Clip: Mận Pu Nhi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân
Mận Pu Nhi - đặc sản vùng cao Sơn La
Mận Pu Nhi - "cherry Việt Nam", thực tế đây là giống mận hậu, đã được đưa vào trồng từ những năm 1990 trên đồi Pu Nhi, thuộc thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Tại nơi đây, với điều kiện khí hậu nóng ẩm, thổ nhưỡng, đất đai phì nhiêu, cây mận hậu (mận Pu Nhi) phát triển mạnh mẽ và cho ra những quả mận có vỏ đỏ tía, ruột đỏ, róc hạt, bên ngoài có lớp phấn trắng, ngọt, thơm… tạo nên thương hiệu đặc sản của địa phương. Bởi vậy, dù quả mận không quá to như mận ở nhiều nơi khác nhưng mận Pu Nhi vẫn được yêu thích và đặt mua của nhiều khách hàng.
Với giá trị cây trồng này đem lại, người nông dân ở nơi đây đã chuyển đổi dần diện tích trồng cây ngô và cây ăn khác sang trồng cây mận Pu Nhi. Hiện tại, diện tích trồng mận Pu nhi tại huyện Sông Mã (Sơn La) chỉ 23ha, nhưng vẫn đóng góp quan trọng vào thu nhập của người nông dân nơi đây và góp phần nâng cao giá trị nông sản của huyện trên thị trường, giá bán buôn tại vườn năm nay từ 60-80 nghìn đồng/1kg.
Mận Pu Nhi mang lại hiệu quả kinh tế cao
Là một trong những hộ đầu tiên đưa cây mận hậu (mận Pu nhi) về trồng tại đồi Pu Nhi. Đến nay, gia đình ông Lường Văn Khuyên đã có 500 cây mận, với diện tích khoảng 2ha, mỗi năm trung bình gia đình ông thu khoảng 15 tấn mận. Năm nay do diễn biến thời tiết không thuận lợi, năng nóng kéo dài trong khoảng tháng 3-4 nên sản lượng quả giảm so với mọi năm. Tuy nhiên chất lượng mận vẫn đảm bảo nên mận vẫn được giá cao.
Ông Lường Văn Khuyên, tổ dân phố 2, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, cho biết: "năm nay, do thời tiết không thuận lợi nên cây mận khó chăm sóc, năng suất thấp hơn so với năm trước, nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, chủ động nguồn nước tưới nên chất lượng quả không thay đổi. Giả cả thì vẫn đảm bảo hơn 70 nghìn đồng/1kg".
Cùng với ông Khuyên nhiều hộ dân tại tổ dân phố 2 thị trấn Sông Mã, tỉnh Sơn La cũng tích cực chuyển đổi các cây trồng khác kém hiệu quả kinh tế sang trồng mận Pu Nhi, góp phần vào việc mở rộng diện tích và mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Chị Cà Thị Minh, tổ dân phố 2 thị trấn Sông Mã, tỉnh Sơn La phấn khởi chia sẻ: "ngày xưa trồng cây ngô, cây sắn và cây ăn quả khác thì kinh tế còn vất vả lắm, nhưng đến khi chuyển đổi sang trồng cây mận Pu Nhi thì nó lại đạt hiệu quả cao hơn. Năm trước, gia đình tôi thu hơn 7 tấn/1 ha, nhưng năm nay nắng nóng, hạn hán kéo dài nên chỉ thu được gần 5 tấn/1 ha. Giá mận thì cao hơn năm trước, năm trước bán tại vườn giá 50 nghìn/1kg thì năm nay bán được 65 nghìn/1 kg".
Tuy diện tích không lớn nhưng hiệu quả kinh tế mà cây mận Pu Nhi mang lại cho người nông dân là không hề nhỏ. Việc mở rộng diện tích trồng cây mận Pu Nhi ở Sông Mã đang là hướng đi hiệu quả, giúp địa phương phát huy được thế mạnh và nâng cao giá trị kinh tế của cây mận này.
Trao đổi với PV Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Lành Văn Thưởng, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 2, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, cho biết: "qua quá trình sản xuất cây mận hậu trên đồi Pu Nhi, chúng tôi thấy hiệu quả kinh tế mà cây mận hậu mang lại rất cao. Hiện nay, bà con đang mở rộng diện tích trồng. Những năm gần đây được tham gia các lớp tập huấn, chúng tôi cũng dần áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc thì năng suất cũng tăng lên và chất lượng vẫn đảm bảo hơn".