Thứ Năm, ngày 16/01/2025 12:59 PM (GMT+7)

Mai Sơn phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh nông nghiệp

2024-12-27 21:18:00

Là một trong những địa phương có sản lượng cây ăn quả lớn của tỉnh, có lợi thế phát triển nông nghiệp, nhất là những cây công nghiệp và các loại cây ăn quả, huyện Mai Sơn (Sơn La) đang có nhiều thuận lợi để huyện phát triển các sản phẩm OCOP từ chính nguồn nông sản và thế mạnh của vùng.

Những năm qua, huyện Mai Sơn quan tâm việc chọn và đưa vào sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Việc quản lý đồng bộ chất lượng ngay từ khâu sản xuất giống, quy trình canh tác… góp phần tăng năng suất, sản lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra giá trị sản phẩm bền vững cho ngành nông nghiệp, đặc biệt đối với các loại cây, con có thế mạnh của địa phương như na, cà phê, xoài, nhãn, dâu tây…

Toàn huyện Mai Sơn đang chăm sóc 11.500 ha cây ăn quả. Trong đó, có 1.143,7 ha được cấp chứng nhận VietGAP, 5.000 ha cây ăn quả thực hiện theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, 2.500 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, duy trì 46 mã số vùng trồng với hơn 1.217 ha và 5 cơ sở đóng gói. Vùng nguyên liệu cà phê đạt 8.569 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Chiềng Ban, Chiềng Chung, Chiềng Dong… Trong đó, vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao có trên 1.500 hộ gia đình, cá nhân liên kết sản xuất trên 1.000 ha cà phê với các công ty chế biến cà phê.

Đến nay, toàn huyện có 20 sản phẩm OCOP, trong đó 10 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm sau khi được công nhận đã hoàn thiện về bao bì, nhãn mác, tem, chất lượng sản phẩm được kiểm định theo định kỳ. Đồng thời, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm do tỉnh, huyện tổ chức, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả thu nhập của người dân.

Mai Sơn phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh nông nghiệp - Ảnh 1.
Toàn huyện Mai Sơn đang chăm sóc 11.500 ha cây ăn quả. Trong đó có 1.143,7 ha được cấp chứng nhận VietGAP, 5.000 ha cây ăn quả thực hiện theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, 2.500 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, duy trì 46 mã số vùng trồng với hơn 1.217 ha. Ảnh: Phạm Hoài.

Hợp tác xã Ara - Tay Coffee hiện có 70 ha cà phê đang cho thu hoạch, có mã số vùng trồng. Hợp tác xã hiện đang sản xuất 2 sản phẩm là cà phê nhân xanh Natural và cà phê Honey nhân xanh đều là sản phẩm OCOP 4 sao.

Bà Cầm Thị Mòn, Giám đốc Hợp tác xã Ara - Tay Coffee, cho biết: "Cây cà phê của Hợp tác xã được tuân thủ theo quy trình sản xuất, áp dụng các biện pháp canh tác thông minh, áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, sử dụng phân bón hữu cơ theo quy trình, không sử dụng thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Những năm qua, Hợp tác xã không ngừng nỗ lực xây dựng thương hiệu cà phê cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Ban đầu từ sản phẩm OCOP 3 sao, đến nay sản phẩm cà phê của Hợp tác xã được công nhận OCOP 4 sao. Đặc biệt, hai sản phẩm cà phê của Hợp tác xã được nằm trong top sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Sơn La vừa được tôn vinh vào tháng 11 vừa qua. Đây là niềm vui rất lớn đối với tôi và các thành viên Hợp tác xã".

Mai Sơn phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh nông nghiệp - Ảnh 3.
Ông Trần Bá Cường (tiểu khu I, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) bên vườn na của gia đình. Ảnh: Kiều Tâm.

Là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Mai Sơn, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Sơn La, cây na đang đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân trên địa bàn.

Gia đình ông Trần Bá Cường (tiểu khu I, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) hiện trồng 5 ha na, trong đó có gần 4 ha na đang cho thu hoạch. Vườn na của ông được áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ, vì vậy, na mới có năng suất cao, quả có chất lượng tốt, mẫu mã lại đẹp.

Ông Cường bộc bạch: "Mỗi năm, gia đình tôi thu hàng tỷ đồng từ cây na. Cứ mỗi ha cho thu nhập từ vài trăm đến nửa tỷ đồng. Đây là một nguồn thu lớn đối với những người nông dân "chân lấm tay bùn". Quả na Mai Sơn được mang đi tiêu thụ ở hàng chục tỉnh thành trong cả nước. Người trồng na ở Mai Sơn bây giờ ý thức về thương hiệu cao lắm, bởi vậy, chúng tôi quyết giữ thương hiệu na Mai Sơn bằng mọi giá. Mà đã là sản phẩm OCOP 3 sao rồi thì cũng phải xứng tầm với danh hiệu ấy".

Ngoài cây na, những sản phẩm OCOP 4 sao từ cây sâm Ngọc Linh của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng Thành Long (thị trấn Hát Lót, Mai Sơn, Sơn La đang ngày càng khẳng định thương hiệu, vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng Thành Long có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao gồm: Cao sâm Ngọc Linh, rượu sâm Ngọc Linh, rượu cao sâm Ngọc Linh.

Ông Nguyễn Chí Long - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng Thành Long chia sẻ: "Nông dân Sơn La nói chung và bản thân tôi nói riêng đã ý thức được rằng, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản giờ đây là giải pháp sống còn của sản xuất hàng hóa. Thật may cho nông dân chúng tôi vì tỉnh Sơn La là một trong những địa phương rất quan tâm tới lĩnh vực này. Những sản phẩm từ sâm Ngọc Linh của tôi đều đạt OCOP 4 sao và đang phấn đấu trở thành OCOP 5 sao cũng chính là nhờ phần lớn vào chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật ở tất cả các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm".

Mai Sơn phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh nông nghiệp - Ảnh 4.
Sản phẩm Cao sâm Ngọc Linh của Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Thành Long được công nhân sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Phạm Hoài.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn cho biết: OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng, thúc đẩy sản xuất gắn với phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị, góp phần nâng cao chất lượng nông thôn mới, trong đó trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển và tiêu chuẩn hóa sản phẩm.

Thời gian qua, huyện Mai Sơn đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, trực tiếp là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các xã, thị trấn rà soát lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của địa phương để có những chính sách hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Từ đó, có những giải pháp cụ thể để giúp cho các sản phẩm tiếp cận thị trường trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các thị trường cao cấp đòi hỏi chất lượng, yêu cầu kỹ thuật khắt khe.

Để tiếp tục phát huy chương trình OCOP trên địa bàn, trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn, các chủ thể rà soát, lựa chọn các sản phẩm; tổ chức đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng quy định; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về đánh giá, phân hạng sản phẩm và duy trì điều kiện, chất lượng sản phẩm của các chủ thể, sản phẩm OCOP.

Đồng thời, khuyến khích các chủ thể OCOP tham gia hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại tại các diễn đàn kết nối cung cầu, thực hiện kết nối trên nền tảng công nghệ số, hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản; tăng cường phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, tiềm năng nông nghiệp của địa phương; tập trung tuyên truyền, vận động các chủ thể chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ để các sản phẩm OCOP của huyện ngày càng được nhiều người biết đến, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Phạm Hoài
Gần 9.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn

Gần 9.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn

Tháng 11 này, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn ước tính gần 9.000 tỷ đồng. Sau làn sóng mua lại, đàm phán giãn hoãn nợ, áp lực đáo hạn trái phiếu cuối năm vơi bớt.