Vượt qua dốc Cun trên quốc lộ 6 là tới địa phận huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình). Nơi này được coi là thủ phủ cam bưởi của miền Tây Bắc. Bầu trời Xuân trong và xanh thăm thẳm, những vạt mây trắng bồng bềnh nhẹ nhàng trôi. Giữa khung cảnh thiên nhiên đầy thơ mộng đó, dọc hai bên đường các vườn cam, vườn bưởi thi nhau đua nở. Màu trắng tinh khôi của thứ hoa mang đậm hương quê đó khiến bao người xao xuyến.
Cả một vùng rộng lớn của xứ Mường thời điểm này đang bị "ướp" thứ hương dìu dịu và dễ làm người ta xúc động nhớ về những miền ký ức xa xôi. Nằm kề thủ phủ cam Cao Phong là vựa bưởi đỏ Tân Lạc. Giống bưởi siêu sai và đạt cả nghìn quả trên một cây bưởi. Hầu như hộ dân nào nơi đây cũng trồng bưởi. Các đồi bưởi xanh mướt nối nhau dài cả chục cây số khiến cho bước chân những khách lạ bị líu lại và phải phải ngỡ ngàng về độ che phủ của những tán bưởi ở vùng đất này.
Có lẽ với người dân Tân Lạc, mùa bưởi ra hoa cũng là mùa gieo nhiều hy vọng và niềm vui nhất trong năm. So với các giống bưởi khác, bưởi đỏ Tân Lạc ra rất nhiều hoa. Từng chùm hoa dày đặc cứ tầng tầng, lớp lớp chồng lên nhau. Trên mỗi chùm hoa, chúng bắt đầu bung nở đón nắng xuân ấm áp. Màu hoa bưởi trắng tinh khôi, lặng lẽ tỏa hương khiến cả một vùng rộng lớn chìm trong hương bưởi.
Gặp ông vua bưởi Trần Văn Hùng, ở xóm Tân Hương (xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc) mới cảm nhận hết được nỗi mong mỏi và niềm hy vọng của người nông dân khi mùa hoa bưởi đến. Vườn bưởi mấy trăm cây của ông Hùng, cây nào cũng to cũng xanh mướt. Chúng tựa như cái ô khổng lồ giữa trời.
Ông Hùng vốn là người tỉ mỉ, lặng lẽ tỉa từng cành cây kẽ lá. Từng ngọn cỏ dưới nền vườn bưởi cũng được ông làm sạch sẽ. Giữa mùa hoa bưởi đưa hương, ông Hùng chẳng muốn rời vườn bưởi nửa bước. Ông Hùng bảo: Mùa bưởi bung hoa trắng muốt cũng là ngày mà người nông dân mong chờ nhất. Cây có hoa mới có quả, người nông dân mới có thu hoạch. Nhưng điều gợi lại nhiều kỷ niệm nhất với ông có lẽ là những mùa xuân thời chiến tranh. Khi ấy cũng cái cứ độ hoa bưởi nở là mùa tòng quân. Ông cùng bao thanh niên khác của xứ Mường cùng hòa vào đoàn quân để giành lại độc lập cho dân tộc. Các chàng trai tạm biệt làng quê, người thân, bạn gái để lên đường trong mùa hoa bưởi đưa hương này.
Thấm thoát cái ngày hội tòng quân đó đã trôi qua cả nửa thế kỷ mà người cựu chiến binh này vẫn nhớ như in: Ngày đó, bà con chỉ trồng các giống bưởi bản địa, chất lượng chưa được ngon. Khi ông được nghỉ hưu, ông đã tìm ra được giống bưởi quý tại quê hương là bưởi đỏ. Ông đã mạnh dạn phá vườn tạp và trồng hết bưởi đỏ. Hơn trăm cây bưởi phát triển tốt, và mỗi năm nó mang lại cho ông cả tỷ đồng.
"Mỗi cây bưởi đỏ cho 400 đến cả nghìn quả. Có những cây bưởi tôi bán được gần 30 triệu đồng. Khi thu hoạch xong, sau xuân là ngày nào cũng ra vườn ngó xem năm nay cây ra hoa, ra quả thế nào", ông Hùng chia sẻ.
Ở Tân Lạc hầu như nhà nào cũng trồng bưởi. Nhà trồng ít có vài chục cây, nhà làm nhiều lên tới cả nghìn cây. Làm nông nghiệp, ai cũng phải trông nhiều bề. Trông trời, trông đất, trông mây, trông khi mùa hoa đến xem có đậu quả hay không. Sau đó là trông giá, bưởi có được giá, người nông dân mới có thu hoạch và cười được. Nhưng mỗi khi mùa hoa bưởi về, ai cũng xao xuyến, cũng muốn căng lồng ngực để hưởng hết cái hương thơm mà đất trời đã ban tặng cho xứ Mường.
Hiện toàn tỉnh Hòa Bình có khoảng vài nghìn ha bưởi. Vựa bưởi Tân Lạc vẫn chiếm đa số. Sau mỗi năm, diện tích bưởi được mở rộng. Từ các huyện Kim Bôi, Mai Châu, Lạc Sơn, Lạc Thủy và Yên Thủy đâu đâu cũng có bưởi. Mùa hoa cũng là mùa hy vọng phấp phòng của người nông dân trồng bưởi. Chẳng thế mà những lữ khách thích "xê dịch", đi qua xứ Mường vào những ngày này không muốn rời nửa bước bởi một thứ hương cứ lặng lẽ đang dâng hiến cho mùa xuân của đất trời nơi xứ Mường.