Clip: Người dân xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, Lai Châu trồng chè phát triển kinh tế, làm du lịch, xây dựng NTM nâng cao.
Vùng cao Lai Châu phấn khởi xây dựng nông thôn mới
Chia sẻ với phóng viên báo Nông thôn ngày nay / Danviet /Trangtraiviet điện tử, ông Lò Văn Lục, Chủ tịch UBND xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên (Lai Châu) hồ hởi cho biết: Được công nhận xã NTM đầu tiên của huyện Tân Uyên từ năm 2015, xã Phúc Khoa được vinh danh là điểm sáng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương. Giờ đây, xã Phúc Khoa được huyện Tân Uyên (Lai Châu) chọn thí điểm thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao.
Để không "trễ hẹn" NTM nâng cao, một mặt xã tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức "xây dựng NTM là quá trình liên tục, thường xuyên, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc".
Mặt khác, chúng tôi xác định, xây dựng NTM bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, bền vững, lấy người dân làm chủ thể tham gia và hưởng thụ thành quả của NTM, qua đó tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Đỗ Thị Nhàn, bản Phúc Khoa, xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên, Lai Châu) cho biết: Gia đình tôi cùng bà con tham gia xây dựng NTM cũng đã được 10 năm, hưởng ứng phong trào xây dựng NTM nâng cao, gia đình luôn đi đầu trong các công tác phòng trào giữ gìn môi trường sống, phát triển kinh tế, xây dưng đời sống văn hoá…
"Gia đình tôi có thâm niên kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ bà con trong xã đến nay tròn thập kỷ. Quán quen nên cứ cần gì, bà con lại tìm đến mua. Gia đình tôi cung cấp thịt, rau xanh và các nhu yếu phẩm cho bà con và cả các trường học có học sinh ăn bán trú.
Càng ngày mức thu nhập người dân càng cao nên nhu cầu mua sắm các vật dụng phục vụ đời sống cũng như đồ ăn, thức uống cũng nhiều hơn so với trước. Hàng quán của gia đình cũng tăng cường nhập hàng liên tục với số lượng lớn, phong phú chủng loại để phục vụ bà con", chị Nhàn hồ hởi nói.
Còn ông Vàng Văn Chủng, Chủ nhiệm HTX Phúc Khoa, huyện Tân Uyên (Lai Châu) cho biết: Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM nâng cao của xã, HTX thường xuyên vận động xã viên cải tạo cảnh quan vườn chè như trồng thêm hoa, mở đường, giữ gìn vệ sinh đồi chè nhằm thu hút khách du lịch, qua đó thực hiện được 2 mục tiêu vừa mở rộng diện tích cây chè vừa phát triển kinh tế gắn với du lịch.
Nông dân Lai Châu phát huy tiềm năng, lợi thế, hoàn thiện các tiêu chí
Theo chủ tịch UBND xã Lò Văn Lục, phong trào xây dựng NTM nâng cao được lan toả sâu rộng, người dân làm chủ thể tham gia và hưởng thụ thành quả của NTM, quà đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Đến hết năm 2021 tổng thu nhập bình quân đầu người của xã Phúc Khoa đạt 40 triệu đồng. Theo lộ trình xây dựng NTM nâng cao đến năm 2025, xã phấn đấu đạt 47 triệu đồng/người/năm. Mức thu nhập này là tương đối cao, song xã đã và đang có rất nhiều giải pháp giúp người dân nâng cao thu nhập bằng nhiều mô hình kinh tế mới và đầy triển vọng.
Đến nay toàn xã Phúc Khoa có khoảng 500ha chè, trong đó 420ha chè kinh doanh với tổng sản lượng 6 tháng đầu năm đạt 4.800 tấn. Nếu tính theo kế hoạch giao cả năm, đến nay xã đã đạt 94%.
Chè đem đến nguồn thu nhập không những rất ổn định mà còn là con đường làm giàu của người dân các bản: Phúc Khoa, Ngọc Lại, Nậm Bon, Hô Ta. Bằng chứng là, sau khi thu hoạch mỗi lứa chè, trừ tiền đầu tư phân bón, công thu hái, lo cho các con học hành, các hộ đều chi tiêu tiết kiệm, gửi ngân hàng tích góp.
Không những thế, lương thực, thực phẩm, rau xanh đa số bà con trong xã đều tự trồng, tự nuôi, bởi vậy, ở Phúc Khoa, số hộ có tiền gửi ngân hàng ở xã giờ không đếm xuể.
Ngoài chè là cây chủ lực trong phát triển kinh tế, hiện nay xã đang vận động, khuyến khích các hộ dân trồng bí đao, chanh leo trên các chân ruộng 1 vụ thay thế những cây trồng kém năng suất.
Bê cạnh đó, xã đặt ra mục tiêu chuyển 80% diện tích ruộng hiệu quả thấp sang sản xuất hoa quả, rau màu. Để thực hiện có hiệu quả, xã tổ chức cho các hộ có điều kiện kinh tế khá đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở nhiều nơi. Sau đó trở về áp dụng tại địa phương, mô hình thí điểm nào hiệu quả sẽ tiếp tục nhân rộng, tiến tới đại trà.
Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Lò Văn Lục, Chủ tịch UBND xã cho biết: Phúc Khoa cũng là xã có đàn gia súc tương đối lớn với tổng đàn đạt trên 2.600 con. Trong đó đàn trâu lên đến 800 con. Do đó, tiếp tục quan tâm phát triển đàn gia súc cũng là cách để Phúc Khoa nâng cao mức thu nhập.
Hiện nay xã đang kêu gọi đầu tư nâng cấp đường giao thông vừa phục vụ sản xuất song cũng góp sức đắc lực cho phát triển du lịch. Vận động Nhân dân trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan, bóng mát trên đồi chè.
Xây dựng các điểm view, lắp đặt bảng biển, chỉ dẫn và có người hướng dẫn khách tham quan đồi chè. Song song với đó là định hướng cho người dân đầu tư nhà hàng ăn uống, phục vụ nhu cầu theo chuỗi cung ứng cho du khách. Theo lộ trình xây dựng NTM nâng cao, đến năm 2025, Phúc Khoa trở thành bản văn hóa du lịch cộng đồng.
Thực hiện tiêu chí liên quan đến văn hóa, xã đang có định hướng phục dựng và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc: Mông, Thái, Giáy. Cụ thể là xã đã xây dựng chương trình cụ thể để tổ chức Lễ hội Pí Lẹ (thổi kèn) của đồng bào dân tộc Giáy trong thời gian tới.
Trong khi các xã khác còn "loay hoay" với tiêu chí môi trường, thì Phúc Khoa luôn tự tin với tiêu chí này. Ngoài nguồn hỗ trợ của huyện để ký hợp đồng thu gom rác với mức lương hơn 1 triệu đồng/công nhân, mỗi hộ dân trong xã còn đóng góp thêm 15.000 đồng/hộ để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ công nhân thu gom rác. Xã còn hỗ trợ chổi, vôi, thuốc khử trùng… để phục vụ cho việc bảo vệ môi trường.
"Xã thường xuyên rà soát chi tiết, cụ thể đối với từng tiêu chí và đánh giá đến từng hộ gia đình. Từ đó nắm tình hình và giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên phụ trách, tập trung vào các tiêu chí nội lực để tạo sự đồng thuận, quyết tâm trong người dân… Với những giải pháp quyết liệt đó, tin rằng Phúc Khoa không trễ hẹn với NTM nâng cao", ông Lục hồ hởi nói.