Sam biển (hay cua móng ngựa) là động vật chân đốt biển thuộc họ Limulidae, được tin rằng xuất hiện cách đây hơn 450 triệu năm. Nhiều ý kiến coi sam biển như hóa thạch sống của giới động vật, chứng kiến những giai đoạn thăng trầm trong lịch sử của Trái Đất. Sinh sống trên hành tinh rất lâu, nhưng cơ thể sam biển thay đổi rất ít, đồng thời có nhiều khía cạnh đáng chú ý trong giải phẫu.
Dẫu vậy, giá trị lớn nhất của loài sam không nằm ở ý nghĩa về mặt lịch sử, mà lại chính là ứng dụng to lớn của nó trong nền khoa học hiện đại, cụ thể là y học. Và đây cũng chính là lý do khiến máu của con sam trở thành một trong những nguồn tài nguyên quý giá nhất hành tinh.
Máu của loài sam rất đặc biệt, thay vì màu đỏ như đại đa số các loài động vật khác, máu sam lại mang màu xanh dương nhạt. Nguồn gốc của màu sắc khác thường này đến từ nguyên tố đồng có trong thành phần máu của chúng (trong khi con người có máu đỏ là do chứa sắt). Hiển nhiên, việc sở hữu một màu sắc kỳ lạ không thể nào là nguyên do để máu của loài động vật này được bán với mức giá hơn 400 triệu đồng mỗi lít.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, máu của loài sam có chứa một nhân tố đông máu đặc biệt có tên là Limulus amebocyte lysate (LAL) có khả năng phản ứng với vi khuẩn Gram âm.
Trước khi khám phá ra LAL, giới khoa học đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định xem liệu vaccine hay các dụng cụ y tế có bị nhiễm khuẩn hay không? Cách được áp dụng phổ biến vào thời kỳ đó chính là tiêm thử vaccine vào những con thỏ thí nghiệm và chờ xem phản ứng (đương nhiên cách làm này tốn khá nhiều thời gian cũng như phi nhân đạo).
Mãi đến năm 1970, "cuộc chơi" mới thực sự thay đổi khi LAL được đưa vào sử dụng. Chỉ với việc nhỏ một vài giọt LAL vào thiết bị y tế hay Vaccine, hợp chất này sẽ ngay lập tức phủ lên bất kỳ vi khuẩn Gram âm nào mà nó phát hiện bằng một cái kén dạng dẻo, đây cũng chính là dấu hiệu cảnh báo cho chúng ta biết sự hiện diện của vi khuẩn trong các vật tư y tế, thứ có thể cướp đi mạng sống của người bệnh.
Ngành công nghiệp khai thác máu sam hiện trị giá 50 triệu USD/năm. Một gallon (3,7 lít) máu sam có giá lên đến 60.000 USD. Ước tính mỗi năm ngành này bắt 600.000 con sam để khai thác máu.
Nhưng ngành công nghiệp này không tàn sát sam. Với mỗi con sam người ta chỉ khai thác 30% máu. Trong vòng 72 giờ sam được đưa lại về biển và một tuần sau lượng máu của chúng sẽ phục hồi. Dù vậy, tỷ lệ sam chết trong quá trình khai thác máu lên đến 10-30%.
Vấn đề là số lượng sam trên toàn cầu đang sụt giảm. Nguồn sam lớn nhất thế giới nằm ở vịnh Delaware tại Mỹ, nhưng sụt giảm nghiêm trọng 75-90% trong 15 năm qua. Ngoài số lượng sam chết trong quá trình khai thác máu, các con sam sống sót còn bị chấn thương, mất khả năng giao phối, dẫn tới số lượng sam sụt giảm.
Chuyên gia y tế Christopher Chabot thuộc ĐH Plymouth State cho biết ngành khai thác máu sam phải tăng cường độ an toàn, ví dụ như giảm thời gian sam rời biển, đảm bảo nhiệt độ và môi trường phù hợp cho sam khi vận chuyển chúng nhằm giảm số lượng sam chết.
Tuy nhiên do số lượng sam sụt giảm mạnh nên giới khoa học phải tìm ra một cơ chế thay thế hiệu quả trong tương lai.
"Chưa rõ sam sẽ tuyệt chủng khi nào, nhưng đến lúc đó ngành y tế thế giới sẽ đối mặt với một thời kỳ đen tối" - chuyên gia Chabot cảnh báo.
Năm 2016, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã đưa loài sam vào sách đỏ để bảo tồn. Đây là bước đi được coi là có ý nghĩa nhằm bảo vệ loài sinh vật này.