dd/mm/yyyy

25 nhà máy hoạt động thì 17 nhà máy thua lỗ, ngành mía đường đứng trước nguy cơ xóa sổ

Đường nhập lậu hoành hành trở lại các tháng đầu năm 2022 đã bịt đầu ra cho đường trong nước, ngành mía đường lại đứng trước nguy cơ bị xóa sổ

Vấn nạn đường nhập lậu

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vừa gửi văn bản cầu cứu về tình trạng đường nhập lậu hoành hành trở lại từ đầu năm 2022 đến nay khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Điều này khiến cho vụ sản xuất 2021-2022, chỉ có 25/41 nhà máy đường hoạt động, 16 nhà máy đã buộc phải đóng cửa. Trong 25 nhà máy còn hoạt động, 17 nhà máy bị thua lỗ (chiếm gần 70%). Điều này khiến cho khoảng 3.300 người lao động đã bị mất việc làm và khoảng 100.000 hộ nông dân trồng mía phải chuyển sang cây trồng khác.

Đường nhập lậu khiến cho đường sản xuất trong nước khó tiêu thụ, lượng tồn kho, chi phí tài chính tăng đến mức doanh nghiệp phải bán dưới giá thành. Cho đến nay, vụ mía đã kết thúc nhưng rất nhiều nhà máy đang tồn kho đường không thể bán được và còn đang thiếu nợ tiền mía nguyên liệu của nông dân.

Về nguồn gốc và quy mô đường nhập lậu, Hiệp hội cho biết đến nay đã có thể khẳng định đường nhập lậu vào Việt Nam có nguồn gốc từ Thái Lan. Do bán phá giá và trợ cấp nên có giá rẻ (đã được Bộ Công Thương Việt Nam xác định và đánh thuế bổ sung đối với đường nhập khẩu chính ngạch là 47,64%– PV) được các trùm buôn lậu đưa từ Thái Lan sang Campuchia và Lào. Sau đó, đường lậu tiếp tục được đưa đến khu vực biên giới với Việt Nam và phối hợp với các đầu nậu buôn lậu Việt Nam để thâm nhập vào thị trường trong nước.

Đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, ngành mía đường cầu cứu khẩn - Ảnh 1.

Đường Thái Lan được bán tại TP HCM

Bắt đầu từ tháng 12-2021 đến nay, các hoạt động mua bán đường nhập lậu tăng đột biến tại các khu vực biên giới Tây Nam khi biên giới được nới lỏng sau khi Covid-19 được kiểm soát.

Tại các thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các thành phố lớn, mạng lưới phân phối đường nhập lậu hầu như hoạt động công khai dưới hình thức đường đóng cây 12 kg và đường đóng túi 1kg của các cơ sở sang chiết đóng gói.

Đường Thái Lan xuất hiện tràn ngập trên thị trường với giá rất rẻ do không phải đóng thuế phòng vệ thương mại 47,64% như đối với đường nhập khẩu chính ngạch.

Tuy nhiên, tất cả các vụ việc phát hiện cho đến nay chỉ được xử lý hành chính và hầu như không có tác dụng răn đe do hoạt động này đem lại lợi nhuận rất lớn.

Do đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị cần các biện pháp kiểm soát đường nhập lậu hiệu quả hơn từ biên giới cũng như kiểm soát việc tiêu thụ đường nhập lậu trong nước để tạo sự cạnh tranh công bằng.

Giải cứu mãi, rồi sao?

Một ngành sản xuất mà đối diện nghịch cảnh trên thì quả là có khả năng phá sản thật. Nếu chuyện này diễn ra thì hậu quả dây chuyền khó có thể tưởng tượng: Lụn bại một ngành sản xuất, hàng vạn người mất việc, nông dân trồng mía lao đao và mỗi năm phải chi một số tiền khổng lồ để nhập hàng triệu tấn đường nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.

25 nhà máy hoạt động thì 17 nhà máy thua lỗ, ngành mía đường đứng trước nguy cơ xóa sổ - Ảnh 2.

Đời sống của nông dân trồng mía cũng bị ảnh hưởng khá nhiều khi các nhà máy thua lỗ.

Việc phải triệt tiêu đường nhập lậu là việc chắc chắn phải làm ngay. Thế nhưng, để ngành mía đường Việt Nam phát triển một cách bền vững đủ sức cạnh tranh thì xem ra còn rất nhiều việc phải làm chứ không riêng việc chặn đường lậu.

Hãy nhớ, mía đường là một trong những ngành được Chính phủ tập trung phát triển rất sớm. Từ năm 1995, nhận thấy có nhiều lợi thế phát triển nguồn nguyên liệu, nhu cầu đường trong nước cao nên Chính phủ đã lập Chương trình 1 triệu tấn đường giai đoạn 1995 - 2000. 

Mục tiêu này đã đạt được nhưng lại bộc lộ những vấn đề mà "di chứng" còn kéo dài đến nay. Phát triển quá nóng vội nên các nhà máy phần lớn là sử dụng công nghệ cũ, công suất nhỏ; các vùng nguyên liệu phát triển tự phát, manh mún, kỹ thuật thấp nên giá thành sản xuất cao, không thể cạnh tranh nổi với đường được sản xuất từ những nước lân cận, đặc biệt là Thái Lan.

Sau nhiều năm cải cách nhưng ngành mía đường thường xuyên lâm vào cảnh thua lỗ và phải nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng. Năm 2018, Bộ NNPTNT đã phê duyệt đề án Phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng đến 2030. Trong đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2020, diện tích sản xuất mía ổn định đạt 300.000 ha, sản lượng mía đạt trên 20 triệu tấn, sản lượng đường đạt 2 triệu tấn; đến năm 2030 đạt sản lượng mía 24 triệu tấn, sản lượng đường 2,5 triệu tấn...

25 nhà máy hoạt động thì 17 nhà máy thua lỗ, ngành mía đường đứng trước nguy cơ xóa sổ - Ảnh 3.

Ngành sản xuất mía đường từ nhiều năm nay thường xuyên đối mặt với thua lỗ. Ảnh: Vietnamplus

Tuy nhiên, VSSA dẫn số liệu từ các nhà máy đường cho thấy niên vụ mía đường 2020/2021, sản lượng mía nguyên liệu tiêu thụ, đưa vào chế biến chỉ đạt 6,7 triệu tấn, sản lượng đường các nhà máy sản xuất được chỉ khoảng 900.000 tấn. Không có lãi thì giá mua mía cũng thấp và lúc này người nông dân nản lòng, bỏ cây mía để trồng thứ khác, thế là diện tích trồng mía giảm mạnh.

Không thắng nổi đối thủ thì hãy học hỏi họ, mà đối thủ trực tiếp trong câu chuyện này là mía đường Thái Lan. Mỗi năm họ dành 2-3 triệu USD chỉ để nghiên cứu giống mía và bàn giao miễn phí cho nông dân và nhà máy. Các chính sách trợ giá hàng tỉ USD và hỗ trợ lãi suất ngân hàng được ưu tiên cho nông dân và cả doanh nghiệp sản xuất... Những chính sách này phát huy hiệu quả rất cao và đánh bại hàng loạt đối thủ lớn trong ngành mía đường như Brazil, Ấn Độ... và cả Việt Nam.


D, Hùng (tổng hợp)