Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Sơn La là tỉnh miền núi biên giới thuộc khu vực Tây Bắc, có diện tích tự nhiên 14.055 km2, có 12 dân tộc sinh sống tại 188 xã thuộc 11 huyện, thành phố. Sơn La bắt tay vào xây dựng NTM từ năm 2010. Xác định đây là một chương trình lớn, trọng điểm, tác động trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Ngay từ những năm đầu tiên triển khai chương trình xây dựng NTM, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo, thành lập Ban Chỉ đạo và giúp việc từ cấp tỉnh đến huyện, xã, rút kinh nghiệm bổ sung hoàn thiện qua các năm. Từ năm 2010 đến nay đã tổ chức thành lập, rút kinh nghiệm và kiện toàn 5 lần qua 2 giai đoạn: Giai đoạn I (2010-2015); giai đoạn II (2016-2020). Qua các lần kiện toàn, bổ sung, hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM các cấp được triển khai bài bản, có quy chế, hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò của người đứng đầu. Kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành và các Ban chỉ đạo các huyện, thành phố, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện.
Với mục tiêu, xây dựng NTM là để nâng cao vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về xây dựng NTM, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện chương trình. Đặc biệt sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của tỉnh ủy và HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cấp, các ngành, các huyện, thành phố trong công tác triển khai thực hiện chương trình, đã góp phần tạo nên sự đột phá trong xây dựng NTM của tỉnh. Nổi bật lên là công tác xây dựng hệ thống văn bản quản lý, điều hành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở cơ bản được hoàn thành. Các nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai được tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, phấn đấu hoàn thành mục tiêu của từng chương trình. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường và kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh, ngăn ngừa những sai phạm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Hưởng ứng khẩu hiệu "cả nước chung sức xây dựng NTM", tỉnh Sơn La đã phát động phong trào "Sơn La chung sức xây dựng NTM", trở thành phong có sức lan tỏa sâu rộng và được nhân dân đồng tỉnh hưởng ứng tham gia góp công, góp sức, hiến hàng ngàn mét vuông đất, cây cối, hoa màu, đóng góp tiền của để mở đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, trường học... Công tác phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được chú trọng, nhiều công trình đường giao thông, trường học, điện, thủy lợi, nhà văn hóa, trụ sở xã….của các xã, bản vùng nông thôn được đầu tư xây dựng, kiên cố từ nhiều nguồn vốn, chương trình, như: Chương trình di dân tái định cư; chương trình giảm nghèo; các chính sách dân tộc 135, 1776, 102…
Khởi sắc nông thôn mới
Các xã đạt chuẩn NTM đã có cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại, sạch đẹp hơn so với các xã khác. Riêng chương trình NTM đã đóng góp 2 nguồn đầu tư trực tiếp, trong đó nguồn ngân sách tỉnh, huyện chủ yếu đầu tư cho thực hiện giao thông nội tổ bản, tiểu khu, còn ngân sách Trung ương đóng góp trực tiếp 1.579 tỷ đồng cho đầu tư 2.099 công trình. Trong đó, chủ yếu tập trung đầu tư tại các xã, bản vùng III, vùng đặc biệt khó khăn theo các quyết định phân bổ nguồn vốn của Chính phủ. Nhiều công trình, dự án không chỉ dừng lại ở khâu đạt chuẩn theo chỉ tiêu/tiêu chí mà còn phát huy hiệu quả trong sản xuất và phục vụ sinh hoạt của người dân nông thôn, như: Các công trình nước sinh hoạt, điện, thủy lợi, khám chữa bệnh, thông tin liên lạc…, nhất là các công trình giao thông nông thôn trọng điểm, liên vùng đã kết nối giao thương về kinh tế, văn hóa quan trọng cho người dân nông thôn.
Trong sản xuất phát triển kinh tế nông nghiệp, tỉnh Sơn La đã thành công trong công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM là tiền đề quan trọng giúp Sơn La có những hình thức phát triển kinh tế khu vực nông thôn miền núi phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay. Trong đó, công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM mới có quan hệ mật thiết với nhau, bởi xây dựng NTM chỉ thành công khi tái cơ cấu sản xuất thành công.
Điểm sáng của tỉnh Sơn La trong khu vực miền núi phía Bắc là đã thành công trong công tác đổi mới, sắp xếp và phát triển các HTX. Tính đến nay, toàn tỉnh Sơn La đã có 600 HTX, 4 liên hiệp HTX (gồm 498 HTX nông nghiệp; 102 HTX phi nông nghiệp), trong đó có nhiều HTX nông nghiệp điển hình, được Bộ Nông nghiệp và PTNT coi là điểm mẫu như HTX rau an toàn tự nhiên, HTX nông nghiệp dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 huyện Mộc Châu... Bên cạnh đó, tích cực mời gọi, thu hút các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sơn La. Khai thác tiềm năng thế mạnh từng địa phương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Kết hợp với đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm hướng tới xuất khẩu tới nhiều thị trường trong và ngoài nước.
Trong 10 năm thực hiện chương trình, đã làm thay đổi cơ bản diện mạo NTM của tỉnh. Tỉnh Sơn La đã huy động được trên 25.260 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM. Đã thực hiện xây dựng được 8.203 tuyến đường, tổng chiều dài 2.545 km, với tổng kinh phí đầu tư là 2.882 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1.155 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1.551 tỷ đồng. Đầu tư được thêm 55 xã có đường ô tô đi được 4 mùa. Theo đó, tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh sẽ có 41 xã đạt chuẩn NTM và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; có 75 xã hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn, đạt 39.8%; 184 xã hoàn thành tiêu chí Thủy lợi, đạt 97.8%; 174 xã hoàn thành tiêu chí điện, đạt 92.5%; 90 xã hoàn thành tiêu chí trường học, đạt 47.8%; 71 xã hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, đạt 37.7%; 150 xã hoàn thành tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, đạt 79.7%; 165 xã hoàn thành tiêu chí Thông tin và Truyền thông, đạt 87.7%; 80 xã hoàn thành tiêu chí về nhà ở dân cư, đạt 42.5%; 41 xã đạt tiêu chí thu nhập, đạt 41.8%; 46 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, đạt 24.4%; 188 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, đạt 100%...
Tinh thần tự lực của các xã đạt chuẩn NTM được nâng lên rõ rệt, khơi dậy tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương về thế và lực đã tạo động lực phấn đấu cho các địa phương khác, cũng như tạo sức lan tỏa ra các xã. Điều này thể hiện NTM hoàn toàn có thể thành công trên diện rộng ở vùng khó khăn, chứ không chỉ tập trung vào một hay vài xã có điều kiện ưu đãi hơn. Bằng nhiều cách làm sáng tạo, huy động sự tham gia của người dân và nguồn lực xã hội, đã góp phần thay làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tỉnh Sơn La.