Nậm Pồ: Giảm nghèo không chỉ là mục tiêu, mà là quyết tâm
25/05/2025 19:00 GMT +7
Huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên là một trong những huyện nghèo vùng cao biên giới, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và sự nỗ lực vươn lên của người dân, Nậm Pồ đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế nông nghiệp và giảm nghèo bền vững.
- Nậm Pồ: Nông dân biến đồi nương thành vườn trái ngọt
- Hồi sinh nghề truyền thống - Chìa khóa phát triển bền vững cho người dân Nậm Pồ
Huy động mọi nguồn lực, tập trung thoát nghèo cho nông dân
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Văn Thượng, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: “Từ năm 2013 đến nay, huyện Nậm Pồ đã được đầu tư, hỗ trợ trên 400 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc thù cho công tác giảm nghèo. Ngoài ra, huyện còn huy động và lồng ghép các chương trình khác với tổng vốn trên 700 tỷ đồng để đầu tư cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Các nguồn vốn này tập trung vào việc tạo việc làm, hỗ trợ người dân có tư liệu sản xuất, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và hỗ trợ cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

Ở địa phương có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao, rất khó để phát triển nông nghiệp. Với phương châm vùng nào có thể mở rộng diện tích lúa nước, huyện sẽ ưu tiên đầu tư hệ thống kênh mương đế người dân thuận lợi mở rộng diện tích ruộng cấy 2 vụ. Cùng với đó, Nậm Pồ đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng. Với diện tích rộng và nhiều đồng cỏ, huyện đã phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, thay thế dần phương thức chăn nuôi truyền thống. Hiện nay, huyện có trên 120.000 con gia súc các loại, trong đó đàn trâu gần 15.000 con, đàn bò trên 2.000 con, ngựa hơn 2.500… Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng từ chăn nuôi gia súc.

Điển hình như gia đình ông Hồ Chử Vàng, hội viên nông dân tại xã Phìn Hồ, là một trong những tấm gương sáng. Năm 1988, khi chuyển từ huyện Tủa Chùa đến xã Phìn Hồ lập nghiệp, gia đình ông Vàng đối mặt với muôn vàn khó khăn do đất đai cằn cỗi, không có vốn liếng, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Nhờ sự giúp đỡ từ Hội Nông dân xã và các chương trình hỗ trợ sinh kế, ông Vàng bắt đầu làm nông nghiệp trồng trọt, sau đó tích lũy vốn để phát triển chăn nuôi trâu, bò và ngựa. Đến nay, ông Vàng không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành một trong những hộ gia đình kinh tế khá giả, tạo việc làm cho nhiều lao động trong thôn.
Đào tạo nghề và giải quyết việc làm
Để người dân có kỹ năng phát triển chăn nuôi, sản xuất, huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn mở nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thông qua các lớp tập huấn về kỹ năng trồng trọt do cán bộ chuyên môn hướng dẫn đã giúp người dân mạnh dạn sử dụng những loại cây trồng có chất lượng tốt vào trong sản xuất nông nghiệp như: Giống ngô, lúa, đậu tương, sắn thương phẩm. Trong đó, đảng viên là những người tiên phong trong quá trình sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Trong năm 2024, huyện Nậm Pồ đã mở nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Huyện cũng tập trung tuyên truyền, vận động và triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhất là dự án hỗ trợ trồng cây quế và cây chanh leo. Đến nay, huyện đã hoàn thành 16 dự án hỗ trợ trồng cây quế và dự án trồng chanh leo tại bản Long Dạo, bản Tân Lập, xã Si Pa Phìn, với tổng diện tích hơn 4,3 ha.

Một điểm sáng trong công tác giảm nghèo của huyện Nậm Pồ là sự thay đổi trong nhận thức của người dân. Nhiều hộ gia đình đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, thể hiện tinh thần tự lực, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Điển hình như ông Tao Văn Vin, người dân tộc Thái ở bản Cấu, xã Chà Nưa, đã mạnh dạn hơn khi quyết định thành lập hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên ở vùng biên giới nơi cực tây Tổ quốc.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Tao Văn Vin, cho biết: "Ban đầu khi thực hiện mô hình vườn, ao, chuồng (năm 2018), tôi chủ động trồng thêm cây sa nhân, nuôi ong lấy mật và đã thu được lợi ích kép. Ngoài nguồn thu vườn, ao, chuồng, mỗi năm gia đình tôi thu nhập thêm gần một trăm triệu đồng từ bán quả sa nhân và mật ong. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, tôi đã vận động các gia đình trong bản, trong xã tham gia thành lập hợp tác xã nuôi ong mật với tên gọi Hợp tác xã ong sạch Chà Nưa, nhằm kết nối người dân cùng làm nghề, mở rộng quy mô nghề ong, nâng cao giá trị sản phẩm. Ðến nay, hợp tác xã của chúng tôi có 45 thành viên; sản phẩm mật ong của hợp tác xã đã được công nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng”. Cũng từ hợp tác xã của ông Vin, nhiều hội viên đã thoát nghèo và có hướng làm giàu.
Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Trần Văn Thượng, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: “Huyễn cũng xác định công tác xóa đói giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm lớn. Huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với người dân nông thôn, người dân nghèo chủ động tích cực vươn lên, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung chỉ đạo và triển khai các nguồn vốn đầu tư để làm sao nâng cao đời sống cho nông dân".
Tags:
Nậm Pồ chung tay xóa nhà tạm – Lan tỏa yêu thương, vững bước thoát nghèo
Những năm qua, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nhà ở nhằm giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn cải thiện điều kiện sống, góp phần nâng cao chất lượng đời sống. Với sự chung tay của chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, chương trình xóa nhà tạm trên địa bàn huyện đang đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Nậm Pồ: Con đường mang niềm vui, hạnh phúc đến người dân
Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến đường từ trung tâm huyện Nậm Pồ (Điện Biên) đi các xã Nà Khoa, Na Cô Sa đã được khởi công năm 2023. Đến nay, công trình này đã hoàn thành trên 90% khối lượng, mang đến niềm vui lớn cho hàng nghìn người dân nơi đây.