Toàn cảnh Hội nghị đánh giá kết quả triển khai các biện pháp ổn định thị trường và phát triển chăn nuôi lợn.
Nhằm nhìn lại tình hình chăn nuôi lợn trong giai đoạn khó khăn từ cuối năm 2016 đến nửa đầu năm 2017, hôm qua (29.8), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội nghị Đánh giá kết quả triển khai các biện pháp ổn định thị trường và phát triển chăn nuôi lợn.
Cục Chăn nuôi thông tin, từ đầu tháng 7.2017 trở lại đây, giá lợn bình quân trên cả nước đã nhích lên và hiện đang duy trì ổn định ở mức từ 36-38 nghìn đồng/kg. Đây chưa phải là mức giá cao nhưng đã bắt đầu giúp người chăn nuôi hòa vốn hoặc có lãi ở mức thấp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, qua giai đoạn khó khăn của chăn nuôi lợn vừa qua, cũng đã bộc lộc những vấn đề cốt tử mà ngành chăn nuôi nói chung, đặc biệt là chăn nuôi lợn đang lộ ra, đó là trong khi sức SX hiện đã rất tốt, thì khâu tổ chức thị trường và khâu chế biến lại gần như chưa có gì.
Số lượng các DN chế biến hiện mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó với điều kiện cả nước vẫn còn trên 3 triệu hộ dân chăn nuôi, làm thế nào để vừa đưa được ngành chăn nuôi đi lên ổn định, vừa hài hòa được an sinh xã hội cho người chăn nuôi đang là nhiệm vụ mà thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phải có những giải pháp căn cơ.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi lợn cần đầu tư cho công nghệ chế biến. Ảnh minh họa
Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện xây dựng, phê duyệt để trình Chính phủ phê duyệt các chính sách chung của ngành chăn nuôi, trong đó đặc biệt là đối với chăn nuôi lợn. Đồng thời, sẽ điều chỉnh lại Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, tầm nhìn 2030; xây dựng Đề án XK thịt lợn, hoàn thành trong quý 4/2017.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thành việc xây dựng dự thảo Luật Chăn nuôi để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 năm 2018, trong đó chăn nuôi có điều kiện sẽ là một trong những nội dung cơ bản quan trọng… Thời gian tới, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng sẽ trực tiếp làm việc với từng nhóm mảng cụ thể trong ngành chăn nuôi lợn như giống, khoa học, thức ăn… để có các giải pháp lâu dài.
Về những định hướng vĩ mô, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Ngành nông nghiệp sẽ phải định dạng lại cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn cho hài hòa giữa sức SX và khả năng tiêu thụ trong bối cảnh cơ cấu thực phẩm trong nhu cầu tiêu dùng đã có sự thay đổi lớn cũng như sức ép từ nguồn cung của các sản phẩm thực phẩm khác.
Theo đó, ngành chăn nuôi sẽ tập trung vào 2 hướng chủ công, bao gồm chăn nuôi công nghiệp tập trung và cả chăn nuôi theo hướng hữu cơ, đặc sản nhằm phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng trên cơ sở gắn với việc cải tạo, phục tráng các giống đặc sản bản địa. Đồng thời, vấn đề phát triển bền vững ngành chăn nuôi sẽ là đòi hỏi bức thiết, làm sao vừa đảm bảo được vấn đề môi trường, vừa đảm bảo an sinh cho trên 3 triệu người chăn nuôi cả nước.
Trên những cơ sở đó, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ có các giải pháp để điều chỉnh lại sự phát triển chăn nuôi như: Việc sản xuất TĂCN sẽ phải chuyển đổi, theo tinh thần không tăng thêm các nhà máy và quy mô SX nữa, mà sẽ khuyến khích SX các mặt hàng TĂCN phục vụ cho chăn nuôi theo hướng hữu cơ, bởi cả nước đã có trên 300 nhà máy TĂCN, quy mô công suất hiện đã lớn nhất Đông Nam Á.
Hai là công nghệ chế biến sẽ phải tăng cường, trên cơ sở phục vụ đa dạng các chủng loại sản phẩm chế biến, đồng thời chuyển dần thói quen tiêu dùng thịt lợn cho người dân từ thói quen thịt tươi (thịt nóng) sang hình thức thịt mát, đông lạnh theo xu hướng thế giới.