Đào tạo nghề cho nông dân xã nông thôn mới nuôi tôm công nghệ cao

Trần Khánh Thứ ba, ngày 20/09/2022 09:21 AM (GMT+7)
Đào tạo nghề cho nông dân nuôi tôm công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ mà Trung tâm khuyến nông thường tổ chức, góp phần giúp TP.HCM tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển nền nông nghiệp đô thị.
Bình luận 0

Đào tạo nghề nuôi tôm công nghệ cao

Bà Nguyễn Thị Gái Nhỏ - Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm khuyến nông TP.HCM cho biết, ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp nông nghiệp thành phố tạo sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu người dân và xuất khẩu.

Trong đó, công tác đào tạo nghề nông nghiệp và phát triển nông thôn là nhân tố quan trọng để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập nông hộ, góp phần xây dựng nông thôn mới TP.HCM.

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã mở lớp dạy nghề Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm cho 20 nông dân nuôi tôm trên địa bàn xã nông thôn mới Lý Nhơn (huyện Cần Giờ).

Nông dân nuôi tôm ở huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Nông dân nuôi tôm ở huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Khóa học nhằm giúp các hộ nuôi tôm có điều kiện thực hành, tham quan các mô hình hiệu quả, góp phần nâng cao kiến thức ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Giảng viên đứng lớp đã truyền tải nhiều kiến thức thực tiễn, từ kỹ thuật thiết kế lót đáy bạt ao nuôi, cách sử dụng máy cho ăn thông minh, xử lý các sự cố về môi trường trong nuôi tôm cho học viên.

Không chỉ học lý thuyết, các học viên còn được thực hành trực tiếp tại các mô hình hiệu quả ngay tại Cần Giờ.

Ông Trịnh Đức Thuấn, nông dân ở xã Lý Nhơn, học viên của lớp cho biết, lớp học còn tạo điều kiện để mọi người được tham quan, kiến tập thực tế ở Kiên Giang. Chuyến đi giúp học viên mở mang kiến thức, kinh nghiệm và có thêm động lực học tập để nâng cao tay nghề sản xuất.

Ứng dụng kiến thức nuôi tôm công nghệ cao vào thực tiễn

Cũng theo ông Thuấn, nông dân tham gia lớp học là những hộ nuôi tôm thường xuyên bận rộn với công việc hằng ngày ở ao nuôi. Thế nhưng, mọi người đều chủ động sắp xếp thời gian để tham gia khóa học vì lợi ích thiết thực cho bản thân.  

Ông Thuấn cho biết sẽ ứng dụng ngay những kiến thức từ khóa học vào sản xuất nhằm thay đổi phương thức canh tác phù hợp.

"Kinh nghiệm mới sẽ giúp tôi và mọi người nâng cao sản lượng để ổn định kinh tế gia đình, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm nông nghiệp của người tiêu dùng", ông Thuấn nói.

Theo UBND xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ có nhiều lợi thế để phát triển những sản phẩm nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm nước lợ. Trong đó, xã Lý Nhơn là địa phương tập trung nhiều hộ dân nuôi tôm.

Nông dân xử lý đáy ao để chuẩn bị vụ nuôi tôm mới. Ảnh: Trần Khánh

Nông dân xử lý đáy ao để chuẩn bị vụ nuôi tôm mới. Ảnh: Trần Khánh

Ông Đoàn Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhơn cho biết, nuôi tôm nước lợ cũng là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM.

Những lớp học như của Trung tâm Khuyến nông tổ chức là rất thiết thực, giúp học viên nông dân tích lũy kiến thức về công nghệ, thay đổi thói quen canh tác.

"Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động để có thêm nhiều nông dân tham gia các lớp học về ứng dụng công nghệ cao; góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương", ông Bình cho biết.

Bà Nguyễn Thị Gái Nhỏ cho biết, Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục tham khảo nhu cầu của nông dân TP.HCM về những lĩnh vực cần học tập, nâng cao kiến thức.

Bà Nhỏ bày tỏ hi vọng, sau thời gian đào tạo như lớp dạy nghề nuôi tôm vừa qua, các học viên sẽ mạnh dạn sử dụng kiến thức vào mô hình sản xuất của mình. Từ đó nhân rộng thêm nhiều mô hình, những cách làm khoa học và hiệu quả.

"Đặc biệt là góp phần nâng cao sản lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng như hiện nay",  bà Nhỏ chia sẻ. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem