dd/mm/yyyy

Đồng Nai: Nhà máy mía đường "đắp chiếu", người trồng mía... bỏ cuộc

Khoảng 2 năm trở lại đây diện tích mía tại Đồng Nai ngày càng giảm, các vùng nguyên liệu mía giảm dần, không đủ sản lượng để vận hành nhà máy ép mía tại địa phương.

Diện tích mía giảm, nhà máy đắp chiếu

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, diện tích mía của tỉnh hiện chỉ còn trên 260ha, chủ yếu tập trung tại các huyện Trảng Bom, Định Quán, Vĩnh Cửu… Nguyên nhân nông dân không còn mặn mà với cây mía là do giá mía lên xuống thất thường, nông dân chuyển sang trồng bưởi, cam…

Trước đây ở Đồng Nai có 2 nhà máy đường lớn là Trị An tại huyện Vĩnh Cửu và La Ngà tại huyện Định Quán. Cũng nhờ 2 nhà máy đường mà nông dân Đồng Nai từng đua nhau trồng mía, nhiều nơi hình thành vùng nguyên liệu mía. 

Nhưng chỉ vài năm trở lại đây, đường lậu ồ ạt vào Việt Nam, giá thấp hơn đường nội từ 1.000 - 2.000 đồng/kg khiến giá mía lên xuống thất thường, có những thời điểm chỉ còn 500.000 - 600.000 đồng/tấn. Với mức giá này trừ mọi chi phí phân bón, nhân công,… nông dân chịu lỗ nặng.

Người trồng mía... bỏ cuộc - Ảnh 1.

Hiện nay tại xã Phú Lợi, Định Quán chỉ còn khoảng 50ha mía. Ảnh: N.M

Trước đây cả nước có 40 nhà máy mía đường, nhưng đến niên vụ 2019 - 2020 chỉ còn 29 nhà máy hoạt động. Trong niên vụ 2020 - 2021 có thêm 4 nhà máy tiếp tục đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu.

Vì thiếu nguyên liệu, Công ty Mía đường Trị An đã "biến mất" và nhà máy hiện đang được thanh lý theo dạng phế liệu. Còn Công ty Mía đường La Ngà đang chịu cảnh "tạm đắp chiếu".

Nông dân trồng mía bỏ cuộc

Thời điểm này, nông dân Đồng Nai vừa xuống giống vụ mía mới nhưng diện tích mía tiếp tục giảm. 

Ông Trương Hùng Dũng (ngụ xã Trung Hoà, huyện Trảng Bom) cho biết: "Từ trên 100ha mía hiện nay gia đình tôi cũng chỉ còn khoảng 40ha, số đất còn lại tôi chuyển sang trồng bưởi và thanh long. 

Khổ nhất là vụ thu hoạch cách đây gần 1 tháng, do 2 nhà máy đường ở Đồng Nai đều tạm dừng hoạt động nên tôi phải bán mía cho nhà máy đường ở Ninh Thuận. Một tấn mía bán được 1,2 triệu đồng nhưng phí vận chuyển ra đến Ninh Thuận mất 400.000 đồng. 

Với giá như vậy trừ hết chi phí nhân công, phân bón, chăm sóc,… tôi không có đồng lãi nào. Giờ chỉ mong nhà nước làm thật nghiêm, chặt đứt được nguồn đường lậu hỗ trợ các nhà máy đường trong nước để họ sản xuất ổn định, giá mía nguyên liệu cao trở lại thì may ra nông dân mới giữ lại cây mía".

Ông Trần Văn Hồng (ngụ xã Gia Canh, huyện Định Quán) bày tỏ: "Hai năm trở lại đây giá mía ở mức thấp, người trồng gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa ở khu vực chúng tôi không có hệ thống thủy lợi, hệ thống điện để phục vụ tưới tiêu dẫn đến năng suất, chất lượng mía thấp".

Ông Đậu Trọng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lợi, huyện Định Quán chia sẻ, từ năm 2001 - 2018 diện tích mía trên địa bàn xã khoảng 200ha nhưng hiện nay còn khoảng 50ha.

"Mía của địa phương năng suất bình quân đạt khoảng 50 tấn/ha và giá trung bình khoảng 1 triệu đồng/tấn. Trước đây, có Công ty mía đường La Ngà tiêu thụ nên thu nhập của nông dân cũng ổn định. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là Công ty mía đường La Ngà đã ngừng hoạt động, không thu mía nên nông dân phải tự thu hoạch và thuê xe vận chuyển mía qua địa bàn tỉnh khác để bán. Tôi mong muốn sớm có chính sách đối với cây mía để người trồng mía bớt khổ"- ông Lâm nói.



Nha Mẫn