dd/mm/yyyy

Ngành chăn nuôi Việt Nam: Đang thua trên sân nhà?

Thời gian qua, do thua lỗ số nông hộ chăn nuôi giảm mạnh. Ngược lại nhiều doanh nghiệp nước ngoài (FDI) lại đang mở rộng chăn nuôi tại Việt Nam, có được sản lượng lợn thịt, gà thịt xuất chuồng rất lớn. Vì sao vậy?

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị “Phát triển chăn nuôi cuối năm 2022 và thúc đẩy đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị”.

Thông tin tại hội nghị cho biết, 9 tháng năm 2022, ngành chăn nuôi vẫn phát triển dù đối diện nhiều khó khăn khi giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao, một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi vẫn diễn ra tại một số địa phương.

Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, đến tháng 8/2022, tổng đàn lợn trên cả nước khoảng 28,7 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi cả nước trong 8 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,94 triệu tấn. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2022, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 350 nghìn tấn/tháng. Cùng đó, đàn gia cầm đạt khoảng 530 triệu con, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1,35 triệu tấn; sản lượng trứng gần 12,3 tỷ quả. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2022, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt trên 160 nghìn tấn/tháng và sản lượng trứng ước khoảng 1,53 tỷ quả/tháng. Đàn bò ước đạt gần 6,42 triệu con, trong đó đàn bò sữa trên 339 nghìn con. Sản lượng thịt bò hơi ước đạt 324 nghìn tấn, sản lượng sữa bò tươi ước đạt gần 786 nghìn tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngành chăn nuôi Việt Nam: Đang thua trên sân nhà? - Ảnh 1.

Một cơ sở chăn nuôi tại Đồng Nai.

Ông Chinh cũng cho biết, đầu tư FDI vào ngành nông - lâm - ngư nghiệp có những con số ấn tượng. Ngành trồng trọt có số dự án nhiều nhất với 114 dự án FDI, tiếp theo là thủy sản có 82 dự án, chăn nuôi có 81 dự án, dịch vụ nông nghiệp tổng hợp có 17 dự án, lâm nghiệp có 16 dự án...

Trong khi số nông hộ chăn nuôi giảm mạnh do thua lỗ, các doanh nghiệp FDI lại vượt lên. Đặc biệt trong ngành chế biến thịt và sản phẩm chăn nuôi, Tập đoàn De Heus đầu tư xây dựng mà máy thứ 2 tại tỉnh Tây Ninh, quy mô vốn khoảng 1.000 tỷ đồng. Công ty CP cũng đã khánh thành tổ hợp nhà máy chế biến thịt tại Bình Phước với vốn đầu tư trên 250 triệu USD có quy mô hiện đại và lớn nhất khu vực Đông Nam Á nhằm xuất khẩu thịt. Trong khi đó, Japfa công bố sẽ xây tổ hợp khép kín đầu tư hơn 200 triệu USD tại Bình Phước sau khi họ đã vững chân trong mảng thức ăn chăn nuôi và trang trại...

Được biết, Công ty CP xuất bán mỗi năm hơn 5 triệu con lợn thịt, hơn 200 triệu quả trứng và hơn 80 ngàn tấn gà thịt, chiếm 19,5% tổng sản lượng lợn thịt và 4% tổng sản lượng thịt gà của cả nước. So với tổng đàn lợn cả nước khoảng 26,17 triệu con, ước tính cứ 5 con lợn bán ra thị trường có một con lợn của CP Đáng chú ý, sản lượng thức ăn chăn nuôi của CP cũng chiếm 25% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, với 16 nhà máy.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, năm 2020-2022 là giai đoạn khó khăn đối với ngành chăn nuôi Việt Nam, nhưng cũng chính là giai đoạn “đặc biệt thăng hoa” với ngành ở lĩnh vực thu hút đầu tư FDI.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, lĩnh vực chăn nuôi nhiều năm qua thua kém lĩnh vực trồng trọt. Bằng chứng là về lúa gạo, Việt Nam hiện đã vươn lên trở thành quốc gia trong nhóm hàng đầu xuất khẩu gạo. Gạo Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới, nhất là tại châu Á và châu Phi. Tới nay, gạo Việt Nam đã chứng tỏ sức cạnh tranh tại bất cứ thị trường nào, về giá cả cũng như về chất lượng.

Về trái cây, Việt Nam cũng dần chinh phục được những thị trường khó tính Âu - Mỹ, Nhật Bản... với nhiều loại trái cây khác nhau.

Với cây công nghiệp, cao su, cà phê, hạt điều của Việt Nam đã nổi danh thế giới, sản lượng xuất khẩu ngày một nhiều.

Trong khi đó, ở lĩnh vực chăn nuôi, trừ ngành thủy sản thu được thành công lớn (đặc biệt là cá da trơn, tôm), thì chăn nuôi gia súc, gia cầm của doanh nghiệp trong nước vẫn nhiều hạn chế. Mô hình trang trại chăn nuôi từng được kỳ vọng ở một số địa phương rồi cũng không “vượt ngưỡng”. Chủ yếu vẫn là kiểu chăn nuôi nhỏ lẻ, kể cả hộ gia đình. Chính vì thế sản lượng thấp, cung cấp cho thị trường trong nước là chính, số lượng xuất khẩu ít.

Cũng vì vậy, nếu như chúng ta đã bảo đảm hoàn toàn an ninh lương thực thì về thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình (trong đó có thịt lợn, thịt gà) vẫn không chủ động. Giá thịt lợn, thịt gà lên xuống thất thường, nhiều lúc lên quá cao khiến người tiêu dùng gặp khó khăn. Nhưng ngược lại, cũng có lúc giá thịt lợn, thịt gà “rẻ như rau” làm người chăn nuôi thiệt hại nặng nề.

Trở lại vấn đề, vì sao trong bối cảnh ấy các doanh nghiệp FDI lại liên tục mở rộng sản xuất? Phải chăng chúng ta đang thua trên sân nhà ở lĩnh vực này? Những câu hỏi đặt ra không phải cho các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, mà rộng ra là định hướng chăn nuôi mang tính chiến lược mà điều đó, trách nhiệm thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đồng Nai được coi là "thủ phủ" của ngành chăn nuôi, đứng đầu cả nước. Trong đó, Cẩm Mỹ là một trong 3 địa phương chăn nuôi lớn của tỉnh Đồng Nai. Thời điểm này, các trang trại chăn nuôi đang tăng đàn, tái đàn cho vụ cuối năm. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, hiện trên địa bàn phát triển được khoảng 1,2 triệu con gia cầm; 292 nghìn con gia súc. Trong đó, chăn nuôi trang trại quy mô lớn và vừa chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên, theo đại diện các hợp tác xã chăn nuôi thì khó khăn nhất vẫn là đầu ra khi kết nối lỏng lẻo với các cơ sở thu mua, chế biến, phân phối.


Ngọc Quang