dd/mm/yyyy

Nguồn lợi để người dân Lai Châu bảo vệ rừng

Chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng giúp người dân ở huyện biên giới Nậm Nhùn, Lai Châu có điều kiện phát triển kinh tế, bảo vệ rừng...

DVMTR đóng vai trò lớn trong công tác bảo vệ rừng

Chia sẻ với phóng viên báo Nông thôn ngày nay / Dân Việt / Trangtraiviet điện tử, ông Nguyễn Văn Hồng - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) cho biết: Gắn quyền lợi của người dân thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, kết hợp phát triển kinh tế dưới tán rừng, không chỉ mang lại nguồn lợi cho người dân mà còn góp phần thiết thực trong công tác bảo vệ rừng.

Chính sách chi trả DVMTR được triển khai thực hiện tốt, tiền DVMTR được chi trả đến với các hộ dân đảm bảo đúng, đủ, kịp thời đã góp phần không nhỏ giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Qua đó nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, PCCCR và tích cực tham gia trồng rừng.

Nguồn lợi để người dân Lai Châu bảo vệ rừng - Ảnh 1.

Chính sách chi trả DVMTR được triển khai thực hiện tốt, tiền DVMTR được chi trả đến với các hộ dân đảm bảo đúng, đủ, kịp thời đã góp phần không nhỏ giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế. Ảnh Bảo Anh

Hua Bum là xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nguồn lợi từ chính sách chi trả DVMTR là khoản thu nhập đáng kể giúp người dân có thêm vốn để đầu tư phát triển kinh tế, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất và cuộc sống.

Xã biên giới Hua Bum (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) được giao khoán quản lý, bảo vệ hơn 2.600ha rừng, đến thời điểm này hơn 11 tỷ đồng đã được chi trả cho người dân trên địa bàn.

Cũng như các hộ gia đình trong bản, nguồn lợi từ chính sách chi trả DVMTR hàng năm đã giúp gia đình ông Phùng Xò Hừ. bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) có thêm vốn để đầu tư phát triển kinh tế.

Nguồn lợi để người dân Lai Châu bảo vệ rừng - Ảnh 2.

Từ tiền chi trả DVMTR hàng năm nhiều hộ dân ở xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) có đủ điều kiện phát triển các mô hình kinh tế mới, qua đó từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Ảnh Bảo Anh

Không dấu nổi niềm vui, ông Hừ cho biết: Nhờ số tiền chi trả DVMTR hàng năm, gia đình tôi đã có điều kiện mua sắm được nhiều đồ dùng trong gia đình, máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và lo cho các con đi học.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hồng - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nậm Nhùn cho biết: Nguồn lợi kinh tế đem lại hàng năm từ chính sách chi trả DVMTR đã góp phần làm thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm của người dân trên địa bàn xã Hua Bum trong công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao khoán.

"Mỗi gia đình, cộng đồng đều nêu cao ý thức giữ rừng để hưởng lợi từ rừng. Nhờ vậy, thời gian qua, những cánh rừng trên địa bàn xã Hua Bum luôn phát triển xanh tốt", ông Hồng cho biết.

Nguồn lợi để người dân phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng

Với tổng diện tích tự nhiên 26.463,7ha (diện tích có rừng là 16.395,94ha), không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn cho người dân từ chính sách chi trả DVMTR mà còn là lợi thế để người dân xã Hua Bum phát triển trồng cây dược liệu (cây thảo quả) dưới tán rừng để phát triển kinh tế.

Nguồn lợi để người dân Lai Châu bảo vệ rừng - Ảnh 3.

Thảo quả được người dân xã Hua Bum đưa vào trồng, chăm sóc và bám rễ trên những cánh rừng từ rất lâu. Đây là loài cây trồng dễ sống, phù hợp với trình độ canh tác, mang lại giá trị kinh tế, góp phần tích cực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh Bảo Anh

Hiện, trên địa bàn xã Hua Bum có trên 80ha thảo quả, trung bình ước sản lượng đạt thu hoạch hơn 15 tấn quả khô/năm, với giá bán bình quân từ 110 - 130 nghìn đồng/kg, mang nguồn thu khoảng 1,5 tỷ đồng cho cho các hộ trồng.

Nhờ trồng thảo quả mà nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu như: Phùng Hừ Giá, Phùng Ché Lòng (bản Chang Chảo Pá); Lò A Lơi ở bản Pa Cheo; anh Lò A Tiêm (bản Pa Cheo); Lò A Cấu, Lò A Sơn (bản Pa Mu)… thu về từ 15-30 triệu đồng/vụ thu hoạch.

Với đặc tính sinh trưởng và phát triển tốt dưới tán rừng, đặc biệt là dưới những cánh rừng nguyên sinh có độ ẩm cao. Quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch, việc người dân thường xuyên phát dọn thực bì, kiểm tra quá trình sinh trưởng đã góp phần tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng.

Nguồn lợi để người dân Lai Châu bảo vệ rừng - Ảnh 4.

Gắn quyền lợi của người dân với chính sách chi trả DVMTR góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh Bảo Anh

Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Phạm Khắc Đạm, Chủ tịch UBND xã Hua Bum cho biết: Nguồn lợi kinh tế đem lại hàng năm từ chính sách chi trả DVMTR đã nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng của người dân. Kịp thời phát hiện, thông báo tới chính quyền và lực lượng chức năng khi phát hiện các hành vi xâm hại và phòng, chống cháy rừng.

Việc gắn quyền lợi của người dân với chính sách chi trả DVMTR, phát triển kinh tế dưới tán rừng đã đem lại lợi ích kép vừa góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Qua đó vừa mang nguồn hiệu quả kinh tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa mức thu nhập bình quân đầu người của xã lên 28,5 triệu đồng/năm.

Bảo Anh