Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 1.

Clip: Homestay Hương Rừng của ông Lò Văn Pháng (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La).

Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 2.

Nguyên là Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, nay đã về hưu, ông Pháng nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch nơi “miền quê cổ tích” này. Ông mạnh dạn vay mượn, đầu tư xây dựng homestay với tên gọi Hương Rừng. Chia sẻ với chúng tôi về duyên cớ của tên gọi Hương Rừng, ông Pháng cười: Có chữ “Rừng” vì quanh homestay mình toàn là rừng, rừng ở đây đã có từ bao đời. Còn “Hương” là hương hoa. Mình ghép lại thấy cái tên Hương Rừng cũng hay, ấm áp và gần gũi với quê hương, gia đình nên dùng luôn làm tên gọi cho homestay của gia đình.

Ông Pháng bảo: Nằm ở độ cao trung bình 1.800m so với mực nước biển, xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) còn được biết đến với tên gọi "miền quê cổ tích". Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan kỳ vĩ, khí hậu ôn hoà, có suối khoáng nóng tự nhiên chảy quanh năm. Những ngôi nhà sàn lợp gỗ pơ mu hàng trăm năm tuổi, Cứ mỗi độ Xuân về, ở vựa hoa sơn tra lớn nhất Việt Nam này lại được phủ bởi màu trắng muốt tinh khôi của bạt ngàn những bông hoa sơn tra đang thì nở rộ. Khi mùa thu đến, hương quả sơn tra chín đỏ quện mùi lúa chín vàng rộm trên khắp những cánh đồng, thửa ruộng bậc thang, mùi cốm thơm phảng phất khắp các bản làng của người Mông, Thái, La Ha… 

Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 3.
Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 4.
Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 5.
Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 6.

Vẻ đẹp bình yên của "miền quê cổ tích" Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La). Ảnh: Kiều Tâm. 

Vẻ đẹp nên thơ cùng nét văn hoá độc đáo của người dân Ngọc Chiến đã thu hút đông đảo du khách đến với “miền quê cổ tích” để thăm quan, trải nghiệm.

Nằm bên sườn núi cao thoai thoải, homestay Hương Rừng của ông Pháng có thế tựa sơn, tầm nhìn thoáng đãng, được bố trí thành những khu riêng biệt, rộng rãi, bốn mùa cỏ cây xanh mướt, hoa nở rực rỡ, rộn ràng bước chân du khách gần xa. Để Hương Rừng phát triển như hiện tại, ông Pháng cùng gia đình đã trải qua những tháng ngày gây dựng vất vả. 

Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 7.

Ông Pháng nhớ lại: Hồi gia đình tôi “bắt tay” vào làm du lịch, trong xã mới chỉ có 5 - 6 hộ được chọn để thí điểm làm homestay theo dự án của Nhà nước. Khi đó, tôi dành thời gian đến các điểm du lịch ở nhiều địa phương, như: Đà Bắc (Hòa Bình), Trạm Tấu (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai)…, là những nơi có điểm tương đồng về phát triển du lịch cộng đồng để học hỏi, tham khảo mô hình.

Bước đầu, gia đình tôi xây 2 nhà nghỉ cộng đồng. Vật liệu để xây homestay phải mua từ nơi xa. Xi măng, cát, gỗ vận chuyển vào bản, lên sườn núi như này giá cao gấp đôi so với khi mua ở ngoài thị trấn.

Lúc mới xây dựng, nhiều khách chưa biết đến homestay Hương Rừng, ông Pháng lại tự mày mò, học hỏi cách quảng bá thương hiệu du lịch. Thấy nhiều homestay làm video, hình ảnh đẹp, ông cũng học theo, xây dựng kênh trên nền tảng xã hội, đầu tư quay video bằng flycam, đăng tải các hình ảnh của homestay để giới thiệu với khách thập phương.

Khi lượng khách đến homestay tăng, ông Pháng tiếp tục “cơi nới” và dựng thêm 2 nhà sàn, 4 nhà bungalow và mở rộng không gian vườn tược.

Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 8.
Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 9.
Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 10.
Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 11.

Không gian homestay Hương Rừng của gia đình ông Pháng ở Ngọc Chiến, Mường La, Sơn La. Ảnh: Kiều Tâm.

Để tạo nên “chất riêng” cho Hương Rừng, ông Pháng làm homestay từ gỗ pơ mu - loại gỗ quý có mùi thơm, vân gỗ đẹp và có khả năng chống mối mọt tốt. Ông mua gom gỗ từ các nhà cổ, nhà có điều kiện chuyển sang ở nhà đất, đem về tu sửa, trang trí lại. Tường bao quanh homestay được dựng bằng đá suối, mang vẻ đẹp đặc trưng của “miền quê cổ tích” Ngọc Chiến.

Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 12.

“Khi mới lập homestay, tôi đã bỏ rất nhiều công sức đi tìm, gom những viên đá lớn, nhỏ mang vể xây dựng nên homestay này. Việc lựa gỗ, xẻ đá và vận chuyển vật liệu lên đây mất nhiều thời gian, rất vất vả nhưng với tôi, thành lập homestay ở khu vực vùng cao này là cả một khát vọng nên tôi quyết tâm để thực hiện và được gia đình ủng hộ”, ông Pháng bộc bạch.

Từ những nỗ lực bền bỉ, homestay Hương Rừng của gia đình ông Pháng hiện có 15 phòng, chứa được khoảng 70 du khách. Homestay có đầy đủ phòng khép kín, phòng cộng đồng, nhà bungalow, phù hợp với nhu cầu của nhiều nhóm khách. Giá cả các phòng luôn ổn định, cả trong dịp lễ, tết, với mức: 300.000 đồng/phòng khép kín, 100.000 đồng/người phòng ngủ cộng đồng; phòng có tầm view đẹp (bungalow) là 500.000 đồng/phòng.

Chị Minh Ngọc, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Tôi đến Ngọc Chiến lần này là lần thứ hai sau Lễ hội mừng cơm mới tháng 9/2023. Đến Ngọc Chiến, được hoà mình vào thiên nhiên hoang sơ đẹp đến nao lòng, được tiếp xúc với những người dân chất phác, thân thiện; được thưởng thức ẩm thực độc đáo và nghỉ ngơi tại homestay cộng đồng trải nghiệm cuộc sống nơi vùng cao thôn dã. Homestay Hương Rừng rất đẹp, sạch sẽ, không gian thoáng đãng, chế biến món ăn rất ngon đã mang lại cho tôi những trải nghiệm thú vị.

Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 13.
Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 14.
Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 15.
Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 16.

Phần lớn kiến trúc, nội thất của homestay Hương Rừng được dựng từ gỗ, đá. Ảnh: Kiều Tâm.

Ngoài làm dịch vụ homestay, ông Pháng còn tận dụng diện tích đất còn lại của gia đình để trồng rau, củ, quả, trồng hoa, đào ao nuôi cá, phục vụ cho khách du lịch chụp ảnh check-in và ăn uống. Du khách đến đây được thưởng thức những món ngon được chế biến từ đặc sản địa phương như: lợn còi, gà đen, cá thơm,… và thưởng thức các đồ uống dân dã như trà cỏ ngọt, chè xanh, nước vối.

Ông Pháng cho biết: Tôi đầu tư trồng 5000m2 trồng su su bao tử, vừa phục vụ nhu cầu ăn uống tại homestay, vừa tiện cho du khách mua nông sản làm quà. Những ngày cao điểm, vườn su su của gia đình có thể cho thu hoạch 5 - 6 tạ quả. Nhiều đoàn du khách từ Hà Nội và các tỉnh thành khác yêu thích đã liên lạc đặt mua lại nhiều lần.

