Clip: Mô hình trồng cam của hội viên nông dân Cao Phong (Hòa Bình) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Để phong trào nông dân thi đua SXKDG đạt hiệu quả, hằng năm, Hội Nông dân huyện Cao Phong ban hành kế hoạch phát động phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững triển khai sâu rộng từ huyện đến cơ sở. Tổ chức hội nghị ký giao ước thi đua và giao chỉ tiêu thi đua giữa các cơ sở Hội; cuối năm tổ chức hội nghị biểu dương gương điển hình tiên tiến trong phong trào SXKDG đối với cá hộ đạt cấp huyện, cấp xã.
Tích cực triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật và công nghệ, dạy nghề… Giúp các hộ nông dân có thêm kiến thức nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hướng dẫn xây dựng nhiều mô hình trình diễn, mô hình kinh tế hợp tác, mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Tích cực tham gia quảng bá sản phẩm nông nghiệp tại các hội chợ, phiên chợ, đặc biệt là lễ hội cam Cao Phong để xúc tiến thương mại; triển khai đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện từ Postmart.vn, Voso.vn. Cung ứng vật tư nông nghiệp và nhiều loại thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật... giúp nông dân phát triển sản xuất.
Những mô hình nông dân SXKDG ở Cao Phong
Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện Cao Phong đã chỉ đạo các cơ sở Hội đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt hội viên, giao lưu văn nghệ, sân khấu hóa, nói chuyện chuyên đề. Tổ chức cho cán bộ, hội viên đi thăm quan học tập các mô hình điển hình để học hỏi kinh nghiệm áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh của hộ gia đình. Nhờ đó, qua bình xét, trong năm 2021, hơn 1.700 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Năm 2014, gia đình ông Nguyễn Văn Chiến ở khu 1, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong bắt đầu trồng cam lòng vàng. Đến nay, diện tích cam gia đình ông rộng 1,5 ha, trong đó, cam lòng vàng chiếm khoảng 80%. Sau nhiều năm trồng cam lòng vàng, ông Chiến luôn tự nhắc mình phải thay đổi cách thức sản xuất để làm sao trở thành địa chỉ uy tín cung cấp trái cây sạch cho du khách.
Ông Chiến, chia sẻ: Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vườn cam của gia đình tôi cho thu hoạch 14 tấn quả và thu nhập trên 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí lãi gần 200 triệu đồng. Dự kiến vụ năm nay, vườn cam lòng vàng cho thu từ 14 – 15 tấn quả, với giá đầu vụ 30.000 đồng/kg, thu hơn 400 triệu đồng.
Còn ông Đặng Văn Chính, khu 5, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong thì lại lựa chọn mô hình nuôi trâu vỗ béo. Đến nay, ông Chính đang nuôi gần 100 con trâu đực trên diện tích chuồng trại 2.000 m2. Sau khi nuôi từ 3 – 4 tháng vỗ béo, ông Chính bắt đầu xuất bán ra thị trường, trung bình nặng khoảng 5 – 6 tạ. Từ đầu năm đến nay, ông Chính đã xuất bán được 20 con trâu vào thị trường nội địa và thu về hàng trăm triệu đồng.
Ngoài ra, còn xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu có thu nhập hàng trăm triệu đồng, như: hộ bà Đặng Thị Thu, Vũ Tuấn Việt, Đặng Văn Chính thị trấn Cao Phong; hộ ông Bùi Văn Tường, xã Thạch Yên; ông Đỗ Văn Thuật xã Bình Thanh; ông Bùi Quang Bàng xã Hợp Phong…
Phong trào nông dân SXKDG góp phần đổi thay diện mạo nông thôn mới Cao Phong
Phong trào đã khuyến khích, động viên nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, thi đua làm giàu; xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn; tích cực tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thông qua phong trào nông dân SXKDG, Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân cả nước đóng góp trên 300 triệu đồng và trên 18.790 ngày công cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Trong đó, đã làm mới và sửa chữa 11,9 km đường giao thông nông thôn, cải tạo, sửa chữa 19,2 km kênh mương; hiến 14.730 m2 đất để xây dựng các công trình cộng đồng, làm đường giao thông nông thôn…
Ông Bùi Văn Đoan, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao Phong, cho biết: Từ phong trào đã góp phần khơi dậy ý chí tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn để vươn lên làm giàu trong mỗi hội viên, nông dân. Nhiều hội viên nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đưa các giống mới, đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đặc biệt, các hộ nông dân ngày càng chú trọng đầu tư phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: Cây cam, mía, thanh long ruột đỏ, trồng nhãn, ổi, na; phát triển chăn nuôi lợn rừng, nuôi trâu, bò vỗ béo...
Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên nông dân trên địa huyện.