dd/mm/yyyy

Những người trồng rừng đợi tiếng “tinh tinh”

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NNPTNT về chủ trương trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) qua tài khoản ngân hàng hoặc dịch vụ thanh toán điện tử, nhiều địa phương đã thực hiện thành công ứng dụng trả tiền DVMTR cho những người trồng rừng theo phương thức đơn giản, tiện dụng nhất.

Có tin nhắn là nhận tiền

Từ việc thí điểm thành công ứng dụng ViettelPay cho 268 hộ ban đầu, kết thúc quý I/2019, được sự hỗ trợ của Dự án Rừng và Đồng bằng (VFD) giai đoạn 3, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương (VNFF) và tỉnh Lâm Đồng, Vườn quốc gia Cát Tiên đã tiếp tục mở rộng phạm vi đối tượng chi trả DVMTR qua ứng dụng ViettelPay cho 945 hộ đồng bào nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn 05 xã: xã Quốc Oai thuộc huyện Đạ Tẻh; xã Đồng Nai Thượng, Tiên Hoàng, Gia Viễn, Phước Cát 2, thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Trong đợt thanh toán lần này, vườn đã chi trả gần 3,4 tỷ đồng; bình quân mỗi hộ nhận được hơn 3,5 triệu đồng.

Người dân làm thủ tục đăng ký tài khoản, nhận tiền DVMTR tại Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Người dân làm thủ tục đăng ký tài khoản, nhận tiền DVMTR tại Vườn Quốc gia Cát Tiên.

“Với việc ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử không dùng tiền mặt đã góp phần đẩy nhanh tiến độ chi trả DVMTR, tiết kiệm chi phí giao dịch, tăng cường tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi và giúp cho bà con vùng sâu, vùng xa nhanh chóng tiếp cận công nghệ, nâng cao trình độ, ứng dụng thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số, góp phần bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Cát Tiên” – ông Phạm Hồng Lượng, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên cho biết.

Được biết, trong quý IV/2018, 268 hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được Vườn Quốc gia Cát Tiên trả tiền DVMTR với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng thông qua ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử ViettelPay.

Tổng số tiền thu từ DVMTR từ năm 2011 - 2017 là 8.005,179 tỷ đồng. Mức thu trung bình từ 1.200 - 1.300 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2015 - 2016 và đạt 1.709 tỷ đồng năm 2017. Năm 2018 cả nước thu được 2.557 tỷ đồng tiền DVMTR.

Ông Phạm Hồng Lượng cho biết, trước đây, việc chi trả tiền DVMTR đến từng hộ gia đình, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng bằng tiền mặt nên mất rất nhiều thời gian, công sức, tốn kém chi phí; đó là chưa kể quá trình thực hiện tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó đảm bảo sự công khai, minh bạch. Từ khi triển khai dịch vụ trả tiền qua tài khoản ngân hàng và dịch vụ thanh toán điện tử, mọi việc đã trở nên dễ dàng.

Không chỉ ở Lâm Đồng, hiện nay, nhiều địa phương cũng đang áp dụng dịch vụ thanh toán điện tử để trả tiền DVMTR cho người dân. Đơn cử như tại Yên Bái, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái đã phối hợp với chi nhánh Viettel Yên Bái lựa chọn, tiến hành tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân tham gia mở tài khoản Viettel Pay tại 02 xã Hòa Cuông và Hưng Khánh (Trấn Yên) để chi trả tiền DVMTR năm 2018, tổng số 476 tài khoản đã được mở.

Trong tháng 5/2019, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phối hợp với Chi nhánh Viettel Yên Bái tiến hành hướng dẫn các chủ tài khoản thực hiện giao dịch thanh toán điện tử, rút tiền DVMTR thông qua ứng dụng Viettel Pay với tổng số tiền DVMTR năm 2018 chi trả trên 216 triệu đồng.

Thủ tục đơn giản, nhanh gọn

Theo ông Phạm Hồng Lượng, việc đăng ký dịch vụ thanh toán điện tử cực kỳ đơn giản và dễ làm, thậm chí không cần đến điện thoại smart phone cũng có thể sử dụng được. Theo đó, chủ rừng chỉ cần tạo tài khoản thông qua số điện thoại (với các nhà mạng khác cần smartphone, còn mạng Viettel có thể sử dụng điện thoại thông thường) để nhận tiền.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng khiến người dân yên tâm gắn bó với rừng.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng khiến người dân yên tâm gắn bó với rừng.

Khi tạo tài khoản cá nhân, chủ rừng cần mang theo điện thoại, chứng minh thư và Quyết định giao đất, giao rừng của chủ rừng. Còn chủ rừng là cộng đồng,khi tạo tài khoản phải có từ 3 - 6 người trong Biên bản bầu Ban quản lý rừng cộng đồng đi mở tài khoản, khi mở cần mang theo điện thoại, chứng minh thư của mỗi người và Quyết định giao đất, giao rừng của cộng đồng.

Khi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chuyển tiền đến tài khoản, chủ rừng sẽ lập tức nhận được tin nhắn thông báo số tiền đã nhận được. Nếu muốn rút tiền mặt, chủ rừng có thể đến đại lý ủy quyền của Viettel nơi gần nhất để làm thủ tục lấy tiền; còn không có thể sử dụng để thanh toán trực tuyến, chuyển khoản mà không cần dùng tiền mặt.

Nhận thấy lợi ích của việc chi trả tiền DVMTR qua ứng dụng điện tử, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng ở một số địa phương mở tài khoản qua ứng dụng thanh toán điện tử ViettelPay. Tính đến hết ngày 31/5/2019, ViettelPay đã hướng dẫn người dân mở được 31 tài khoản ViettelPay tại Điện Biên Đông, 74 tài khoản ViettelPay tại Mường Ảng.

Là một trong những người được nhận tiền DVMTR qua tài khoản, ông Phạm Văn Cảnh ở xã Hòa Cuông (Trấn Yên, Yên Bái) cho biết: “Lần đầu tiên nghe tiếng tinh tinh nhận tiền, tôi thấy rất vui. Số tiền này tôi sẽ dùng để chăm sóc rừng. Cơ chế chi trả đơn giản, minh bạch chính là động lực để chúng tôi tiếp tục gắn bó với rừng”.

Ông Phạm Hồng Lượng cho biết, từ những phản hồi tích cực từ phía các chủ rừng, Vườn Quốc gia Cát Tiên sẽ tiếp tục mở rộng ứng dụng dịch vụ thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc nhận tiền, thúc đẩy họ chăm sóc, gắn bó với rừng.

Bài, ảnh: Khánh Nguyên