Từ làm dịch vụ du lịch, mỗi năm gia đình ông Pháng thu nhập khoảng 300 triệu VNĐ và còn tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho bà con hàng xóm xung quanh nhà ông Pháng.

Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 17.

Những năm gần đây, du lịch tại xã Ngọc Chiến đang ngày càng khởi sắc. Con đường vào xã được trải bê tông phẳng lì, khách tứ phương đến với Ngọc Chiến ngày một đông. Nhiều lễ hội được chính quyền địa phương tổ chức, giúp quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch đến với “miền quê cổ tích” Ngọc Chiến.

Chia sẻ về tư duy làm du lịch ở địa phương, ông Pháng bảo: Ngoài những quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thì người dân, các hộ gia đình, các bản cần đồng lòng, chung sức bảo vệ thiên nhiên, cảnh quan tươi đẹp của Ngọc Chiến. Với phương châm “sạch từ nhà ra ngõ, đẹp từ ngõ về nhà”, mỗi người dân đều có thể góp phần công sức để bảo vệ, phát triển và tạo thương hiệu du lịch riêng cho “miền quê cổ tích” Ngọc Chiến.

Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 18.

Ông Pháng (áo xanh) ngồi câu cá và chuyện trò cùng khách trong khuôn viên homestay Hương Rừng. Ảnh: Kiều Tâm.

Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 19.

Những món ăn tại homestay Hương Rừng được chế biến chủ yếu từ những nguyên liệu sẵn có trong ao, vườn do nhà chăm, trồng được. Ảnh: Kiều Tâm.

“Để tạo thêm cảnh quan cho khách check-in, trải nghiệm, tôi thử gieo trồng giống hoa lavender. Kết quả khả quan, năm nay, tôi dự tính trồng với diện tích lớn, tạo thành vườn hoa lavender để đón khách. Làm du lịch là phải chủ động học hỏi. Khách đến với homestay, tôi đều hỏi anh/chị thích hoặc thấy cái gì chưa ổn để cải thiện dần. Đi các nơi, tôi cũng xem cái gì hay, phù hợp, mình làm được để đem về áp dụng”, ông Pháng nói.

Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 20.

Cùng với đà phát triển du lịch ở địa phương, nhiều homestay mới được dựng lên ở Ngọc Chiến, nhiều gia đình đến tham khảo mô hình homestay của gia đình ông Pháng. Trong xã, ngoài xã, cứ ai muốn học làm homestay, ông Pháng đều sẵn sàng chia sẻ, chỉ dẫn, giúp đỡ.

 Ở tuổi 60, khi tóc mai đã điểm bạc, ông Pháng vẫn hồ hởi kể với chúng tôi về những dự định mới: “Quỹ đất của gia đình vẫn còn nên tôi muốn đầu tư thêm các phòng nghỉ, bungalow, trồng thêm nhiều hoa, tạo địa điểm cho khách cắm trại, nghỉ dưỡng. Tôi dự tính và cũng đã bắt đầu chuyển homestay của mình thành farmstay, vừa làm du lịch, vừa phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trồng dâu tây, cà chua, rau trái vụ”.

Người đam mê làm du lịch nơi "miền quê cổ tích"- Ảnh 21.

Những đoàn khách nối tiếp nhau đến trải nghiệm tại homestay Hương Rừng. Ảnh: Kiều Tâm.

Mặt trời đã lên đỉnh đầu, ông Pháng chào tạm biệt chúng tôi để đón đoàn khách mới từ tỉnh Hà Giang đến chơi nhân Ngày hội hoa sơn tra. Thời tiết ủng hộ, tiết trời khô ráo, mát mẻ. Hội ngày Xuân vui tấp nập, khách tứ phương đổ về, không chỉ Hương Rừng của gia đình ông Pháng mà các homestay quanh vùng cũng đông đúc, nhộn nhịp dáng người qua lại. Xuân năm nay mở đầu thuận lợi, gợi mở một năm sôi động với du lịch Ngọc Chiến - Mường La.