Liên kết sản xuất giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn La vươn lên phát triển kinh tế bền vững

Văn Ngọc

08/07/2025 13:02 GMT +7

Liên kết sản xuất mở ra cơ hội, giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế bền vững.

Clip: Liên kết sản xuất giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn La vươn lên phát triển kinh tế bền vững

Câu chuyện cây mía giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn La vươn lên

Về những vùng nông thôn Tây Bắc, có thể cảm nhận rõ được những thay đổi của đồng bào các dân tộc nơi đây. Bà con có điều kiện cuộc sống tốt hơn, thu nhập ổn định hơn, nhiều hộ đồng bào đã vươn lên làm giàu. Đó là nhờ liên kết sản xuất giữa người nông dân với doanh nghiệp.

Mô hình liên kết sản xuất đang trở thành chìa khóa quan trọng, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại Sơn La ổn định kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống. Với vai trò cầu nối của Hội Nông dân tỉnh và sự đồng lòng của "bốn nhà", nông nghiệp Sơn La đang phát triển theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả rõ rệt cho bà con.

Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã và đang đóng vai trò trung tâm trong việc kết nối nông dân với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ vốn, bảo hiểm và chuyển giao kỹ thuật, Hội đã góp phần nâng cao nhận thức, năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản và mở rộng liên kết thị trường cho nông dân.

Sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước – Nhà khoa học – Doanh nghiệp – Nông dân được xác định là nền tảng cho một nền nông nghiệp bền vững tại Sơn La. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò định hướng và hỗ trợ chính sách; doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, đóng vai trò dẫn dắt thị trường và bao tiêu sản phẩm; các nhà khoa học cung cấp kiến thức, công nghệ tiên tiến; và nông dân là trung tâm của quá trình sản xuất.

Liên kết sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm chất lượng. Ảnh: Văn Ngọc

Minh chứng điển hình cho sự liên kết hiệu quả này là câu chuyện của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La. Trong nhiều năm qua, Công ty đã trở thành doanh nghiệp tiêu biểu trong việc hỗ trợ và liên kết chặt chẽ với hơn 12.000 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn la với tổng diện tích vùng nguyên liệu khoảng 9.699 ha. Nhờ đó, năng suất trung bình đạt 65 tấn/ha, sản lượng mía cây ước đạt 606.000 tấn/năm.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, cho biết: Để hỗ trợ nông dân, Công ty đã đầu tư bình quân 150 tỷ đồng/năm phát triển vùng nguyên liệu, tạm ứng trước tiền bán mía khoảng 70 tỷ đồng và hỗ trợ người trồng mía từ 30 đến 45 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, Công ty còn cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức trả sau, giúp nông dân giảm bớt khó khăn về chi phí đầu tư ban đầu; đồng thời chú trọng nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo kỹ thuật.

Công nhân Công ty cổ phần Mía đường Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Gia đình anh Lò Bun Hồng ở xã Phiêng Pằn, tỉnh Sơn La là một ví dụ cụ thể về sự thay đổi nhờ liên kết sản xuất. Trước đây, với diện tích đất nương, gia đình anh chủ yếu trồng ngô, sắn... cho thu nhập bấp bênh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ khi được vận động, tuyên truyền, gia đình anh đã liên kết với Công ty cổ phần Mía đường Sơn La để cung cấp mía nguyên liệu cho nhà máy.

Anh Hồng phấn khởi chia sẻ: Được liên kết với nhà máy, gia đình tôi rất yên tâm vì toàn bộ số mía làm ra đều được thu mua, không còn lo chuyện 'được mùa mất giá, được giá mất mùa. Nhà máy còn hỗ trợ về giống, kỹ thuật lên luống, phân bón và cử cán bộ xuống hướng dẫn cách trồng. Nhờ đó, gia đình tôi chỉ tập trung vào việc trồng mía sao cho năng suất nhất và có thu nhập ổn định hơn.

Gia đình anh Lò Bun Hồng ở xã Phiêng Pằn, tỉnh Sơn La có thu nhập ổn định từ liên kết trồng mía. Ảnh: Văn Ngọc

Hỗ trợ hội viên nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” đã trở thành một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân Sơn La. Tính đến nay, phong trào đã thu hút hơn 28.000 hộ nông dân tham gia, trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế hộ, phong trào còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 12.000 lao động nông thôn từ các mô hình kinh tế này, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Đặc biệt, hàng năm, có trên 1.000 hộ gia đình vươn lên thoát nghèo nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tận dụng vốn vay và liên kết thị trường hiệu quả.

Hội Nông dân tỉnh Sơn La đẩy mạnh hướng dẫn hội viên nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Vũ Đức Thuận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, cho biết: Để hỗ trợ nông dân, đặc biệt là hội viên nông dân người dân tộc sản xuất hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp nông dân nâng cao nhận thức và chủ động tiếp cận các cơ hội.

Hội tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất an toàn, bền vững, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.

Hỗ trợ hội viên nông dân phân bón để phát triển nông nghiệp bền vững. Ảnh: Văn Ngọc

Hội cũng làm tốt vai trò kết nối để tạo điều kiện cho bà con tiếp cận vốn vay ưu đãi, bảo hiểm nông nghiệp và thị trường tiêu thụ ổn định; đồng thời xây dựng, củng cố các tổ hợp tác, hợp tác xã góp phần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hiệu quả.

Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã và đang khẳng định vị trí quan trọng, là chỗ dựa vững chắc để nông dân yên tâm đầu tư phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp bền vững trong giai đoạn mới.

Đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La ngày càng được nâng cao

Đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La ngày càng được nâng cao

Từ những chính sách hỗ trợ, sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La ngày càng nâng cao.

Ban Dân tộc tỉnh Sơn La: 20 năm đồng hành cùng sự phát triển của đồng bào các dân tộc

Ban Dân tộc tỉnh Sơn La: 20 năm đồng hành cùng sự phát triển của đồng bào các dân tộc

Ngày 13/8, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (13/8/2004-13/8/2024). Đây là một mốc son quan trọng đánh dấu sự hình thành và phát triển của công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Sơn La: Tăng tốc chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ

Sơn La: Tăng tốc chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ

Ngày 7/7, Tỉnh ủy Sơn La tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Sơn La: Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh với nhiều hoạt động

Sơn La: Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh với nhiều hoạt động

Tỉnh Sơn La gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị cho lễ Kỷ niệm 130 năm ngày thành lập tỉnh (10/10/1895 - 10/10/2025) với nhiều hoạt động đa dạng.