dd/mm/yyyy

Ngọt ngào đặc sản Quýt Chiềng Cọ

Bén rễ với mảnh đất Chiềng Cọ từ hàng chục năm trước, đến nay, giống quýt bản địa ở xã Chiềng Cọ (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) đã bước đầu khẳng định được uy tín nhờ chất lượng quả ngọt đậm, mùi thơm đặc trưng khác hẳn với các loại quýt trồng nơi khác.

Bóc trái quýt mùi thơm dịu đặc trưng mời chúng tôi, bà Tòng Thị Bó – Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Cọ, bảo: Giống quýt này được trồng ở Chiềng Cọ từ rất lâu rồi. Nhưng chỉ những cây quýt được trồng ở tiểu vùng khí hậu cận ôn đới như bản Ngoại, Muôn, Ót Nọi, Ót Luông mới cho chất lượng quả ngọt đậm, mọng và mùi thơm dịu rất riêng biệt.

Ngọt ngào đặc sản Quýt Chiềng Cọ - Ảnh 1.

Thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), việc thành lập HTX Nông nghiệp Bôm Sen là cơ hội các xã viên liên kết sản xuất vùng quýt Chiềng Cọ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm và gia tăng thu nhập cho người dân.

Theo vị lãnh đạo xã Chiềng Cọ, để bảo tồn và phát triển giống quýt đặc hữu này, xã đã vận động và giúp đỡ người dân bản Ngoại thành lập hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bôm Sen.

Dẫn chúng tôi đi tham vườn quýt của HTX, ông Tòng Văn Thành – Giám đốc HTX Nông nghiệp Bôm Sen, kể: Cây quýt bén rễ với bản Ngoại từ thời các ông, các cụ. Thời đó, mỗi hộ gia đều trồng dăm vài cây để phục vụ nhu cầu của nhà mình chứ chưa nghĩ tới việc thoát nghèo làm giàu từ cây này. Cây quýt ở bản này cho quả thơm ngon đến lạ thường, khách hàng ai ăn xong đều khen lấy khen để. Dân dà, sản phẩm quýt được nhiều người biết tới nên giá cả cũng tăng dần từ đó. Nhưng do người dân chưa được chú trọng nhiều đến quy trình chăm sóc nên năng suất, chất lượng thấp.

Ngọt ngào đặc sản Quýt Chiềng Cọ - Ảnh 2.

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng được thiên nhiên ban tặng, sản phẩm quýt bản địa Chiềng Cọ cho quả ngọt đậm, mọng nước, mùi thơm đặc trưng.

Thấy vậy, tháng 6/2019, ông Thành cùng với một số hộ dân trồng quýt đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp Bôm Sen, với mong muốn liên kết các hộ nông dân trong việc cải tạo vườn tạp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

Ông Thành cho biết: HTX luôn được cán bộ chuyên môn của tỉnh, thành phố tập huấn quy trình kỹ thuật chăm sóc cây quýt như: Bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại cây, tỉa cành, tạo tán; tham gia tập huấn Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).

Ngọt ngào đặc sản Quýt Chiềng Cọ - Ảnh 3.

Theo ông Cà Văn Danh - Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, việc đưa sản phẩm quýt bản địa Chiềng Cọ tham gia Chương trình OCOP sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

"Hiện, HTX có 9 xã viên với diện tích trồng quýt của HTX là 10 ha, trong đó khoảng 5 ha đã cho thu hoạch. Tháng 10/2019, vùng trồng quýt của HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng quýt và đưa sản phẩm quýt bản địa Chiềng Cọ tham gia OCOP để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản xuất, qua đó tăng thu nhập cho người nông dân theo hướng bền vững" – ông Thành thông tin.

Với đôi bàn tay thoăn thoát đang hái những trái quýt chín mọng cuối vụ, anh Tòng Văn Lan – xã viên HTX Nông nghiệp Bôm Sen, tâm sự: Hiện, gia đình tôi có 200 cây quýt cho thu hoạch. Mấy năm trước đây, tôi trồng cà phê, mận, mơ không quan tâm đến quýt nên sản lượng quả thu được rất thấp, mẫu mã xấu. Sau khi được cán bộ Hội Nông dân, khuyến nông tập huấn kỹ thuật tỉa cành, bón phân, sử dụng các loại thuốc nằm trong danh mục cho phép để phòng bệnh cho cây, nhờ vậy năng suất tăng lên gấp 4, 5 lần so với trước đây. Chỉ cần trồng từ 60 – 70 cây quýt nhưng cho thu nhập bằng 2 ha cây cà phê. Mỗi năm, nhà tôi thu nhập trên 100 triệu đồng từ bán quýt.

Ngọt ngào đặc sản Quýt Chiềng Cọ - Ảnh 4.

Nhờ được chăm sóc theo quy trình VietGAP, sản phẩm quýt Chiềng Cọ cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Trang Trại Việt, ông Cà Văn Danh – Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, thông tin thêm: Toàn xã có 20 ha quýt, trong đó 13 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt từ 15 – 20 tấn/ha. Với giá bán từ dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, mỗi ha thu được cả trăm triệu đồng. Với khí hậu, thổ nhưỡng được thiên nhiên ban tặng cho một số bản vùng cao của Chiềng Cọ, sản phẩm quýt bản địa Chiềng Cọ đã tạo được niềm tin với khách hàng. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với HTX Nông nghiệp Bôm Sen đưa sản phẩm tham gia OCOP để tạo dựng thương hiệu quýt bản địa Chiềng Cọ, giúp người nông dân có cơ hội làm giàu chính đáng từ sản phẩm đặc trưng của mình.

Tuệ Linh