đình ông Sùng Sái Gia thu nhập gần 100 triệu đồng. Theo ông Gia, mô hình chăn nuôi tập trung có chuồng trại, trâu bò ít bị bệnh, phát triển nhanh.
Hướng tới phát triển chăn nuôi đại gia súc thành lĩnh vực "mũi nhọn" trong phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện Ðiện Biên Ðông đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê. UBND huyện đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nhằm giúp người dân phát triển, mở rộng đàn vật nuôi như: Hỗ trợ con giống, làm chuồng trại, tiêm phòng, giống cỏ... Trong 5 năm qua, huyện đã triển khai được 120 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhiều dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng số gia súc hỗ trợ là hơn 3.080 con cho 3.778 hộ thụ hưởng; hỗ trợ trồng 146ha cỏ ghine. Huyện cũng thường xuyên tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thú y xã, thú y thôn bản; bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống dịch bệnh cho các hộ chăn nuôi gia súc; chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên và các phòng chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề chăn nuôi để lao động nông thôn có kiến thức áp dụng vào chăm sóc đàn gia súc của gia đình. Nhờ đó ngành chăn nuôi của huyện Ðiện Biên Ðông đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Pú Hồng là xã vùng cao, khó khăn của huyện Ðiện Biên Ðông; tỷ lệ hộ nghèo trên 60,8%. Trước đây, việc trông chờ, ỷ lại Nhà nước hỗ trợ đã ăn sâu từ trong tư tưởng đến hành động của người dân. Tuy nhiên, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động đồng thời triển khai hiệu quả các mô hình, chương trình, dự án về phát triển sản xuất, người dân đã từng bước nắm bắt khoa học kỹ thuật, chủ động hơn trong sản xuất, canh tác.
Hiện nay, xã Pú Hồng có hơn 20ha cà phê, tập trung tại 2 bản: Chả B, C. Trong đó, gần 2ha đã cho thu hoạch, tạo thu nhập ổn định cho các hộ dân.
Bà Vì Thị Doan, Chủ tịch UBND xã Pú Hồng cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương từ trồng lúa nương, ngô sang trồng cà phê hoàn toàn do người dân chủ động. Sau nhiều năm canh tác các loại cây trồng truyền thống, một số hộ dân nhận thấy đất đai đã bạc màu, năng suất, sản lượng thấp nên đã học hỏi các hộ trồng cà phê ở huyện Mường Ảng và Sông Mã (tỉnh Sơn La) về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê rồi mua giống về trồng. Hiện nay, 100% diện tích cây cà phê phát triển tốt, trong đó có gần 2ha đã cho thu hoạch. Hiện nay, có thêm nhiều hộ dân trên địa bàn chuyển đổi cây trồng trên nương sang trồng cây mắc ca và cây quế. Ðến nay, toàn xã đã có 7ha mắc ca và hơn 10ha cây quế.
Bà Vì Thị Thởi, bản Chả B cho biết: Từ năm 2018, nhận thấy canh tác lúa nương hiệu quả kinh tế thấp, tôi đã đến các xã huyện Sông Mã và ra huyện Mường Ảng để học cách trồng cây cà phê và mua giống về trồng. Ðến nay, toàn bộ diện tích gần 2ha cà phê đã cho thu hoạch. Sản phẩm cà phê bán cho các cơ sở chế biến tại huyện Mường Ảng. Năm 2023, gia đình tôi đã có thu nhập trên 70 triệu đồng từ cây cà phê.