dd/mm/yyyy

Nhãn Sông Mã cho doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng

Bí thư Huyện uỷ Sông Mã Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nhãn Sông Mã niên vụ năm 2022 cho doanh thu khoảng 1.150 tỷ đồng.


Clip: Người dân Sông Mã thu hoạch nhãn.

Nhãn Sông Mã cho doanh thu đạt trên 1.100 tỷ đồng

Năm 2022, huyện Sông Mã có 7.480 ha nhãn, sản lượng quả ước đạt khoảng 70.000 tấn quả. Để giúp các hợp tác xã và nhân dân tiêu thụ quả nhãn, huyện Sông Mã xác định công tác xúc tiến, quảng bá, kết nối, chế biến và tiêu thụ quả nhãn là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó xuất khẩu là khâu đột phá.

Mới đây, phát biểu ở Hội thảo khoa học "Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới" tại tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Sông Mã thông tin: Niên vụ nhãn năm 2022, huyện Sông Mã đã xuất bán được 930 tấn quả tươi, 2.053 tấn long nhãn (tương đương 23.000 tấn quả tươi). Doanh thu từ quả nhãn Sông Mã năm nay đạt 1.150 tỷ đồng.

Nhãn Sông Mã cho doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Năm 2022, huyện Sông Mã có 7.480 ha nhãn, sản lượng ước đạt khoảng 70.000 tấn quả. Ảnh: Ngọc Linh.

Theo Bí thư Huyện uỷ Sông Mã, trong quá trình tổ chức thực hiện việc xuất khẩu nhãn, huyện Sông Mã cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, trên địa bàn huyện Sông Mã hiện nay có một số hợp tác xã và doanh nghiệp đang sản xuất đi theo kinh nghiệm truyền thống là chủ yếu. Họ chưa ứng dụng và chưa tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP.

Do vậy, sản phẩm cũng chưa đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc dẫn đến việc chưa đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu.

Nhãn Sông Mã cho doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Người dân Sông Mã thu hoạch nhãn. Ảnh: Tuệ Linh.

Thứ hai, liên kết sản xuất theo chuỗi còn ít, nhà nhập khẩu chưa nhiều. Hiện nay chủ yếu do các thương lái, các doanh nghiệp thu mua, bao tiêu quả nhãn sau thu hoạch.

Thứ ba, hiện nay, đa số các hợp tác xã và các hộ dân chưa ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số trong thâm canh sản xuất và chế biến, tiêu thụ quả nhãn.

Thứ 4, diện tích được cấp mã số vùng trồng còn ít. Hiện, Sông Mã mới có 1/13 diện tích (570 ha) được cấp. Bởi, theo quy định được cấp mã số vùng trồng thì diện tích sản xuất phải liền vùng liền khoảnh từ 10 ha trở lên. Trong khi đó, Sông Mã là  huyện miền núi nên số diện tích liền vùng, liền khoảnh đảm bảo quy định được cấp mã số vùng trồng rất khó khăn.

Nhiều giải pháp giúp nhãn Sông Mã vươn xa

Bí thư Huyện uỷ Sông Mã cho biết: Trong thời gian tới, để nhãn Sông Mã tiếp tục vươn xa và phát triển mạnh mẽ, Sông Mã đang thực hiện một số giải pháp, đó là:

Nhãn Sông Mã cho doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng - Ảnh 4.

Cắt băng khởi hành lô nhãn Sông Mã xuất khẩu sang thị trường EU, Vương Quốc Anh và Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Linh.

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các hợp tác xã, các hộ dân trồng nhãn sản xuất theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, hướng hữu cơ. Có như vậy mới đảm bảo được tiêu chuẩn và truy xuất nguồn gốc.

Thứ hai, tập trung thâm canh diện tích nhãn hiện có theo hướng rải vụ và cải tạo giống. Hiện nay, Sông Mã đang đưa một số giống nhãn mới vào canh tác và xuất khẩu là nhãn Ánh Vàng, nhãn T6…

Giống nhãn Miền trước đây thời gian bảo quản rất ngắn. Do vậy, huyện đang từng bước chuyển sang giống nhãn Ánh Vàng. Hiện đang thực hiện khoảng 500 ha. Giống nhãn này cho chất lượng quả tốt, vỏ dày, thời gian bảo quản lâu trên 6 tháng.

Thứ ba, mở rộng thêm diện tích được cấp mã số vùng trồng. Đến nay, Sông Mã được cấp 46 mã số vùng trồng với tổng diện tích 570 ha.

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số. Thời gian vừa qua, huyện Sông Mã đang phối hợp với một số Công ty để làm cho 7 hợp tác xã. Trong năm 2023, Sông Mã phấn đấu 46 mã vùng trồng đều ứng dụng công nghệ chuyển đổi số.

Thứ năm, làm việc với các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu để thống nhất, tránh tình trạng khi nhãn sắp cho thu hoạch mới triển khai ký kết thì rất khó. Do vậy, ngay từ khâu đầu, phải liên kết sản xuất theo chuỗi đối với các nhà nhập khẩu.

Hiện, huyện Sông Mã đang kết nối với các doanh nghiệp để liên kết sản xuất với người dân.

Thứ sáu, đẩy mạnh chế biến sản phẩm. Riêng Sông Mã tập trung vào chế biến sẵn quả long nhãn. Được sự quan tâm của tỉnh Sơn La, đến nay, Sông Mã đã có 2 làng nghề long nhãn. Bên cạnh đó là hỗ trợ kho lạnh cho hợp tác xã và người dân để bảo quản quả nhãn. Hiện, đã hỗ trợ được 5 kho lạnh, mỗi kho trên 500 tấn…

Tuệ Linh