Tại một số tỉnh thành miền núi phía Bắc nước ta như Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên,... rất phổ biến cây chít (cây đót). Đây là một loại cây thân thảo mọc thẳng đứng với chiều cao trên 3m, thường được dùng trong đời sống sinh hoạt của người dân như làm chổi quét nhà, làm thuốc chữa bệnh.
Tuy nhiên ngoài những công dụng phổ biến đó ra thì ẩn sâu bên trong những thân cây chít là một đặc sản không đâu có được, béo ngậy và vô cùng thơm ngon. Đó chính là đặc sản sâu chít, là một loài côn trùng sống ký sinh bên trong thân cây chít.
Sâu chít thực chất là ấu trùng của một loài bướm đêm có tên khoa học là Brihaspa atrostigmella. Loài bướm này đẻ trứng vào trong thân cây, trứng nở ra thành ấu trùng rồi tới sâu trưởng thành. Sâu chít sẽ hút dinh dưỡng của cây chít từ bên trong và khiến cây không thể ra hoa.
Sâu chít có độ dài từ 3-5cm, có màu trắng đục hơi ngả vàng, không có chân và lông tơ trên thân. Chúng thường đục thân cây chít để sống ký sinh bên trong và hút dinh dưỡng từ cây. Chúng còn được coi là Đông trùng hạ thảo của Việt Nam do vào mùa xuân sâu chít mọc chồi cây y hệt như với Đông trùng hạ thảo.
Người dân vùng núi Tây Bắc thường tìm bắt sâu chít vào tháng 10 cho đến tháng 12 âm lịch. Bởi đây là thời điểm những con sâu chít đạt mức trưởng thành cần thiết, có màu trắng ngà và béo núc ních. Người dân đi săn lộc trời này khá dễ khi chỉ cần dựa vào những cây chít nào không thể ra hoa và bị phồng to ở giữa là sẽ biết được có sâu nằm ký sinh bên trong.
Khi sâu chít được lấy ra khỏi thân cây, chúng sẽ ngay lập tức được đem ngâm trong rượu trắng để giúp sâu nhả hết các chất bẩn và không bị biến đổi mùi vị sau này khi chế biến. Điều này cũng giúp chúng có thể được bảo quản dài lâu, nhất là khi được đóng gói gửi đi nhiều tỉnh thành khác nhau.
Sở dĩ sâu chít lại trở thành một đặc sản được quan tâm và săn lùng ráo riết, đó là bởi người ta cho rằng sâu chít là thực phẩm đại bổ cho sức khỏe, có khả năng cải thiện sinh lý nam giới và giúp làm đẹp làn da cho chị em phụ nữ. Vậy thì điều đó liệu có phải là sự thật?
Theo như Đông y, sâu chít có tính ấm, vị cam, có công dụng bổ phế, bổ thận, an thần, ích khí, hỗ trợ điều trị chứng ra mồ hôi trộm, đau lưng, tiểu tiện đêm, thận yếu,... Chính vì có lợi ích cho thận cho nên loài đặc sản này được cho là có khả năng tăng cường sinh lý cho nam giới, mặc dù chưa có tài liệu nào chứng minh.
Còn theo y học hiện đại nghiên cứu, sâu chít có lượng protein rất cao chiếm tới gần 30% cơ thể của chúng. Ngoài ra chúng còn chứa tới 17 loại amino acid rất cần thiết đối với sự phát triển của cơ thể con người, cao gấp 3 lần so với Đông trùng hạ thảo. Nhờ đó nếu sử dụng đúng cách, sâu chít hoàn toàn có khả năng bồi bổ cơ thể và nâng cao sức đề kháng.
Hiện nay sâu chít còn tươi nguyên con đã tách ra khỏi thân cây đang được bán trên thị trường với mức giá từ 1 triệu đến gần 2 triệu đồng/kg. Còn sâu chít sấy khô có giá cao gấp gần 3 lần, lên tới 4-5 triệu đồng/kg. Bởi lẽ để làm ra được 1kg sâu sấy khô đòi hỏi rất nhiều sâu chít tươi và công sức tách chúng ra khỏi thân cây chít.
Sâu chít có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng như món rang, món nướng, thậm chí dùng để nấu cháo hoặc xào trứng. Ngoài ra nhiều người còn đem sâu chít đi ngâm lấy rượu uống để giúp tăng cường sinh lực. Rượu sâu chít cần được ngâm kỹ từ 4 tháng trở lên mới được mang ra sử dụng.
Tuy có nhiều công dụng hữu ích, thế nhưng nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng không nên lạm dụng quá mức rượu sâu chít hoặc các món ăn làm từ chúng. Bởi loài côn trùng này rất giàu protein, có thể gây dị ứng hoặc sốc phản vệ nếu như sử dụng không đúng.