Khó khăn chưa từng có
Cụ thể, so với kế hoạch dự kiến từ đầu vụ của các nhà máy đường là hơn 9,75 triệu tấn mía hoặc theo báo cáo từ các các địa phương là hơn 11,2 triệu tấn mía thì sản lượng mía nguyên liệu tiêu thụ, đưa vào chế biến vụ này chỉ đạt hơn 7,6 triệu tấn. Sản lượng mía thấp, dẫn đến số lượng nhà máy hoạt động chỉ còn 29 đơn vị.
Đây là thông tin được VSSA cho biết tại Hội nghị tổng kết vụ sản xuất mía đường 2019-2020 giữa tháng 10 vừa qua, các doanh nghiệp ngành mía đường vừa trải qua một niên vụ chồng chất khó khăn.
Niên vụ 2019-2020, dù giá mía nguyên liệu có tăng (khoảng từ 50.000 - 100.000 đồng/tấn so với niên vụ trước), nhưng vẫn là năm khó khăn chung của ngành mía đường. Nông dân không mặn mà với cây mía, bỏ mía không đầu tư chăm sóc hoặc chuyển đổi sang trồng cây khác dẫn đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía đều giảm so với niên vụ trước.
Theo báo cáo của các nhà máy đường dự kiến còn hoạt động trong vụ 2020-2021
Kế hoạch sản xuất là 127.446ha.
Sản lượng mía đưa vào chế biến: 7.498.060 tấn.
Năng suất mía bình quân trên diện tích thu hoạch: 61,77 tấn/ha.
Chữ đường bình quân 10,10 CCS.
Sản lượng đường sản xuất 922.989 tấn.
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), tổng hợp từ số liệu của các địa phương có nhà máy đường, tổng diện tích trồng mía vụ 2019-2020 là 182.599ha. Con số này giảm 18,4% (223.847ha) so với vụ trước.
Năng suất mía bình quân niên vụ 2019-2020 đạt 61,5 tấn/ha, giảm 1,9% so với vụ trước (62,7 tấn/ha). Điều này dẫn tới sản lượng mía vụ 2019-2020 chỉ đạt hơn 11,23 triệu tấn; giảm 20% so với vụ trước (14.042.789 tấn).
Theo VSSA, do cạnh tranh quyết liệt của các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nước ngoài, đường nhập lậu và gian lận thương mại kéo theo giá mía xuống thấp. Dù các nhà máy đường đã cố gắng kìm hãm đà tụt giảm giá mía, nhằm duy trì vùng nguyên liệu, nhưng không ngăn được tình trạng nông dân bỏ cây mía, chuyển đổi sang cây trồng khác.
Ở nhiều vùng, có rất nhiều diện tích mía gốc vụ 2019-2020 bị nông dân bỏ, không chăm sóc và thu hoạch nên sản lượng mía thu hoạch thực tế thấp hơn nhiều so với dự kiến đầu vụ. Một số vùng bị hạn hán nghiêm trọng, làm giảm cả diện tích lẫn năng suất và chất lượng mía.
Vẫn còn một số nhà máy không áp dụng đánh giá chữ đường theo quy định trong quy chuẩn để định giá mía trong mua bán với nông dân mà mua mía theo hình thức mua xô (có nơi còn mua khoán theo công đất).
Một số địa phương do thói quen sản xuất của người trồng mía, do giá nhân công cao nên trong quá trình thu hoạch người dân không làm sạch mía theo đúng quy định trong quy chuẩn mà chấp nhận trừ tỷ lệ tạp chất cao, có nơi lên tới 8-9%.
Nguy cơ thêm nhiều nhà máy đóng cửa
Một khó khăn lớn khác trong khâu tiêu thụ đường là giá đường sụt giảm năm 2020 khi Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đồng thời dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát khiến việc tiêu thụ trở nên khó khăn.
Trong 8 tháng đầu năm, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến, hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan (gần 90%).
Đường với khối lượng lớn từ đầu năm đã tràn ngập thị trường khiến nguồn cung đường dư thừa trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp dẫn đến giá đường trên thị trường duy trì ở mức thấp, thấp hơn giá thành sản xuất. Đường sản xuất từ mía hầu như không tiêu thụ được. Các nhà máy chỉ có hai sự lựa chọn.
Một là tiếp tục tồn kho đường để đối mặt với tình trạng cạn kiệt dòng tiền hoạt động. Hai là chấp nhận bán lỗ một số lượng đường để duy trì dòng tiền hoạt động. Kịch bản này đồng nghĩa việc doanh nghiệp chấp nhận đối mặt với viễn cảnh còn tồi tệ hơn là sự giảm sút doanh thu và lợi nhuận trong báo cáo tài chính; dẫn đến phản ứng tất nhiên từ các ngân hàng: thu hẹp hạn mức tín dụng, thắt chặt điều kiện giải ngân.
Ông Cao Anh Đương - quyền Chủ tịch VSSA dự báo niên vụ 2020-2021 sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
So với niên vụ 2019-2020, dự kiến sẽ có thêm 4 nhà máy đường gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong tiếp tục đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không có hiệu quả.